Bí mật về lực lượng tên lửa chiến lược TQ

Những tiết lộ mới nhất về Lực lượng Pháo binh số Hai, một trong 4 quân chủng chủ lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Đơn vị bí ẩn

Lực lượng tên lửa luôn luôn là đơn vị bí mật nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Kể từ khi Lữ đoàn tên lửa đầu tiên được Quân ủy Trung ương thành lập năm 1993, chỉ rất ít dân thường có cơ hội chứng kiến những hoạt động bên trong của binh chủng được xem là tinh nhuệ này.

Lần đầu tiên đơn vị này thu hút sự chú ý của công chúng là vào tháng 7/1995 khi Trung Quốc tuyên bố PLA sẽ tiến hành bắn thử tên lửa ngoài biển khơi. 6 tên lửa đã được bắn trong 1 tuần và tất cả đều tiêu diệt thành công mục tiêu. Tiếp đó, vào mùa Xuân năm sau, Lữ đoàn này lại bắn thêm 4 quả tên lửa nữa và cũng rất thành công.

Các sứ mệnh này nhằm chuyển đi thông điệp với thế giới rằng Trung Quốc có cả tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường, qua đó tăng cường hệ thống răn đe quân sự.

Bí mật về lực lượng tên lửa chiến lược TQ - 1

Bính lính thuộc Lực lượng pháo binh số Hai của PLA tham gia diễn tập tại một địa điểm không xác định

Trước thời điểm trên, Trung Quốc chỉ có các tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 đã giúp lãnh đạo quân sự nước này nhận ra rằng tên lửa thông thường đóng một vai trò quan trọng hơn trong chiến tranh hiện đại.

Do đó, lữ đoàn tên lửa thông thường đầu tiên đã được thành lập dưới sự quản lý của Lực lượng pháo binh số Hai, quân chủng kiểm soát cả tên lửa hạt nhân và thông thường. Đây là một trong 4 quân chủng chủ lực của PLA bên cạnh Lục quân, Hải quân và Không quân.

Huấn luyện gian khổ…

Lữ đoàn tên lửa này của PLA mỗi năm phải huấn luyện ngoài doanh trại 1/3 thời gian, thực hiện trên mọi địa bàn của đất nước.

Các xe phóng tên lửa, to và dài hơn xe tải thông thường, được sơn ngụy trang và trang bị các lốp xe siêu lớn, phải di chuyển hàng nghìn km tới các vùng như những cánh rừng sâu hút phía Nam hay cao nguyên mênh mông phía Tây Bắc Trung Quốc.

Dọc hành trình, binh lính có nhiệm vụ thu thập thông tin trên từng chặng đường, từng con cầu để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho các chiến dịch trong tương lai.

Những dữ liệu thu thập được trong quá trình huấn luyện cho phép Lữ đoàn quyết định cách thức vận hành thiết bị dưới nhiều điều kiện khác nhau. Hoạt động này cũng giúp nâng cao kỹ năng phóng của lính tên lửa trong tất cả các điều kiện thời tiết và địa lý.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn tên lửa này của PLA còn tổ chức các đợt huấn luyện thể lực thường xuyên cho lính trẻ.

Đầu tiên, họ phải hoàn thành chạy cự ly dài 5.000m. Sau đó, hai binh sỹ sẽ cùng mang một khối gỗ nặng từ 60-80 kg và vượt qua một con mương với mực nước cao ngang thắt lưng. Cuối cùng, mỗi binh lính sẽ vác theo một bao tải cát nặng 30 kg và vượt ngược con mương để trở lại điểm xuất phát. 

Phóng tên lửa là một công việc tập thể, cho nên các binh lính cũng được đào tạo về khả năng hiệp đồng và tin tưởng lẫn nhau. Chẳng hạn như tình huống huấn luyện 1 binh lính rơi từ thảo nguyên cao 10m, lính cùng đơn vị sẽ phải kịp thời đỡ anh ta trước khi anh này rơi xuống mặt đất.

Bí mật về lực lượng tên lửa chiến lược TQ - 2

Nữ quân nhân của Lực lượng pháo binh số Hai tập thể lực

…nhưng sống như “lính cậu”

“Ngày nay, phần lớn binh lính thuộc thế hệ 9x, chỉ một vài thuộc thế hệ 8x”, Thiếu tá Zhang Zhibin, Chính trị viên trung đội 4 của Lữ đoàn cho biết. 

Hầu hết lính trẻ mà ông Zhang gặp là con một trong gia đình, một số thuộc gia đình chỉ có bố mẹ, số khác từng sống cùng cả với ông bà.

“Họ được chăm lo chu đáo. Rất nhiều người thậm chí còn không biết tự chăm sóc cho bản thân. Các binh lính này có xu hướng sống một mình thay vì giao tiếp với những người khác”, sỹ quan Zhang nói.

“Họ trưởng thành cùng các trò chơi máy tính, mạng Internet và các dịch vụ chat như QQ, một số ít thậm chí còn nghiện Internet trước khi vào quân đội", Zhang Yichao, Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết.

Trong vài năm ngần đây, Lữ đoàn tên lửa đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của lính trẻ.

Doanh trại đã được cải tiến với một hồ nhân tạo nhỏ ở trung tâm, binh lính được sống trong các tòa nhà 4 tầng xây mới. Mỗi phòng có một ti vi màn hình phẳng và mỗi binh lính được trang bị 1 máy tính xách tay dùng hàng ngày.

“Mỗi linh sỹ có một máy tính không phải là điều phổ biến ở PLA”, Zhang Yichao nói.

Không được vào Internet tại phòng của mình nhưng binh lính có thể truy cập intranet (mạng nội bộ) do Lữ đoàn thiết lập.

Trên Intranet, binh lính không chỉ đọc tin tức mà còn có thể chơi game và một loạt các kênh truyền hình giải trí khác. Lữ đoàn cũng mở một quán café Internet để binh lính có thể sử dụng các dịp cuối tuần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Phạm (Theo China Daily) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN