Các nước quy định thế nào về bình chữa cháy trên ô tô?
Hầu hết quốc gia trên thế giới đều thống nhất rằng có bình chữa cháy trên xe ô tô là cần thiết nhưng ban hành luật bắt buộc thì phải có quy trình.
LTS: Thông tư 57/2015 của Bộ Công an đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 6-1) quy định phạt ô tô từ bốn chỗ ngồi trở lên không có bình chữa cháy. Tuy nhiên, trước làn sóng tranh luận gay gắt, các cơ quan chức năng vẫn phải chờ Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể trước khi thực hiện quy định mới này. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu đến độc giả quy định về bình chữa cháy với xe ô tô tại một số quốc gia: Từ quá trình ban hành đến khi áp dụng quy định, cũng như những phát sinh và tranh cãi xung quanh vấn đề này.
Việc trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô từ bốn chỗ trở lên thực tế vẫn chưa có sự đồng bộ giữa tất cả quốc gia, ngay cả các nước phát triển. Thậm chí tại các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) thì luật quy định trang bị bình chữa cháy cũng “tùy nghi” của mỗi quốc gia. Dù vậy tinh thần chung của người dân là nên trang bị sẵn bình chữa cháy để phòng trường hợp cháy nổ, tuy hi hữu nhưng vô cùng nguy hiểm.
Bắt buộc ô tô có bình chữa cháy
Phải thừa nhận rằng có nhiều đám cháy xe ô tô xảy ra và thiêu rụi mọi thứ ngay cả khi con người phát hiện và dùng mọi phương tiện chữa cháy. Trong trường hợp như vậy, ngay cả những người làm trong cơ quan chữa cháy cũng phải khuyên những ai đang còn trên xe hãy nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người”.
Dù vậy, dập tắt lửa bằng bình chữa cháy vẫn được xem là bước quan trọng hạn chế tối đa việc đám cháy lan ra khiến tài sản thiệt hại nặng nề. Quan trọng hơn, ngay cả trong trường hợp không thể cứu vãn tình thế vì đám cháy lan nhanh, bình chữa cháy khi đó có tác động quan trọng trong việc kéo dài thời gian cầm cự để mọi người trên xe có thời gian thoát khỏi đám cháy. Thông thường, trung bình một bình chữa cháy trên xe ô tô có thể hoạt động với công suất hiệu quả khoảng 30 giây, đó là thời gian vàng tương ứng để dập tắt một đám cháy trên xe ô tô và cũng là thời gian vàng để người trên xe thoát khỏi thần hỏa.
Tại Đức, Hy Lạp, Bỉ và một số nước châu Âu khác, luật pháp quy định tất cả ô tô đều phải trang bị bình chữa cháy. Theo đánh giá của tổ chức Choice in Personal Safety, một trong những đơn vị có nhiều nghiên cứu cung cấp cho Bộ Giao thông Đức, bình chữa cháy là giải pháp hữu hiệu nhất khi phương tiện giao thông xuất hiện tình trạng cháy nổ. Nếu xe ô tô cá nhân hay xe khách thương mại di chuyển vào các quốc gia nói trên mà không có trang bị bình chữa cháy, họ sẽ không được phép thông quan, ngay cả khi nơi họ xuất phát là quốc gia không bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe. Tại bang Maharashtra (Ấn Độ), năm 2015 cũng chứng kiến sự ra đời của bộ luật mới Maharashtra Mechanically Propelled Vehicles & Road Safety (gọi tắt là MMPVR) nhằm cải thiện an toàn giao thông đường bộ, giảm thiểu những sự cố gây chết người. Luật MMPVR quy định tất cả phương tiện giao thông cơ giới cá nhân và khai thác thương mại đều phải trang bị ít nhất một bình chữa cháy (có bổ sung yêu cầu cụ thể về thông số kỹ thuật).
Một chiếc xe được dập tắt sau đám hỏa hoạn. Ảnh: HIDDENCANCUN
Bắt buộc có điều kiện
Bên cạnh các quốc gia bắt buộc tất cả loại ô tô phải trang bị bình chữa cháy, vẫn còn nhiều quốc gia chỉ dừng lại ở “bắt buộc có điều kiện” và “khuyến khích”. Ví dụ như tại Mỹ, Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia (NFPA) đã ban hành luật quy định tất cả phương tiện giao thông thương mại đều phải trang bị ít nhất một bình chữa cháy kèm theo các quy định cụ thể về thông số kỹ thuật phù hợp (từ bình chữa cháy 2,3 kg đến bình chữa cháy 9,1 kg). Tương tự Mỹ, các loại xe buýt lớn và nhỏ hay ngay cả xe taxi tại Nam Phi, theo Quy định số 260 của Luật Giao thông đường bộ Quốc gia, đều phải trang bị bình chữa cháy có quy định cụ thể chủng loại, thông số kỹ thuật phù hợp.
Nằm trong khối EU nhưng khác với Hy Lạp, Đức, Bỉ và nhiều nước khác, Vương quốc Anh cũng là quốc gia không bắt buộc tất cả phương tiện ô tô phải trang bị bình chữa cháy. Theo đó, các xe vận tải thương mại đều bắt buộc có bình chữa cháy. Nước này còn cẩn trọng hơn khi quy định với các loại hàng hóa có mức độ nguy hiểm (dễ cháy nổ) khác nhau, phải trang bị số lượng, chất lượng và chủng loại bình chữa cháy khác nhau, có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, xe tải trọng khác nhau (gồm loại dưới 3,5 tấn; 3,5-7,5 tấn; trên 7,5 tấn) cũng áp dụng các quy định khác nhau về trang bị bình chữa cháy. Trong khi đó, đối với xe cá nhân thì quy định này chỉ dừng ở mức khuyến khích. Dù vậy, vì cùng khối EU nên hầu như rất nhiều ô tô cá nhân tại Anh đều được trang bị bình chữa cháy, không chỉ để phòng họa mà còn để thông quan.
Trong khi đó ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), các xe vận tải hạng nặng và xe buýt bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, trong khi với các phương tiện vận tải hạng nhẹ (như taxi, xe ô tô cá nhân, ô tô gia đình bốn hay bảy chỗ...) thì được Cơ quan giao thông và vận tải Quốc gia khuyến khích trang bị. Đến mùa hè năm ngoái, truyền thông tại quốc gia này tiếp tục đưa tin đã có đề xuất luật quy định tất cả dòng ô tô tại thủ đô Abu Dhabi đều phải trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, chính quyền Abu Dhabi vẫn chưa xác nhận luật được thông qua và dự luật này vẫn còn mơ hồ và gây tranh cãi. Cơ quan đề xuất dự luật Licensing Agency thuộc chính quyền Abu Dhabi khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn rằng đây là một ý tưởng tốt đẹp bởi nó sẽ giúp người tham gia giao thông thoát nạn khi có hỏa hoạn trên xe ô tô, điều thường xuyên xảy ra tại TP này”. Theo Cơ quan Quốc phòng toàn dân Dubai (DCD), cháy nổ trên các phương tiện giao thông là trường hợp phổ biến nhất trong vòng ba năm (2010-2013) tại UAE. Cơ quan này còn phát động các chiến dịch hành động phòng, chống cháy nổ trên phương tiện giao thông, trong đó vận động người dân tuân thủ các quy định về trang bị bình chữa cháy nghiêm ngặt.
Shehabe Al Badawy, một giảng viên và chuyên viên về an toàn cháy nổ tại Dubai, hướng dẫn ba bước để phản ứng với một chiếc xe đang “bốc khói” hay có dấu hiệu hỏa hoạn: “Trước hết bạn phải thoát ra khỏi xe thật nhanh và cầm theo bình chữa cháy. Sau đó mở nắp capo xe nhưng đừng mở quá rộng (khoảng 3-5 cm là vừa đủ), vì tránh làm khí ôxy tràn vào bên trong làm lửa cháy mạnh hơn. Cuối cùng, dùng bình chữa cháy xịt vào vị trí cháy cho đến khi bình cạn”. Phản ứng nhanh sẽ giúp thiệt hại giảm.
Lo ngại nổ nhưng chưa bao giờ phát nổ Không ít ý kiến người dân trên các diễn đàn ô tô ở các nước lo ngại trang bị bình chữa cháy trên ô tô cũng giống “cài mìn” bên cạnh bởi đó là bình khí nén, về lý thuyết nó hoàn toàn có thể phát nổ trong một số điều kiện nhất định. Trang Reddit.com dẫn lại một số lo ngại về bình chữa cháy, nói rằng: Thứ nhất, bình sẽ phát nổ dưới nắng nóng hoặc khi xe ô tô gặp tai nạn giao thông. Thứ hai, một số người chủ xe thường xuyên quên kiểm tra, bảo trì bình chữa cháy nên bình quá hạn, gây nguy hiểm. Thứ ba, nếu dùng không đúng cách thì bình chữa cháy có thể gây sát thương cho người xung quanh. Tuy nhiên, thực tế thế giới gần như chưa bao giờ ghi nhận trường hợp tai nạn hi hữu nào vừa kể, thế nên các chuyên gia phòng chữa cháy cho rằng đó chỉ là “lo ngại bằng tưởng tượng”, thực tế tỉ lệ rủi ro về bình chữa cháy phát nổ là gần như không có. Muốn ra luật: Cần hướng dẫn và lộ trình Các quốc gia bắt buộc tất cả ô tô phải trang bị bình chữa cháy đều đảm bảo điều kiện tiên quyết “nhận thức phải theo kịp hành động”. Dù bình chữa cháy là phương tiện dập lửa khi ô tô bốc cháy nhưng hầu hết trường hợp chữa lửa thành công đều cho thấy yếu tố con người mới là quan trọng. Bình chữa cháy chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi con người được giải thích, tập huấn bài bản, khoa học và thành thạo bởi các vụ cháy ô tô không phải chỉ xảy ra một hay vài dạng mà là trong rất nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, đòi hỏi ứng xử linh hoạt khác nhau. Điều này cần ngành chức năng đầu tư thời gian và sức lực. |