BN ăn đồ sống: Cựu Bộ trưởng Y tế nói gì?
"Đối với các bệnh nhân, nếu họ chỉ là những người mắc các căn bệnh bình thường thôi thì với hành vi như vậy của các bác sĩ, hộ lý cũng đã rất đáng chê trách rồi. Một con người phải có cảm xúc, phải biết thông cảm, tương trợ, giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bệnh phong, bị tàn tật nặng thế này."
Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế khi trao đổi với PV xung quanh câu chuyện các hộ lý phát gạo, rau, thịt sống và bỏ đói bệnh nhân phong ở Trung tâm da liễu Hà Đông - Hà Nội.
"Nếu không làm tốt được thì anh không nên ngồi ở vị trí đó..."
Liên quan đến sự việc một số y tá hiện đang trực tiếp làm việc tại Khoa Điều Trị Nội Trú – Trung tâm Da liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) phản ánh về tình trạng 21 bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các hộ lý của Khoa ngược đãi một cách thậm tệ, thậm chí "ép" ăn gạo, thịt sống.
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện đang là Chủ tịch Hội nhãn khoa Việt Nam cho biết, ông đã nắm được thông tin về vụ việc đáng tiếc này.
GS - TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế
"Đọc thông tin về vụ việc này trên mạng, tôi thấy đây là sự việc này rất đáng buồn không những với ngành Y tế, với cơ sở chăm lo, săn sóc cho những người mắc bệnh phong mà cũng rất đáng buồn với xã hội, đặc biệt khi chúng ta đang tích cực học tập và ôn lại đạo đức, những lời dạy của Bác Hồ với nhân dân, các ngành, trong đó có ngành y tế.
Ở đây họ là những nhân viên ngành y tế nhưng nếu họ chỉ là những người thường thôi thì với hành vi như vậy cũng đã rất đáng chê trách rồi. Một con người phải có cảm xúc, phải biết thông cảm, tương trợ, giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người bệnh phong, bị tàn tật nặng thế này", GS Nguyễn Trọng Nhân nhấn mạnh.
GS Nhân cũng cho rằng: "Tất cả những mục tiêu kinh tế xã hội chúng ta đang thực hiện hiện nay đều nhằm phục vụ cho sự phát triển của xã hội, của con người.
Y tế là một hoạt động xã hội cho nên y tế phải thực hiện trách nhiệm của mình với tinh thần như Bác Hồ đã căn dặn lương y phải như từ mẫu.
Tức là người y, bác sĩ ở đây phải biết được cái đau của những người bệnh và chăm sóc cho người ta như chăm sóc chính những người thân trong gia đình và cũng như sau này mình có ốm đau, người khác chăm sóc cho mình. Mình vì mọi người, mọi người vì mình".
Đánh giá về lý do phát gạo, thịt sống cho người bệnh phong được Phó giám đốc TT da liễu Hà Đông Vũ Văn Trình đưa ra là do “hết gas”, GS Nhân khẳng định: "Anh đã là lãnh đạo, được giao trách nhiệm quản lý chuyện đó thì anh phải tìm biện pháp giải quyết mọi khó khăn.
Một là, bản thân mình phải nắm tình hình và hai là, khi cấp dưới lên báo cáo tình hình như vậy thì anh phải đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới khắc phục khó khăn đó.
Đồng thời bản thân cũng phải suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ cùng các bệnh nhân, chứ không phải thấy khó khăn là buông lửng. Nếu không làm được thì tốt nhất là anh không nên ngồi ở vị trí đó làm gì"
Rất nhiều độc giả đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm của cán bộ, hộ lý trung tâm da liễu Hà Đông
Về xử lý đối với các cá nhân trong trường hợp này, GS Nhân bày tỏ: "Tôi nghĩ đối với vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có những biện pháp nhằm kiểm điểm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Ý kiến của nhân dân cũng rất bức xúc.
Nhưng tôi cho rằng, trừng phạt với những người có trách nhiệm trong trường hợp này phải làm sao đạt được mục tiêu là để cho những người mắc sai lầm đó biến đổi tốt hơn, chứ không phải là đánh cho người ta ngã gục xuống và không thể tiến lên được, không thể tiếp tục làm việc được.
Chúng ta nên giáo dục họ để họ nhận thức rõ khuyết điểm, phải xin lỗi bệnh nhân, xin lỗi nhân dân và phải hứa thực hiện tốt hơn trách nhiệm chăm sóc người bệnh của mình".
Cần hơn nữa sự quan tâm của nhà nước và xã hội
Về công tác chăm sóc cho các bệnh nhân phong, GS Nhân nhận định: "Nhìn chung nếu không kể đến vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Hà Đông thì việc chăm sóc cho những bệnh nhân phong của chúng ta càng ngày càng tốt hơn. Ở những nơi chăm sóc tốt nhiều người bệnh nhân phong đã khỏi rồi thì họ lập gia đình với nhau và ở lại luôn trong những làng đó..."
GS Nhân cũng nhìn nhận, thực tế hiện nay, ảnh hưởng của bệnh phong đối với những người bệnh nặng cả về thể xác và tinh thần đã rất rõ vì thế: "Những người làm nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân phong này phải là những người có tinh thần xã hội và khéo tổ chức.
Đồng thời nhà nước cũng cần quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa về mặt đời sống của các y, bác sĩ và người bệnh để họ yên tâm công tác, điều trị.
Các tổ chức chính trị, xã hội, từ thiện cũng cần thường xuyên có mặt để cùng động viên, giúp đỡ, cùng với các nhân viên y tế ở đây chăm sóc những người bệnh phong".