Bút "phù thủy" tiếp tay cho lừa đảo

Gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại bút màu đen bề ngoài nom như bút dạ hay bút mực có tính năng đặc biệt (còn gọi là bút "phù thủy").

Bút viết lên giấy trắng với các chữ và dòng chữ rõ ràng. Một lúc sau, “giấy trắng mực đen” trở thành giấy trắng mực… trắng. Mọi dấu vết của mực trên giấy biến sạch. PV Trao đổi với TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa Phân tích kiêm Phó Viện trưởng Viện Hóa, đơn vị vừa hóa giải bí ẩn của loại mực tàng hình này.

Tác nhân mất màu có khắp nơi

Thưa ông, nét mực trên giấy tự nhiên biến mất hoàn toàn liệu có phải do mực bay hơi không?

Nhiều người cũng nghĩ thế và gọi điện hỏi chúng tôi khá nhiều. Nhưng thực ra không phải thế. Khi thấy mực mất màu, chúng tôi nghĩ ra ba khả năng mà nhà sản xuất có thể áp dụng. Một là ánh sáng, hai là nhiệt, và ba là hóa học.

Trong nhiều trường hợp, có thể thông qua tác dụng của bức xạ mặt trời hoặc bức xạ nhiệt, màu của một chất nào đó cũng có thể bị phân hủy. Chúng tôi đã làm các thí nghiệm thích hợp thì đều thấy ánh sáng và nhiệt không phải là thủ phạm làm mất màu loại mực này.

Chuyển sang khả năng tác động của hóa chất, chúng tôi đã xác định được thành phần hóa học của mực. Đặc biệt, chúng tôi đã tìm ra cơ chế tàng hình của mực để có thể chủ động làm cho mực mất màu bằng hóa chất thích hợp rồi có thể khôi phục lại mực đó trên giấy cũng bằng hóa chất thích hợp.

Bút "phù thủy" tiếp tay cho lừa đảo - 1

Chanh và nước vôi là cách đơn giản nhất để phát hiện bút "phù thủy" làm phục hồi mực tàng hình

Nhưng mực bút Troll 888 tàng hình mà không cần bất cứ hóa chất nào đổ lên mặt giấy?

Điểm độc đáo của người sản xuất loại mực này chính là ở chỗ họ đã tận dụng một thế lực vô hình có ở mọi nơi mọi lúc. Chính vì thế lực này mà bất cứ ai cũng có thể bị lừa nếu dùng bút đó để ghi chép các văn bản quan trọng xác nhận chuyện vay nợ hay cam kết mua bán, trao đổi các sản phẩm, dịch vụ có giá trị nào đó.

Thế lực vô hình đó là… không khí. Để mực mất màu nhanh hơn, có thể hít thở sâu rồi hà hơi vào dòng chữ có mực vài lần. Thậm chí, nếu để tờ giấy gần luồng xả ống khói ô tô hay xe máy thì mực mất màu cũng nhanh. Thành phần trong không khí làm mực mất màu chính là thứ khí carbonic.

Bút "phù thủy" tiếp tay cho lừa đảo - 2

TS Vũ Đức Lợi

Phát hiện và phòng không khó

Nếu CO2 trong không khí là thủ phạm làm mất màu mực, có cách đơn giản nào để phát hiện sớm hơn không?

Chỉ cần dùng một thứ có sẵn và cũng dễ kiếm. Vắt nước chanh hoặc nước quất chua lên chỗ có mực. Nếu mực không mất màu thì đấy là mực thường. Ngược lại, mực tàng hình nhất định sẽ mất màu.

Trường hợp đã chót ký vào văn bản loại mực tàng hình và chữ biến mất. Có cách nào để khôi phục chữ không?

"Bất cứ ai cũng có thể bị lừa nếu dùng bút đó để ghi chép các văn bản quan trọng xác nhận chuyện vay nợ hay cam kết mua bán, trao đổi các sản phẩm, dịch vụ có giá trị nào đó".

TS Vũ Đức Lợi

Có và cũng rất đơn giản. Chỉ cần bôi nước vôi trong lên, các chữ tàng hình lập tức tái hiện như cũ, thậm chí có thể còn nét hơn. Nhưng, để phòng từ xa, cách tốt nhất là dùng loại bút tin cậy khi ký kết các văn bản quan trọng. Nếu giao dịch tại ngân hàng, nên dùng bút tin cậy của bản thân hay của ngân hàng cung cấp”.

Ông đánh giá thế nào về việc cá nhân, tổ chức lợi dụng bút này để lừa đảo?

Từng đã và đang xảy ra kiểu lừa đảo cũng dựa vào nguyên lý màu tàng hình dù kỹ thuật đơn giản hơn. Một số kẻ khi thực hiện lễ cầu hồn cho thân chủ đã làm xuất hiện các vết chân đi trên bẹ chuối hay tờ giấy. Không ít con nhang đệ tử tin là thật.

Thực ra, bí quyết làm xuất hiện các vết chân của linh hồn trên giấy hay vật liệu nào đó chẳng qua chỉ là sử dụng dung dịch phenolphthalein không màu và nước vôi trong. Hai dung dịch này kết hợp với nhau thì chỗ không màu có thể bỗng dưng biến thành màu hồng.

Như vậy, khi bút Troll 888 trở nên phổ biến, khó tránh khỏi bị kẻ xấu lợi dụng trong khi không phải ai cũng biết.

Các cán bộ bên ngân hàng và công an đều chung nhận định với chúng tôi nguy cơ dùng bút troll 888 để lập các văn bản lừa đảo là cao.

Thủ đoạn dễ thực hiện nếu nạn nhân chưa bao giờ gặp phải hoặc mất cảnh giác. Việc mực không mất màu ngay sau khi viết càng dễ khiến nạn nhân khó phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo.

Cảm ơn ông!

Theo ông Lợi, “Nguyên nhân của sự mất màu mực là sự thay đổi pH trong dung dịch mực. Cụ thể là CO2 trong không khí đã trung hòa dung dịch, làm giảm pH. Tên hóa chất tạo mực tàng hình là thymolphthalein. Khi pH dưới 9,3 thì nó không có màu. Còn khi trên 9,3 dung dịch chuyển sang màu xanh Thymolphthalein không khó kiếm ở VN. Tuy nhiên, điều chế nó không dễ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN