“Chưa có ai đầu thú vì nhận hối lộ”
"Việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 2 lái xe trong vụ án nhận hối lộ của nhóm cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng, đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, tình trạng đưa và nhận hối lộ vẫn ngày càng nhiều...", đó là chia sẻ của Luật gia, nhà báo Đinh Anh Tuấn dành cho phóng viên.
Đã hối lộ là vi phạm pháp luật
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" đối với nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa. Điểm nhấn trong vụ việc này là người đưa hối lộ không bị xử lý hình sự. Ông nghĩ sao về điều này?
Người đưa hối lộ sẽ được coi là không phạm tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp bị ép buộc. Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ví dụ, tôi làm cái sổ đỏ, sau 30 ngày tôi được nhận sổ, nhưng sau nhiều tháng, sổ đỏ của tôi bị “ngâm”. Khi hỏi thì người ta lờ đi. Sau khi hỏi nhiều quá thì người ta mới gợi ý là muốn lấy sổ thì làm "cơ chế" đi. Đó là do bị thúc ép mà phải đưa hối lộ. Tôi không chủ động đưa tiền ngay mà trình báo, tố giác hành vi đó đến các cơ quan chức năng. Nếu tôi đã chủ động báo cáo đến cơ quan công an và cơ quan điều tra bảo tôi cứ đáp ứng yêu cầu của họ đi, sẽ bố trí để bắt quả tang. Trường hợp đấy thì được coi là bị ép buộc.
Nghĩa là việc tố giác phải được tiến hành trước khi hành vi hối lộ diễn ra?
Đúng vậy!
Luật gia, nhà báo Đinh Anh Tuấn, Hội Luật gia Hà Nội
Hối lộ làm hỏng cán bộ nhà nước
Từ sự việc trên, ông có nhận định gì về tình trạng đưa và nhận hối lộ hiện nay?
Chúng ta phải thừa nhận tình trạng, loại tội phạm đưa và nhận hối lộ đang rất phổ biến trong xã hội và có vẻ càng ngày càng trầm trọng. Cả đưa và nhận đều đang rất phổ biến. Mặc dù để chứng minh điều này theo kiểu bắt tận tay day tận mặt thì không đơn giản, nhưng chúng ta đều hiểu là nó đang diễn ra âm thầm.
Điều này sẽ dẫn đến hệ quả gì thưa ông?
Theo tôi nó rất nguy hiểm cho xã hội. Nó làm thiệt thòi đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Người dân phải mất tiền mới có được dịch vụ mà đáng lẽ đó là quyền đương nhiên. Nó còn làm hỏng cả một đội ngũ cán bộ của nhà nước.
Ý ông là đồng tiền đang làm tha hóa một số cán bộ nhà nước?
Cán bộ nhà nước có nhiệm vụ phục vụ nhân dân, mang lại hạnh phúc cho người dân nhưng tệ nạn đưa - nhận hối lộ làm cản trở nhiệm vụ đó. Người dân bị thiệt thòi quyền lợi. Đội ngũ cán bộ hư hỏng. Thậm chí còn làm chậm lại sự phát triển kinh tế của đất nước. Làm các nhà đầu tư nản không muốn đầu tư vào Việt Nam.
Vi phạm ngày càng phổ biến
Theo ông thì với động thái không truy tố người đưa hối lộ trong sự việc trên có đủ để khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc tố cáo?
Theo tôi có lẽ là chưa đủ.
Vì sao vậy?
Đây là vấn đề có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là chế độ tiền lương của chúng ta đang có nhiều bất cập. Người ta vẫn phải sống. Cán bộ cũng là người. Cán bộ chức vụ ngành nghề nào cũng có gia đình, con cái, phụng dưỡng cha mẹ, rồi bảo hiểm cho chính cuộc sống của mình.
Ai cũng muốn không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu nữa. Mà thực tế thì không ai sống bằng lương cả. Nếu chỉ bằng lương thì chưa chắc đã đủ sống chứ chưa nói gì đến mua nhà, mua xe hay đi du lịch.
Vì thế mà đưa và nhận hối lộ đã trở thành thói quen?
Để tránh chuyện làm nhiều thành quen, quen rồi thì nhàm, nên luật đã quy định xử lý cả người đưa chứ không chỉ là người nhận. Nó sẽ làm người ta chùn tay lại và hạn chế được phần nào.
Phải chăng ngoài những lý do ông vừa nêu, còn có một bất cập là việc bảo vệ người tố cáo hiện vẫn chưa chặt chẽ?
Làm thế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng là cả một vấn đề lớn. Ở góc độ nào đó họ chính là những người phòng chống tham nhũng, làm thế nào để bảo vệ họ. Nhiều người sau khi tố cáo thì chịu rất nhiều bầm dập. Ta chưa làm tốt điều này.
Không ai đầu thú vì nhận hối lộ
Người nhận hối lộ có tố cáo được người đưa hối lộ không thưa ông?
Nhiều trường hợp cảnh sát cơ động bắt được đối tượng đi gây án về, đối tượng đưa tiền hối lộ cho cảnh sát để được thoát. Cảnh sát lúc này là người thực thi pháp luật. Họ sẽ cảnh cáo người có ý định thực hiện hành vi đó, nhắc nhở cho họ biết như vậy là vi phạm.
Chứ còn cán bộ trong khối cơ quan hành chính nhà nước nói chung, nếu đã trót nhận hối lộ rồi thì... Đằng nào hành vi nhận hối lộ đã diễn ra. Họ đã là tội phạm rồi. Nếu làm đúng thì việc đầu tiên của họ là đầu thú và khai ra người đồng phạm với mình.
Không lẽ tự dưng họ đi đầu thú và nhận mình là tội phạm?
Vì thế đến giờ chưa có ai đầu thú về việc mình đã nhận hối lộ. Nếu sự việc bị phát giác thì họ đem trả lại số tiền đã nhận đó. Hình thức cao nhất là họ trả lại do bị tố cáo từ phía người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ quan niệm là người bị hại nên tố giác, nhưng tố giác khi hành vi đã hoàn thành thì về bản chất nó là hành vi đầu thú.
Và vì không ai "đầu thú" nên tình trạng này vẫn cứ ngày càng phổ biến?
Hành vi đưa hối lộ, làm hỏng cả đội ngũ cán bộ, các quy định của nhà nước không được tôn trọng, không được thực hiện nghiêm... là những hệ quả xấu đối với toàn xã hội. Có lẽ mỗi người phải nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi này để có những điều chỉnh đúng đắn, phù hợp với pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Theo luật, bất cứ người nào thực hiện hành vi nhận và đưa hối hộ khi sự việc đã diễn ra rồi, thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quan điểm của tôi thì việc đầu tiên, nhà báo phải có những hiểu biết pháp luật tối thiểu. Hiểu thế nào là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, khi đã hiểu rõ thì không để mình vào tình thế phạm tội được. Riêng về hành vi đưa hối lộ thì điều luật quy định đã rõ ràng, không ai được phép trực tiếp đưa hối lộ, kể cả trong trường hợp bị vòi vĩnh. Khai báo trước khi hành vi bị phát giác, chứ không được đánh bẫy đối tượng, không được chủ động đặt vấn đề hối lộ họ sau đó mới tố giác. Chúng ta ghi âm, chụp ảnh, dùng nó làm bằng chứng tố cáo họ là hành vi đã hoàn thành rồi. Không được đặt mình vào tình huống chủ động đưa hối lộ. |