Chính phủ Hy Lạp “bán mình” đổi gói giải cứu kinh tế

Gói cải cách kinh tế mới của Hy Lạp gồm những điều khoản tương tự như những thứ mà họ đã bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

Ngày 10.7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất của chính phủ về một gói cải cách kinh tế nhằm mục đích chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ của nước này và đảm bảo một gói giải cứu kinh tế mới đến từ Liên minh châu Âu.

Đây được coi là một quyết định “bán mình” của chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, bởi gói cải cách kinh tế mới này gồm những biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc chẳng khác gì điều mà đảng Syriza cầm quyền đã kịch liệt phản đối trước cuộc trưng cầu dân ý khước từ đề xuất của các chủ nợ châu Âu trước đây.

Chính phủ Hy Lạp “bán mình” đổi gói giải cứu kinh tế - 1
Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch cải cách kinh tế mới

Phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp tối hôm qua, ông Tsipras phải thừa nhận rằng nhiều đề xuất trong gói cải cách kinh tế này đi ngược lại với những lời hứa chống thắt lưng buộc bụng mà đảng của ông đã đưa ra khi mới đắc cử.

Tuy nhiên, ông Tsipras cũng tìm cách thuyết phục các nghị sĩ và người dân tin vào quyết định này, bởi chính phủ của ông “có nghĩa vụ quốc gia phải giúp người dân sống sót và vẫn nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone”.

Các nguồn tin châu Âu cho hay nhiều chủ nợ của Hy Lạp như Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã bày tỏ sự hài lòng với quyết định trên của chính phủ Hy Lạp cho cho rằng đây là một kế hoạch “tích cực”.

Các quan chức eurozone cho hay họ sẽ sớm thảo luận về yêu cầu giãn nợ của Hy Lạp đối với một số khoản nợ sắp đến hạn.

Kế hoạch cải cách kinh tế của ông Tsipras đã nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ Quốc hội vào sáng sớm hôm nay, tuy nhiên một số nghị sĩ thuộc đảng Syriza cầm quyền vẫn không đồng tình và kiên quyết phản đối đế hoạch trên.

Chính phủ Hy Lạp “bán mình” đổi gói giải cứu kinh tế - 2
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras

Theo kế hoạch này, ông Tsipras yêu cầu EU phải viện trợ 53,5 tỉ euro để Hy Lạp trang trải các khoản nợ cho đến năm 2018. Đổi lại, chính phủ của ông sẽ chấp nhận xem xét lại chương trình trợ cấp, tăng thuế và tăng tỉ lệ tư nhân hóa trong nền kinh tế. Đây chính là những biện pháp mà đa số người dân Hy Lạp đã nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

Theo các nhà phân tích, đây là quyết định không thể tránh khỏi của chính phủ Hy Lạp, bởi hệ thống ngân hàng của nước này chỉ còn vài ngày nữa là cạn sạch tiền mặt, và nếu không có một thỏa thuận mới nào được đưa ra, Hy Lạp chắc chắn sẽ phải rời khỏi eurozone.

Việc rời khỏi eurozone đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải tự in đồng tiền riêng của mình, còn nền kinh tế sẽ rơi vào hỗn loạn và kiệt quệ khi họ không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, và người dân Hy Lạp sẽ là những người phải hứng chịu hậu quả đầu tiên.

Theo chuyên gia phân tích Mark Lowen, gói cải cách kinh tế trên là một bước thụt lùi rất lớn của Thủ tướng Tsipras và đảng Syriza cầm quyền, bởi đảng này được lên nắm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua chủ yếu là nhờ vào những lời hứa chống thắt lưng buộc bụng trước các cử tri Hy Lạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN