Cấm rượu ở quán karaoke: Trăm sự nhờ chủ quán

"Tính khả thi cao hay không, không phải do chúng tôi mà phụ thuộc vào người uống rượu, vào ông chủ quán, vào thanh tra viên đi kiểm tra... Chứ ý của chúng tôi là thực hiện chủ trương chống lạm dụng rượu bia trong cả nước", ông Hoàng Minh Thái (Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trả lời báo chí.

Say sinh nhiều chuyện
 
Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng, trong đó quy định: Tăng mức xử phạt cho hành vi uống rượu và bán rượu trong quán karaoke lên gấp đôi (từ 1,5 triệu đồng lên tối đa 3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu, từ 3 triệu lên 5 triệu đồng đối với hành vi bán rượu. Cấm không cho người uống say vào quán karaoke). Tuy nhiên, một lần nữa dư luận lại bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của những quy định này.

Cấm rượu ở quán karaoke: Trăm sự nhờ chủ quán - 1

Theo dự thảo, hành vi uống rượu tại phòng karaoke bị phạt đến 3 triệu đồng

Ông Hoàng Minh Thái lý giải, có gì đâu mà khó hiểu, mà không khả thi: "Từ uống rượu sẽ nảy sinh rất nhiều chuyện: đâm chém nhau, hiếp dâm... bao nhiêu là chuyện, hỏi như thế tôi thấy rất buồn cười".
 
Ông Thái cho rằng, khả thi hay không, không phải do Bộ mà phụ thuộc vào người uống rượu, vào ông chủ quán, vào thanh tra viên đi kiểm tra...
 
Về việc quản lý, xử phạt, ông Thái cho biết sẽ có công cụ đo độ cồn như cảnh sát giao thông. Họ có một danh mục các công cụ hỗ trợ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tại sao mọi người lại đi lo hộ việc của người khác.
 
Theo ông Thái, việc quy định xử phạt như vậy là để thanh tra họ xử lý được. Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc xử phạt uống rượu là rất khó. Nhưng quy định này là hướng tới cái mục tiêu lớn hơn đó là: Chống lạm dụng rượu trong mọi lĩnh vực. Còn về việc xử phạt người uống say khi vào quán karaoke là thuộc lĩnh vực an ninh trật tự. Công an sẽ có quy định rõ, ông cho biết.
 
Lý giải vì sao chỉ cấm rượu mà không cấm bia, ông Thái cho rằng: "Trước đây, khi trình lên Chính phủ thì chúng tôi đề nghị là cấm cả bia. Chính các bộ trưởng cũng không nhất trí với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, họ nói: Thi thoảng cũng phải cho phép uống bia chứ", ông Thái giải thích.
 
Cần nhưng khó
 
Bà Nguyễn Thị Nga, quản lý quán karaoke Hoàng Anh thuộc Công ty TNHH một thành viên Gia Khánh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Cùng với quy định xử phạt thì cơ quan chức năng ở địa phương cần tăng cường công tác quản lý. Tăng phạt là cần nhưng khó thực thi. Quan trọng nhất vẫn là giám sát và thực thi của cơ quan chức năng. Nhưng giám sát ra sao? Thực thi như thế nào thì chắc là không dễ dàng”.
 
Từ khía cạnh khác, bà Nguyễn Ngọc Anh, chủ cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) cho rằng: “Phần lớn khách đến hát sau khi đã đi ăn uống ở nơi khác. Khách đi hát karaoke để giải trí, không thể biết khách đã uống say ở đâu mà quán thì lại bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi để người say rượu, bia vào phòng karaoke là chưa hợp lý”.
 
Theo bà Ngọc Anh, dự thảo quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu sử dụng từ 2 - 3 nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke là không phù hợp. Bởi thông thường, mỗi phòng karaoke có 8 - 10 người, nếu chỉ một nhân viên phục vụ sẽ không thể đáp ứng kịp yêu cầu của khách.
 
Một người dân ở tỉnh Cà Mau gửi phản ánh đến Báo điện tử Chính phủ rằng: "Cần quy định rõ thế nào là "say", quy định rõ nồng độ cồn trong trạng thái này. Bởi nhà hàng khó có thể phân biệt rõ ràng được ai là người “say” hay “tỉnh” nếu chỉ căn cứ vào cảm tính. Quy định chỉ cấm uống rượu, bán rượu trong phòng karaoke vậy nếu uống bia cũng say, bán bia khi hát karaoke thì sao?".
 
Ra quy định rồi để đấy?
 
Thực tế, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP.
 
Trong Điều 18, mục 3 quy định Vi phạm các quy định về nếp sống văn hóa có ghi rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 nếu cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke; 
 
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi uống rượu tại phòng karaoke; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: bán rượu, sử dụng từ 2-3 nhân viên phụ vụ trong một phòng karaoke.
 
Phớt lờ các quy định, trên thực tế tới 90% các quan karaoke vẫn bán rượu, cho khách.
 
Một chủ kinh doanh karaoke trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, 90% khách đến quán karaoke sau khi đã uống rượu, bia. Họ đi hát karaoke để giải trí, xả stress. Nếu không phục vụ, chỉ một hai lần sẽ mất khách.
 
Một nhân viên quán karaoke, trên đường Xuân Thủy, Cầu giấy cũng hồ hởi giới thiệu đủ loại rượu. Theo nhân viên này, ở quán chỉ phục vụ rượu ngoại không bán rượu nội.
 
Nếu khách có nhu cầu mang rượu ở ngoài vào thì dựa vào số lượng nhà hàng cũng sẵn sàng chấp nhận. Với điều kiện, khách hàng chấp nhận trừ phần trăm.
 
Không những thế, còn rất nhiều những lời giới thiệu công khai trên mạng: "Đặc biệt, những chiếc đèn chụp kiểu cách cùng bộ sưu tập rượu ngoại đồ sộ đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho không gian nơi đây... ".
 
Vậy câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý, liệu tăng hình phạt thì có quản lý được không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiếu Lam (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN