Bí mật lớn nhất về Sao Hỏa sắp được hé mở?
Curiosity, tàu thám hiểm Sao Hỏa mới nhất của NASA sẽ đổ bộ xuống Hành Tinh Đỏ ngày 5/8 tới đây, hứa hẹn hé lộ những bí mật lớn nhất về người láng giềng gần gũi của chúng ta trong Hệ Mặt Trời.
Truy tìm vết tích của nước từ lâu đã là chiến lược tổng thể trong Chương trình thám hiểm Sao Hỏa của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Curiosity cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tiếp nối những manh mối có được từ những sứ mệnh trước đây, tàu thăm dò Curiosity sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về khí hậu, địa chất, việc khám phá của con người và tất nhiên, liệu có hay không đã từng tồn tại sự sống trên Hành Tinh Đỏ.
Nơi nào trên Sao Hỏa có thể đã tồn tại sự sống?
Curiosity sẽ không trực tiếp tìm kiếm sứ sống. Nhà khoa học tham gia dự án John Grotzinger nói rằng một chuyến tìm kiếm như vậy sẽ phải cần đến những thiết bị khoa học phức tạp hơn gấp rất nhiều lần của Curiosity, nếu không muốn nói đó phải là một sứ mệnh khứ hồi mang mẫu trở về Trái Đất. Thay vào đó, Curiosity sẽ tìm kiếm những vị trí có thể hình thành nên sự sống.
Kính viễn vọng Hubble của NASA chụp ảnh Sao Hỏa ngày 26/8/2003, ở thời điểm Hành tinh Đỏ cách Trái Đất 34,7 triệu dặm
“Curiosity không phải là một sứ mệnh tìm kiếm sự sống”, Grotzinger nói trên Space.com. “Việc chúng tôi đang làm trong sứ mệnh lần này là khám phá những môi trường có thể có sự sống”.
Nước là nhân tố thiết yếu để nảy sinh sự sống trên Trái Đất, do vậy các nhà khoa học sẽ tập trung vào những khu vực ẩm ướt, từng tồn tại trong cả quá khứ và hiện nay.
Một môi trường có thể cư trú được cũng sẽ chứa những dấu vết của hóa chất và khoáng vật, sự tồn tại một nguồn năng lượng mà vi sinh vật có thể từng hấp thụ ở một thời điểm nào đó. Môi trường này cũng có những dấu hiệu của carbon hữu cơ, từng được biết tới là một trong những yếu tố hình thành nên sự sống.
Hai tàu thăm dò trước đây, Spirit và Opportunity chỉ được trang bị những thiết bị tìm kiếm nước ở những môi trường mà chúng thám hiểm. Đó là những “nhà địa chất” tự hành.
“Curiosity vừa là nhà địa chất, vừa là nhà địa hóa”, có khả năng tìm kiếm nhiều thứ khác ngoài nước”, Grotzinger cho biết.
Ảnh minh họa thời điểm 10 phút trước khi tàu Curiosity đi vào bầu khí quyển của Sao Hỏa
Tuy nhiên, thậm chí ngay khi Curiosity tìm thấy những môi trường mà ở đó có thể từng nảy sinh sự sống thì điều đó cũng không có nghĩa sự sống đã tồn tại.
“Hoàn toàn có thể tìm thấy một môi trường có thể sinh sống mà chưa bao giờ từng có người sống vì sự sống chưa bao giờ diễn ra”, Grotzinger phân tích.
Điều gì khiến Sao Hảo từng ướt trở nên khô?
Trong quá khứ xa xôi, rất có thể Sao Hỏa đã có một bầu khí quyển dày đặc hơn, ẩm ướt hơn với các các dòng nước chảy khắp bề mặt. Ngày nay, hành tinh này trở nên khô ráo, nhiều bụi với phần lớn trữ lượng nước được cho là đã chìm xuống dưới bề mặt.
Curiosity sẽ đáp xuống căn cứ ở đỉnh núi Sharp, được đặt theo tên nhà địa chất hành tinh Robert Sharp, nằm các trung miệng núi lửa Gale 5 km. Ngọn núi này có các lớp đá sẽ được tàu thăm dò Curiosity khám phá.
Cùng đó, Curiosity cũng sẽ thám hiểm những thay đổi địa chất của Sao Hỏa qua hàng triệu năm mà hiện đã cuộn gấp thành các lớp đá. Những tàu thăm dò trước đây từng tìm thấy các manh mối của nước tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa nhưng Curiosity sẽ tìm kiếm sâu hơn.
“Với Spirit và Opportunity, chúng ta chỉ có thể xác định được nước từng tồn tại ở đó”, Grotzinger nói. “Chúng ta chưa hiểu được nhiều nước được sản sinh ra như thế nào hay việc các môi trường kiến tạo nên đá”.
Nghiên cứu những lớp đá nói trên sẽ mang đến cho chúng ta những gợi mở về các hoạt động địa chất hình thành và đúc kết nên vỏ Sao Hỏa.
Tàu thám hiểm Curiosity sẽ điều tra khả năng liệu trên Sao Hỏa có tồn tại đời sống vi sinh vật trong quá khứ hoặc hiện tại hay không
Nhưng Curiosity sẽ không chỉ lấy mẫu khí hậu trong quá khứ. Trong khi khám phá bề mặt Sao Hỏa, tàu thăm dò này cũng sẽ phân tích thành phần của khí hậu trên Hành Tinh Đỏ ngày nay, tính toán nhiệt độ không khí, mặt đất và tốc độ gió ở các vùng cục bộ. Khi đối chiếu với những đo đạc ở khu vực rộng hơn từ vũ trụ, thông tin đó sẽ giúp chúng ta có một sự hiểu biết rõ hơn về cách thức khí hậu biến đổi trên Hỏa Tinh.
Con người sẽ phải chịu lượng bức xạ bao nhiêu?
Một ngày nào đó trong tương lai, dù chưa biết gần hay xa, con người sẽ bay lên Sao Hỏa. Trướ khi tới đó, họ sẽ muốn biết lượng bức xạ mà họ phải đối diện lúc đáp xuống. Những thông số Curiosity cung cấp sẽ giúp giải quyết bí mật này.
Trên Trái Đất, phần lớp bức xạ do Mặt Trời phát ra bị ngăn lại bởi bầu khí quyển dày đặc. Tuy nhiên, Hành Tinh Đỏ có ít sự bảo vệ như vậy.
“Trước đây chưa từng có sứ mệnh nào đo được bức xạ thực tế trên bề mặt Sao Hỏa”, Grotzinger nói.
Biết được độ bức xa do Mặt Trời và Vũ trụ phát ra sẽ giúp những nhà thám hiểm tương lai biết cách bảo vệ họ khi cần thiết.