Cây xăng quyền lực: Chỉ là “phần nổi”
Sự thật còn kinh khủng hơn, không quá tải cũng phải chung chi!
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, nói:
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM |
Loạt bài điều tra của Pháp Luật TP.HCM phản ánh tiêu cực của CSGT nhưng chỉ chạm đến phần nổi của tảng băng chìm. Không phải chỉ có doanh nghiệp (DN) chuyên chở quá tải mới chung chi cho CSGT mà cả DN không chở quá tải nhưng vì muốn được yên thân, không bị làm khó dễ cũng phải chung chi…
- Thường chỉ có xe chở quá tải thì mới bị CSGT kiểm tra, xử lý nên phải chung chi CSGT để được qua chứ không quá tải thì hà cớ gì phải chung chi, thưa ông?
Theo Nghị định 71, mức phạt xe quá tải 3-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe của tài xế 30-60 ngày. Ở đây phải minh định cụ thể về lỗi quá tải. Thứ nhất, lỗi chính các DN vì cạnh tranh cố tình chở hàng quá tải thiết kế xe, tải trọng của cầu, đường. Thứ hai là do lỗi hạ tầng giao thông nhưng DN vận tải phải chịu. Trên tuyến đường tốt nhưng có một số cầu yếu, cơ quan chức năng thay vì nhanh chóng sửa chữa lại gắn biển báo thấp xuống làm cho các xe chở đúng tải cũng trở thành quá tải cầu và bị xử lý quá tải. Nhiều trường hợp xe bị xử lý quá tải là do biển báo không hợp lý chứ không phải họ chở quá tải. Về chuyện này, tôi còn nhớ báo Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài “Khập khễnh biển báo tải trọng cầu đường” cách đây vài năm.
Lực lượng CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) xử lý nghiêm lỗi vi phạm quá tải thì không có DN vận tải dám chở quá tải. Các DN chở quá tải muốn tồn tại thì họ phải chung chi cho CSGT, TTGT. Thế nhưng có rất nhiều DN vận tải không chở quá tải nhưng vì muốn “yên thân”, không bị làm khó dễ thì họ cũng chung chi. Tất nhiên, giá chung chi của xe quá tải sẽ cao hơn so với xe bình thường.
Cây xăng Hồng Nhân ở Đức Trọng, Lâm Đồng, nơi đã nhận tiền của lái xe để chung chi cho CSGT TP Đà Lạt với giá 1,2 triệu đồng/tháng cho mỗi xe
- Tại sao ông nhận định việc báo phản ánh chỉ là phần nổi của tảng bằng chìm?
Với số tiền chung chi mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng và thông qua trung gian là nhân viên cây xăng thì tôi cho rằng đây chỉ là DN ít xe, không chở quá tải nhưng muốn được “yên thân” nên mới có giá như vậy.
Nếu là DN có nhiều xe, chuyên chở quá tải thì mối quan hệ họ rộng hơn, cách thức họ tiếp cận với lực lượng chức năng kín đáo hơn và số tiền chung tháng cho mỗi đầu xe cũng cao hơn.
- “Điệp khúc” quen thuộc là báo phản ánh tiêu cực, một số CSGT liên quan bị đình chỉ công tác, điều chuyển qua bộ phận khác, kỷ cương lập lại được một thời gian ngắn rồi đâu cũng vào đấy, thậm chí ngày càng tinh vi hơn. Theo ông, làm sao để chấm dứt “điệp khúc” này?
Theo tôi khó nhưng không phải không làm được. Thứ nhất, phải nâng cấp hạ tầng giao thông ở các tuyến đường huyết mạch và đồng bộ, không còn có những cầu yếu trở thành cái “bẫy” DN vận tải rơi vào, biển báo cầu đường phải hợp lý. Hiện DN vận tải để được kinh doanh phải gánh rất nhiều phí, lệ phí để duy tu, bảo trì đường bộ. Thứ hai, lực lượng CSGT và TTGT phải xử lý nghiêm minh các phương tiện vi phạm. Thứ ba là đạo đức kinh doanh của các DN vận tải, không vì mục tiêu lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh rồi móc nối với lực lượng chức năng để bao kê cho việc chở quá tải.
Bộ Công an chỉ đạo xác minh Đông Phương |