Bi kịch từ tục “ngủ thăm” biến tướng

Anh Tuyến thừa nhận chuyện “ngủ thăm” ở bản người Dao nay đã biến mất, hoặc nếu còn cũng chỉ rất ít và mang nặng tính hình thức.

Biết chúng tôi sắp đi Tây Bắc tìm hiểu về tục "ngủ thăm", một người bạn làm trong lĩnh vực văn hóa đã chủ động tìm gặp rồi tỏ ý can ngăn. Cậu bạn bảo tôi chỉ tốn thời gian và công sức vì tục “ngủ thăm” của người Dao nay chẳng còn.

Cuộc sống hiện đại tràn về, chính bà con dân bản tự nhận thấy các tập tục cổ xưa nay đã không còn phù hợp và bỏ nó đi. Tuy nhiên, biết là vậy nhưng chúng tôi vẫn quyết lên đường và vượt rừng đến vùng lõi của rừng quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ). Dừng chân ở bản Cỏi, bản người Dao được coi là còn nguyên sơ nhất của đại ngàn Tân Sơn, chúng tôi sững người chứng kiến những đứa trẻ không cha và các cô gái không chồng. Lúc này, PV chợt hiểu những gì cay đắng đã xảy đến ở nơi đây...

Bi kịch từ tục “ngủ thăm” biến tướng - 1

Những đứa trẻ ở bản Cỏi

Khi tục “ngủ thăm” bị biến tướng...

Lần ấy, đồng hành với chúng tôi suốt chuyến đi kéo dài cả tuần còn có anh Nguyễn Phong Tuyến (SN 1977), cán bộ phòng quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên rừng Quốc gia Xuân Sơn. Anh Tuyến người Kinh, quê gốc ở Thái Nguyên, được điều động lên chốn rừng thiêng nước độc này từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Gần 20 năm bám rừng, ăn ngủ với bà con dân bản, theo dõi sự chuyển biến của từng hộ dân cư, độ hiểu biết của anh về tập tính của dân bản chỉ sau ông Chủ tịch xã Xuân Sơn Bàn Văn Ấm. Dù đã có vợ là người Nam Định, nhưng thấu hiểu và đồng cảm với nỗi vất vả của bà con vùng cao, anh Tuyến vẫn quyết định dắt díu họ lên Tân Sơn lập nghiệp.

Về quy mô, rừng quốc gia Xuân Sơn rộng tới hơn 15 nghìn hecta, phủ rộng trên địa bàn 6 xã của huyện Tân Sơn. Trong đó, rừng bao trọn toàn bộ xã Xuân Sơn và một phần diện tích các xã lân cận. Nói về mặt địa giới hành chính, xã Xuân Sơn chính là nơi xa xôi, hoang sơ và kinh tế của người dân khó khăn nhất.

Không được phép phá thai?

Được biết, theo phong tục nơi đây, cô gái đã trót mang thai thì không được phép bỏ. Thế nên nhiều đứa trẻ sinh ra không có bố là điều dễ hiểu. Những trai bản ở Xuân Sơn, trước khi lấy vợ ai chẳng vài ba bận đi “ngủ thăm”. Hậu quả toàn các cô gái nhẹ dạ chịu cả. Có người phải ở vậy trọn đời nuôi, có người cũng phải bỏ bản làng đi sang nơi khác hòng kiếm tấm chồng.

Tôi vẫn nhớ lúc ngồi với anh Tuyến trong căn phòng nhỏ, nơi làm việc của Ban quản lý rừng, người cán bộ này bảo: “Mặc dù xã Xuân Sơn nằm trọn trong phân khu cần bảo tồn, được Chính phủ công nhận từ năm 1986 nhưng đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn. Trước, cứ lúc thiếu đói, bà con lại lên rừng khai thác lâm sản. Nay bị cấm vào rừng, đến một cây măng cũng không được lấy đi, cuộc sống của bà con chỉ còn biết dựa vào tiền trợ cấp bảo vệ rừng. Số tiền chẳng thấm là bao so với nhu cầu thực tế”.

Cũng giống như những gì chúng tôi được “cảnh báo” từ trước, anh Tuyến gật đầu thừa nhận chuyện “ngủ thăm” ở bản người Dao nay đã biến mất, hoặc nếu còn cũng chỉ rất ít và mang nặng tính hình thức.

Anh Tuyến cho biết, từ khoảng 15 năm nay, tục “ngủ thăm” của người Dao cứ ít dần đi rồi mất hẳn. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ còn có tục “làm công” được gìn giữ nhưng không còn bắt buộc như nguyên gốc nữa. “Lúc tôi mới lên đây, tục “ngủ thăm” vẫn còn. Chính tôi cũng được trai bản rủ đi “ngủ thăm” một lần và ký ức ấy bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Cá nhân tôi cho rằng đó là một tập tục khá thú vị của người Dao.

Tuy nhiên, từ ngày văn minh tràn về, chính những tư tưởng của người dưới xuôi đã làm cho nó bị méo mó đi dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Chính vì vậy bà con bây giờ cứ bỏ dần tục lệ đó đi”, anh Tuyến chia sẻ. Nói xong, anh Tuyến đưa chúng tôi đến bản Cỏi để tìm hiểu tập tục này.

Bi kịch từ tục “ngủ thăm” biến tướng - 2

Anh Nguyễn Phong Tuyến (phải)

Những đứa trẻ  “không có bố”

Anh Tuyến chỉ tay về phía 2 cây trò chỉ khổng lồ rồi nói: “Bản Cỏi kia rồi, hai cây chò chỉ ngàn năm tuổi kia chính là “thần hộ vệ” của bản Cỏi. Mỗi lần nhìn thấy hai cây trò chỉ, là chúng tôi biết mình đã sắp tới bản Cỏi”.

Đến nơi, anh Tuyến đưa chúng tôi chạy một vòng quanh đủ 75 hộ dân quanh bản rồi thì thầm vào tai chúng tôi: “Đây là nhà cô H. Cô có cậu con trai tên T không có bố. Còn kia là nhà chị K cũng một nạn nhân tương tự. Cô ấy cũng không biết con trai mình là con của “ông bố” nào nữa”. Chừng 15 phút, anh cán bộ rừng đã “điểm danh” ra hết gần chục trường hợp các cháu bé ở đây không có bố.

Anh Tuyến kể, bản Cỏi chỉ là một trường hợp cá biệt. Đó được cho là hậu quả đau lòng của tục “ngủ thăm” bị biến tướng. Với những thiếu nữ mặc dù không bị “bỏ bom” nhưng nếu đã lỡ mang tiếng bị nhiều người cạy cửa “ngủ thăm” cũng rất khó có cơ hội lấy chồng.

Về định nghĩa “ngủ thăm”, anh Tuyến đều giải thích rõ, nghĩa là người con trai chỉ vào “thăm” người con gái thôi. Tức là sau khi cạy cửa và mò vào đúng chỗ cô gái ngủ, chàng trai sẽ chui vào vuông màn và nằm xuống bên cạnh cô gái. Lúc này, chàng trai sẽ phải thể hiện hết tài năng ăn nói của mình để cô gái có đồng ý cho anh chàng “ngủ thăm” hay không. Nếu được, chàng trai sẽ ở lại hết đêm và hai người sẽ nằm trò chuyện. Sau một vài đêm như vậy, nếu được đồng ý, chuyện tình của đôi trai gái sẽ bước sang một giai đoạn mới, đó là “làm công”.

Tập tục biến tướng

Thấy chúng tôi hơi bất ngờ, anh Tuyến nói tiếp: Nói thì bảo “vạch áo cho người xem lưng” chứ thực tế tôi nhận thấy chính những người Kinh mình đã “đóng góp” một phần không nhỏ vào việc các tập tục truyền thống bị biến mất. Ngay cả chuyện bùa ngải của người Mường cũng vậy, bản chất của nó rất tốt đấy chứ, nhưng chính người Kinh đã làm cho nó bị biến tướng thành một thứ đáng sợ và ma mị. Giống như vậy, tục “ngủ thăm” cũng bị chính người Kinh hoặc các thanh niên thôn bản vì ảnh hưởng tư tưởng thực dụng của người Kinh đã biến nó thành một thứ bi kịch đối với các cô gái trẻ. Họ đến và đi, coi các cô gái trẻ như một thứ để “giải trí” và hậu quả thì chỉ các cô gái này phải gánh chịu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bắc - Long Nguyễn (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN