Chuyện đời "thần tài vé số" xuyên Việt

Giữa trưa, Sài Gòn nắng như đổ lửa. Trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), có một người đàn ông mang trên mình bộ quần áo thần tài với xấp vé số miệt mài mưu sinh. Ông là Trương Minh Tấn, mọi người thường gọi “thần tài vé số”.

Hai mươi bốn năm “xuyên Việt” bán vé số, có lẽ ông là người nắm giữ kỷ lục về đi bộ nhiều nhất Việt Nam. Con người bình dị với thương hiệu “thần tài” độc nhất vô nhị ấy cũng là Mạnh Thường Quân cho bao mảnh đời bất hạnh...

"Độc nhất, vô nhị"

Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh, ông Tấn có giọng nói và tính cách hào sảng, thân thiện của một người Nam bộ. Khi biết chúng tôi có ý định viết bài về mình, ông cười hiền lành rồi gật đầu đồng ý. Năm 1977, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trương Minh Tấn xung phong đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Sau năm năm phục vụ quân ngũ, Tấn vinh dự trở về quê hương với quân hàm trung sĩ. Những năm đầu giải phóng, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vùng kinh tế mới còn thiếu thốn giáo viên nên ông lại một lần nữa xung phong lên huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) để dạy chữ. Tưởng chừng nghiệp sư phạm cao quý sẽ níu chân người đàn ông đầy tâm huyết ấy, nhưng rồi sau sáu năm gắn bó với trường lớp, những học trò thân thương, bệnh sốt rét liên tục hành hạ, có phen “thập tử nhất sinh” khiến thầy Tấn không còn đủ sức khỏe cắm bản, đành giã biệt bục giảng.

Bệnh tật nằm một chỗ, phải để vợ con nuôi, nhiều lần ông tủi thân, khóc thầm trong bụng, chả lẽ trở thành phế nhân, buông xuôi số phận? Thế là ông kiếm cái gậy, tự ngồi dậy tập luyện lấy lại thể lực. Lúc ấy ông nghĩ cách kiếm sống duy nhất là bán vé số, vừa kiếm được tiền, vừa rèn luyện sức khỏe. Từ biệt vợ con, đút túi vài chục ngàn đồng làm vốn liếng, ông xuống Sài Gòn bắt đầu cuộc sinh nhai. Nhưng thành phố đất chật, người đông, đội quân bán vé số lúc ấy đông như kiến, ông không “cạnh tranh” nổi. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ: phải làm cái gì đó khác lạ, mới mẻ để người ta chú ý tới mình mới mong bán được hàng. Đang suy nghĩ mông lung thì ông thấy tấm lịch trên tường có hình ảnh ông thần tài với nụ cười hiền lành, mang nhiều may mắn, ấm no đến cho mọi người. Nghĩ là làm, ông lấy bút giấy ra tự “thiết kế” một bộ đồ thần tài cho mình rồi đưa vải ra tiệm thuê may. Những ngày đầu mặc bộ áo quần thần tài đi bán vé số, ông gặp không ít “sự cố” dở khóc, dở cười. Có người cứ tưởng ông bị... thần kinh, trẻ nhỏ thì theo sau trêu ghẹo, nghịch ngợm.

Thường ngày ông thức dậy lúc 4 giờ 30, ăn uống, trang điểm xong đi làm lúc 6 giờ. Nếu hôm nào cảm thấy khỏe ông lấy 200 tờ, còn bình thường thì trăm rưỡi, bán hết ông mới về. Mấy chục năm bán vé số dạo, ông chưa khi nào phải trả lại vé cho đại lý. Ông quan niệm thần tài là người đem may mắn, vui vẻ đến cho mọi người nên khi đi bán, ai có nhu cầu mua thì gọi đến chứ không mời mọc, chèo kéo, bởi làm thế khách hàng sẽ rất khó chịu. Ông mong mỗi tờ vé số sẽ mang lại niềm hy vọng, lạc quan cho mọi người trong ngày mới. Vậy nên sau khi bán, ông đều tươi cười cầu chúc: “Chúc anh chị một ngày an lành, may mắn”, hay “cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với cô, cậu”. 

Bán vé số để làm từ thiện

Có thể nói, ông Trương Minh Tấn là một “vận động viên điền kinh” cừ khôi nhất Việt Nam. Mỗi ngày, trung bình ông đi khoảng 30km, nếu nhân lên với 24 năm rong ruổi mưu sinh, con số không nhỏ chút nào. Sau một thời gian mưu sinh ở Sài Gòn, ông lại về Đồng Nai, Bình Dương, xuống các tỉnh miền Tây, lên Tây Nguyên, xuống Đà Nẵng, ra Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Mỗi tỉnh ông ở vài ba năm nên các góc phố con đường ông thuộc lòng trong bàn tay. Ông bảo: “Khi giàu có, tiền bạc rủng rỉnh thì họ mới đi du lịch. Còn mình đang nghèo nên tranh thủ đi tham quan, du lịch bằng nghề bán vé số dạo. Thế mà 24 năm bán vé số, tui đi được gần hết đất nước mình rồi đấy”.

Ông quan niệm bán vé số cũng là một nghề như bao nghề làm ăn chân chính, lương thiện khác. Đội ngũ vé số như ông có hàng trăm, hàng vạn người, mỗi người giúp một viên gạch xây dựng đất nước. Thế nhưng hơn hai chục năm hành nghề, ông đã trăn trở và gặp không biết bao phiền toái. Đó là những ngày ông đi bán dạo ở các khu chợ như Bến Thành, An Đông, Thái Bình (TPHCM), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Đông Ba (Huế)... bảo vệ thường không cho vào. Họ dẫn giải là sợ đóng kịch, trộm cắp này nọ. Ông bức xúc: “Chuyện trộm cướp thì đã có công an lo, còn tui là một công dân, buôn bán lương thiện cắc cớ gì không được vào. Chưa kể thần tài vé số ở Việt Nam mình thì chỉ có mình tui làm, ngày nào người dân chả thấy tui đi ngoài đường, có làm điều sai trái thì chạy đâu cũng không thoát”. Điều trăn trở nữa mà ông tâm sự với tôi đó chính là đội ngũ bán vé số nước mình rất đông, mỗi ngày tiêu thụ cho các đại lý hàng trăm triệu vé, làm lợi cho nhà nước. Thế nhưng họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Dù là một người bán vé số mưu sinh, chẳng giàu có gì nhưng ông thường xuyên giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, kém may mắn. Có hôm thấy đứa bé bị lạc đói lả, nằm lăn lóc trên vỉa hè, ông đưa đến quán mua cơm cho nó ăn rồi thuê xe ôm đưa về. Những ngày rong ruổi ngoài miền Trung, chứng kiến người dân cảnh “màn trời, chiếu đất”, ông hết sức đau lòng. Tiền dành dụm được bấy nhiêu, ông hỏi thăm các tòa soạn báo, rồi ủng hộ hết. Ông cũng là độc giả thường xuyên của các tờ Công an TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Phụ Nữ... bởi những tờ này thường xuyên đăng tải những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn. “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, mình không có thì giúp họ vài ba trăm ngàn, coi như an ủi động viên phần nào” - ông Tấn sẻ chia. Khi đi ủng hộ, quyên góp tiền, nhiều tờ báo hỏi ông tên gì để ghi vào sổ, tiện bề liên lạc sau này. Ông bảo cứ ghi “Ông thần tài” là ai cũng biết.

Cuối buổi trò chuyện, chúng tôi hỏi thế bao giờ ông nghỉ làm thần tài, không đi bán vé số mưu sinh nữa. Trên khuôn mặt đen sạm, hằn những nếp nhăn thời gian, ông nở nụ cười hiền lành: đi khi nào chân chùn, gối mỏi, khi sức khỏe nó không cho mình đi nữa thì thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triều Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN