Bi thảm số phận “điệp viên 007” của Liên Xô (kỳ 2)

Ngoài những cuộc tình vụng trộm, Sorge còn nhiều “thú chơi” khác như trải nghiệm tốc độ trên xe máy hay những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Điều đó khiến những thông tin mật của ông bị nghi ngờ không chính xác. Thậm chí Stalin còn gọi ông là “kẻ tráo trở”.

Chuyên gia Châu Á và... phụ nữ

Richard Sorge nhanh chóng xây dựng cho mình một hình ảnh là người rất am hiểu tình hình, có nhiều nguồn tin đáng tin cậy. Ông trở thành người thân cận của giới quan chức và quân nhân Đức, đặc biệt là của Tùy viên quân sự và sau này là Đại sứ Đức tại Tokyo, Eugen Ott.

Chính Eugen Ott đã dựng Sorge thành Tùy viên báo chí. Ngay cả phu nhân của ngài đại sứ cũng không cưỡng lại được vẻ lịch thiệp, ánh mắt hoang dã trên khuôn mặt xương xương lãng tử. Hai người sớm bắt đầu một mối tình vụng trộm, bất chấp mối nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng tới nhiệm vụ. Nhiều quý cô quý bà khác cũng sẵn sàng nương tựa bờ vai rộng của người đàn ông đào hoa này.

Richard còn nhiều thú đam mê trần thế khác như trải nghiệm tốc độ trên xe máy hay những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Đây có lẽ chính là điều làm cho các tin tức của ông bị đánh giá thấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện cuộc chiến, ít nhất là vào thời kỳ đầu của cuộc chiến. Nhưng đối với “phía bên kia”, Sorge vẫn được tin dùng, ngài Đại sứ vẫn không sa thải ông, ngay cả khi vụ “trộm tình” vỡ lở.

Bi thảm số phận “điệp viên 007” của Liên Xô (kỳ 2) - 1

Tượng đài Richard Sorge tại Matxcơva, khánh thành năm 1985, dịp ngày sinh thứ 90 của ông.

Với chức danh ngoại giao, Sorge có thể dễ dàng có trong tay các tài liệu mật. Ông biết được “Chiến dịch Barbarossa” với ngày giờ chính xác. Một trong những bạn nhậu là thiếu tá, Phó tùy viên Erwin Scholl đã tiết lộ trong một cuộc nhậu. Ngày 1/6/1941 qua điện đài, Sorge cảnh báo cho Hồng quân biết ngày 15/6 Hitler sẽ phát động chiến tranh xâm lược Liên Xô. Tiếp sau là một bản tin chính xác khác: “Cuộc tấn công sẽ vào sáng sớm ngày 22/6 trên toàn mặt trận”.

Nhưng tin tức của ông có vẻ không được để ý tới. Giới chức tình báo Matxcơva nghi ngờ tính chính xác của các bức điện tín. Một bức điện còn bị chính Stalin chú thêm dòng chữ: “Tin giả của một kẻ tráo trở, đang sống sung túc với vài ba xưởng máy và nhà thổ”.

Richard Sorge rất buồn bực: “Sao cái lũ dở này lại có thể bỏ qua tin tức của chúng ta”, điện tín viên Max Clausen kể lại. Mà không chỉ có mình nhóm điệp viên từ Tokyo mà cả tin tức tình báo gửi từ Thụy Sỹ, từ Đại sứ quán Anh ở Matxcơva đều cảnh báo nguy cơ tấn công của quân Đức. Tất cả đều bị đánh giá là thiếu cơ sở.

Stalin đã quá tin vào Hitler, một niềm tin tai hại! Đúng rạng sáng ngày 22/6/1941, hơn 30 vạn quân Đức đã bước qua tuyến biên giới giữa Đức và Liên Xô. Chiến dịch Barbarossa bắt đầu.

“Sorge là thần thánh”

Khi tin tức về cuộc chiến đến tai Sorge, ông thất vọng tuyệt độ, uống rượu say tí bỉ đến mức mất kiểm soát. Bạn gái của ông lúc đó, bà Eta Harich-Schneider sau này kể lại, ngay trong trung tâm điện thoại của khách sạn Imperial ở Tokyo, Sorge đã la lớn trước sự bất ngờ của Đại sứ Ott và nhiều kiều dân Đức khác: “Cuộc chiến này thua chắc rôôôồiiii!!!”

Ngay cả những tuần sau đó ông chửi Hitler công khai, ca ngợi nước Nga rồi còn tấn công cả một viên cảnh sát. Hành động của ông hoàn toàn mất cẩn trọng như thể là ông đang muốn khiêu khích. Ông cay đắng khi bị đồng chí mình coi thường. Cùng với nỗi niềm ấy, ông còn tỏ ra ngông cuồng. Ông gọi điện cho cô bồ người Nhật Hanako Ishii, ngạo mạn nói: “Em có biết không, Sorge là thánh nhân”. Hơn thế nữa, ông lảm nhảm với cô bồ người Đức rằng: “Em biết không, nếu một ngày nào Hitler bị ai đó giết thì người đó chính là anh, Richard Sorge”.

Bi thảm số phận “điệp viên 007” của Liên Xô (kỳ 2) - 2

Bia mộ với dòng chữ Nga "Anh Hùng Xô Viết" và chữ Nhật "Vợ Ishii Hanako"

Tuy nhiên, qua cơn sốc, ông lại tiếp tục lao vào tìm kiếm thông tin. Tháng 9 năm đó ông có một tin quan trọng: Nhật Bản sẽ không đưa quân vào Sibiri mà sẽ tấn công Đông Dương. Tin đó nhanh chóng được gửi về Matxcơva. Lần này không ai dám coi thường tin tức của Sorge nữa. Nó còn được kiểm chứng bằng các nguồn tin khác. Ngay lập tức, 34 sư đoàn quân đang đồn trú ở miền Viễn Đông được điều thẳng sang mặt trận phía Tây.

Bị Stalin chối bỏ

Với việc tăng cường binh lực, Hồng quân Liên Xô đã chặn đứng đà tiến quân của phát-xít Đức. Cùng với đó, chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản đã khiến danh tiếng bất khả chiến bại của Wehrmacht đi tong, tinh thần binh lính Đức đi xuống nhanh chóng.

Những điều đó là tin vui đối với Sorge, cuối cùng thì tin tức của ông đã giúp được Hồng quân. Nhưng chính nó lại chẳng giúp gì được ông: sau đó không lâu, ngày 18/10/1941 ông bị rơi vào tay của đặc vụ Nhật Bản.

Nhiều lần Nhật Bản tìm cách trao đổi tù binh với Liên Xô, nhưng từ Matxcơva họ chỉ nhận được trả lời: “Chúng tôi không biết ai với cái tên Richard Sorge cả”. Ba năm sau, đúng ngày 7/11/1944, Richard Sorge bước lên đoạn đầu đài. Xác của ông được chôn trong nghĩa trang của thường dân, khu dành cho tù nhân.

Tình nhân cũ của ông, cô đào quán bar “Rheingold” đã cất công tìm và cải táng ông tại nghĩa trang khu Tama, ngoại ô Tokyo. Từ chiếc răng vàng của ông, cô làm thành một chiếc nhẫn và đã đeo nó suốt phần đời còn lại.

Năm 1964, chính phủ Liên Xô cho khắc dòng chữ Nga: “Anh hùng Liên Xô” trên tảng đá hoa cương đặt trên mộ ông. Báo chí Liên Xô ca ngợi ông là “bậc thầy tình báo” hay “nhà tình báo vĩ đại”, nhưng không phải ngay từ khi hòa bình lập lại mà phải 20 năm sau khi ông mất.

Chú thích ảnh:

+ RS2 1985:
+ anh hung xo viet.jpg -

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sĩ Anh (Theo báo Spiegel)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN