Cảnh sát 113 kể chuyện bị "quấy rối" qua tổng đài

Nhiều người do buồn bực hoặc quá rảnh rỗi, không biết nơi nào “trút bầu tâm sự” nên đã gọi điện đến tổng đài 113 để quấy rối lực lượng công an, thậm chí mỗi ngày gọi hàng chục cuộc.

Do hay đi chơi với bạn trai nên gia đình đã “cấm cửa” Lê Phạm Hướng D. (ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trong nhà. Buồn bực không có việc gì làm, D. gọi điện đến đường dây nóng 113 của Công an Cần Thơ chọc phá. Chỉ trong 5 ngày, D. đã gọi 466 cuộc điện thoại vào tổng đài 113. Điều buồn cười là khi lực lượng công an tới nhà thì trên tay D. vẫn còn cầm điện thoại gọi đến đường dây nóng 113.

Đại uý Nguyễn Thanh Việt, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 (thuộc Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Cần Thơ) cho biết: “Chỉ trừ lúc tắm, đi ngủ hoặc ăn cơm là không thấy số điện thoại của D. quấy phá chúng tôi chứ lúc thức dậy là D. liên tục bấm điện thoại gọi”.

Hà Quang Đ. (ngụ phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) thường dùng số 0939520xxx gọi quấy rối cảnh sát 113 Công an Cần Thơ. Khi rà soát số thuê bao trên thì lực lượng công an thấy số này hay gọi cho 1 người ở huyện Thới Lai. Qua xác minh, người này là bạn gái của Đ. và người bạn gái này cho biết số này Đ. rất ít khi sử dụng, thường trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng. Cơ quan chức năng đã làm việc với Đ. và cho nghe lại băng ghi âm những lời mà Đ. nói rất thô tục với lực lượng công an nhưng đối tượng này khăng khăng phủ nhận. Đến khi thấy người yêu đi cùng lực lượng công an thì Đ. mới móc trong túi ra chiếc sim điện thoại hay gọi đến tổng đài 113.

Từ đầu tháng 2 đến tháng 4-2015, tổng đài cảnh sát 113 của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh Công an tỉnh Vĩnh Long nhận hơn 1.400 cuộc điện thoại gọi đến quấy phá. Đáng chú ý là số thuê bao 01867353xxx, liên tục gọi đến tổng đài 113 với lời lẽ thô tục. Trung bình mỗi ngày, từ số thuê bao này gọi từ 10-20 cuộc, có ngày lên đến 50 cuộc. Trực ban 113 đã nhiều lần nhắc nhở không được tái phạm, tuy nhiên chủ thuê bao chẳng những không nghe lời mà còn gọi điện quậy phá ngày càng nhiều hơn.

Cảnh sát 113 kể chuyện bị "quấy rối" qua tổng đài - 1

Tổng đài 113 Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận tin báo của người dân. Ảnh: Công an Vĩnh Long cung cấp

Qua xác minh, người sử dụng số điện thoại trên là em Nguyễn Thị Thanh L. (14 tuổi, ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). “Gần 1 năm nay, tôi thấy nó thường xuyên cầm điện thoại di động nói chuyện liên tục. Tôi hỏi L. nói chuyện với ai mà sao thấy ngày nào cũng gọi thì L. không trả lời. Đến khi công an đến nhà tôi mới biết nó gọi chọc phá công an” - ông Đặng Văn B. (60 tuổi, ông ngoại của L.) nói. Lực lượng 113 lập biên bản giáo dục và cho viết cam kết không tái phạm (vì tại thời điểm vi phạm L. chưa đủ 14 tuổi), đồng thời bàn giao cho chính quyền và đoàn thể của địa phương lập hồ sơ quản lý, giáo dục.

Theo Đại uý Việt, những cuộc điện thoại gọi đến tổng đài 113 quấy rối đa phần là sim khuyến mãi nên rất khó xác minh đối tượng sử dụng. Có trường hợp khi tiến hành xác minh, khi đến nhà, có người thấy công an là bật khóc. Đối với những trẻ vị thành niên gọi quấy phá, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở và cho gia đình làm cam kết giáo dục.

Theo Trung tá Lê Phước Tài, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Vĩnh Long, đa phần những người quậy phá tổng đài 113 thường có biểu hiện về tâm lý không được bình thường. Một phần, do gọi vào tổng đài 113 hay 114 và 115 đều không tính phí, sim điện thoại không còn tiền nhưng vẫn gọi được nên có người gọi mỗi ngày đến hàng chục cuộc.

Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2014, đã có 5 trường hợp sử dụng sim rác, sim khuyến mãi để quấy rối số điện thoại 113. Cả 5 trường hợp đều bị phát hiện và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ca Linh/Người lao động
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN