Cần “đại phẫu” ngành xe khách
Sự an toàn của người dân còn bị đe dọa chừng nào chưa tiến hành một cuộc “đại phẫu”, tái cấu trúc hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cho biết tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp.
Xử phạt doanh nghiệp có tài xế vi phạm
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện: không làm chủ tốc độ, uống bia rượu, lấn làn lấn đường… Rất nhiều vụ không hề liên quan đến chất lượng hạ tầng giao thông.
Người thân đau xót khi đón linh cữu chị Đặng Thị Hoa và Đặng Thị Thơm về quê nhà ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, sau tai nạn giao thông xảy ra ở Khánh Hòa sáng 8/3. Ảnh: TỬ TRỰC
Trong năm 2013, Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa chữa, duy tu những tuyến đường đang xuống cấp; cơ bản xóa được các điểm đen tai nạn đồng thời sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách đường dài vi phạm các quy định về vận tải, an toàn đường bộ. Một thành viên ban soạn thảo nghị định xử phạt vi phạm giao thông (thay thế Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012, dự kiến có hiệu từ ngày 1/7) cho biết một nội dung quan trọng sẽ được tính tới là chế tài xử phạt đối với các DN có tài xế vi phạm các quy định, bị xử phạt; DN vận tải “dính” vi phạm nhiều lần sẽ bị xem xét rút giấy phép kinh doanh, thậm chí cấm vĩnh viễn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), cho biết Bộ GTVT đã đồng ý với những nội dung được cơ quan này xây dựng trong đề án hiện đại hóa quản lý vận tải hành khách. Theo đó, sắp tới sẽ xây dựng hệ thống máy tính quản lý vận tải đặt tại Tổng cục Đường bộ. Các bến xe, DN vận tải cũng sẽ phải thiết lập hệ thống mạng, nối thông tin trực tiếp tới tổng cục.
Phân loại, tiêu chuẩn hóa xe khách
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, Bộ GTVT cần tiến hành một cuộc “đại phẫu” nhằm tái cấu trúc ngành vận tải hành khách. Việc “đại phẫu” này phải bắt đầu từ việc sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Trong ngành vận tải hành khách hiện tồn tại rất nhiều HTX, DN có quy mô nhỏ, thậm chí là một tập hợp của các cá nhân kinh doanh xe khách riêng lẻ góp xe vào mà thành nên trách nhiệm của chủ DN đối với lái xe, chất lượng xe cũng bị lơ là.
Ông Hùng ủng hộ chủ trương “gắn sao” cho xe khách mà Tổng cục Đường bộ đang thực hiện. Việc phân loại chất lượng xe khách, đưa ra các tiêu chí cho phép loại xe nào thì được vận chuyển trên quãng đường ngắn - dài, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ra sao mới được kinh doanh xe khách Bắc-Nam... Ông Hiệp cho biết sắp tới, lực lượng chức năng sẽ đặc biệt chú ý tới khu vực miền Trung trong khâu kiểm soát, xử phạt, không thể để khu vực này năm nào cũng xảy ra TNGT nghiêm trọng, thương vong nhiều như thế.
Hoàn trả phí chở cấp cứu Trước khi vụ TNGT thảm khốc xảy ra ở Khánh Hòa làm 11 người chết, hơn 60 người bị thương, một chiếc xe chở chất thải do Công ty TNHH Sông Lam mua từ Nhà máy Đường Cam Ranh khi đi qua đây đã làm rơi rất nhiều xuống đường khiến nhiều phương tiện lưu thông trượt trên mặt đường, suýt đâm vào nhau. Chiều 9-3, Công an TP Cam Ranh cho biết đã tạm giữ chiếc xe chở chất thải này. Liên quan đến thông tin “Đi cấp cứu phải trả tiền”, đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, cho biết đã yêu cầu Đội Điều trị 486 hoàn trả toàn bộ 1,6 triệu đồng phí chuyên chở cấp cứu các nạn nhân (Báo Người Lao Động ngày 9/3 đã thông tin). Trong vụ tai nạn này, có 6 người tử vong là người dân tỉnh Quảng Ngãi. Bước đầu tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong trong vụ tai nạn này 3 triệu đồng, người bị thương nặng 2 triệu đồng và người bị thương nhẹ 1 triệu đồng. Hãng xe Chín Nghĩa cũng đã đến thăm các gia đình có người tử vong và hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng, các trường hợp đang điều trị tại bệnh viện được hỗ trợ từ 3-10 triệu đồng. K.Nam - T.Trực |