“Chỉ được mua ô tô khi có bãi đậu”: Kẻ mừng người lo
Có người đồng tình, có người phản đối và cũng có người cho rằng quy định trên không khả thi.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (TP.HCM) đã trình lên UNBD thành phố một số kiến nghị nhằm giảm tải xe cá nhân trên địa bàn, như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân; tăng phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới; thu phí môi trường (gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn)… Đặc biệt là kiến nghị chỉ cho phép mua và đăng ký giấy phép sử dụng xe ô tô khi chứng minh được bãi đậu. Trước thông tin này, nhiều luồng ý kiến đã trái chiều đã được đưa ra.
Một du học sinh tại Singapore chia sẻ: “Cái này học hỏi của Singapore để hạn chế số lượng xe đăng ký. Không phải tự nhiên mà Singapore áp dụng liên tục trong 17 năm qua. Học hỏi là điều tốt, nhưng hy vọng điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam”.
TP.HCM hiện đang có 500.000 xe ô tô hoạt động, chiếm 1/3 lượng xe ô tô của cả nước.
Trong khi đó, anh Hoàng Phong (Giám đốc một công ty vận tải tư nhân tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhìn nhận: “Thử nhìn quy hoạch ở bên Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản,… sẽ thấy họ đã xây nhà là phải có chỗ đỗ xe rồi. Không có chỗ đỗ xe thì khó mà xây nhà được. Bãi đỗ xe cũng được quy hoạch khắp nơi”. Từ đó, anh Phong khẳng định giải pháp “chỉ được mua xe ô tô khi có bãi đậu là không khả thi ở Việt Nam”. Cũng theo anh Phong, với vai trò là một người kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, việc đăng ký một chiếc xe mang biển số ở tỉnh rồi mang vào trung tâm thành phố sử dụng không quá khó.
Còn anh Hồ Hữu Tiến (Q.10, TP.HCM) thì trình bày hiến kế: “Tôi nghĩ thành phố nên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm chứ ko phải là ‘có nơi đậu xe mới được sắm xe’. Làm thế nào vừa lợi cho người dân và cả nhà nước thì nên làm”.
Cùng với đó, nhiều luồng ý kiến cho rằng, quy định mới nếu được áp dụng sẽ phát sinh thêm một đội ngũ xử lý việc đăng ký, xác minh thông tin. Đồng thời có thể sẽ có tình trạng “lót tay” để có được tờ giấy đăng ký bãi đỗ xe hay giấy đăng ký sử dụng xe.
Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: “Chúng ta cũng thấy là trong thời gian qua, có rất nhiều chính sách và quy định được đề xuất nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa đạt được mục đích cần thiết của nó vì đây chỉ là những giải pháp xử lý bề nổi của vấn đề.
Còn vấn đề sâu xa hơn nữa là chúng ta phải giải quyết được việc nâng cấp và mở rộng các cơ sở hạ tầng, các phương tiện giao thông công cộng hiện đại để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Một khi các phương tiện giao thông công cộng của chúng ta tốt thì nhu cầu sử dụng của người dân chắc chắn sẽ cao hơn. Khi đó, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng sẽ được hạn chế”.
“Nếu cho rằng quy định trên sẽ hạn chế được số lượng xe lưu thông trong nội thành thì tôi e rằng là… chưa chắc. Mà khi đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến quyền lưu hành xe mới giữa những người dân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM, hoặc họ cũng có thể không đăng ký tại khu vực TP.HCM mà chỉ đăng ký xe tại các tỉnh thành khác rồi mang về TP.HCM sử dụng. Khi đó, liệu rằng TP.HCM có thể hạn chế được hay không? Và hạn chế bằng cách nào khi pháp luật đã cho phép công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước? Như vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, giải pháp mà Sở GTVT vừa đề xuất lên UBND thành phố về việc ‘chỉ được mua ô tô khi có bãi đậu nhằm hạn chế lượng xe cá nhân lưu hành trong nội thành’ là một quy định còn nhiếu vấn đề bất cập và như thế sẽ rất khó để thực thi”, Luật sư Thảo nói.
Cũng theo Luật sư Thảo, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến hạn ngạch đăng ký xe ô tô nhằm hạn chế quyền sở hữu tài sản một cách hợp pháp của người dân. Ngay cả trong điều 32 của Hiến pháp năm 2013 nước CHXHCN Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ vấn đề này như sau: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Ngoài ra, quy định của điều 212 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 cũng đã nêu rất rõ việc tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân, theo đó thì: “Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân và tài sản hợp pháp thuộc hình thức sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị”. Do vậy, quy định như Sở GTVT đề xuất sẽ hạn chế quyền được sở hữu tài sản hợp pháp của công dân về số lượng đã được Hiến Pháp 2013 và BLDS 2015 quy định cụ thể.