Bi kịch ngành “hàng không tăng gia” của quân đội Indonesia
Nhiều người không có quan hệ gì với các binh sĩ vẫn được lên máy bay quân sự để quá giang, với một mức phí nhất định.
Ngày 30.6 định mệnh, anh Janson Sinaga đưa hai vợ chồng em trai Sahat và Rasia cùng cô con gái của họ và 2 người họ hàng khác tới sân bay quân sự ở thành phố Medan, Indonesia.
Gia đình Sahat ở thị trấn Ranai trên hòn đảo xa xôi Natuna đã đi máy bay thương mại tới Medan thăm anh trai. Nhưng khi trở về nhà, Sahat quyết định cả nhà sẽ lên một chiếc máy bay vận tải quân sự của quân đội Indonesia vì nó “đi nhanh hơn và rẻ hơn”, Janson nhớ lại.
Chỉ vài phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay quân sự C-130 chở gia đình Sahat cùng khoảng 100 hành khách khác đã đâm xuống một khách sạn, khiến mọi người trên máy bay thiệt mạng. Janson đã mất đi 5 người thân trong thảm kịch kinh hoàng này.
Quá giang
Khi mọi người trên thế giới vẫn đang thắc mắc tại sao lại có quá nhiều dân thường trên chiếc C-130 Hercules gặp nạn như vậy, thì đối với người dân Indonesia ở những nơi như đảo Natuna, việc quá giang trên máy bay quân sự là quá đỗi bình thường.
Natuna là hòn đảo hẻo lánh nằm gần khu vực Borneo của Malaysia hơn bất cứ thành phố lớn nào khác của Indonesia. Trên đảo này chỉ có duy nhất một hãng hàng không thương mại hoạt động, và chỉ có những chặng bay ngắn tới các thành phố gần đó.
Anh Mun, một người dân sống trên đảo Natuna cho biết cách đây vài năm anh đã lên một chiếc C-130 Hercules của quân đội để đi tới đảo Bintan với số tiền bỏ ra là 500.000 rupiah (khoảng 37 USD). Anh nói: “Chiếc máy bay đó không có ghế nên tôi phải đứng, nhưng cả chặng bay chỉ kéo dài có 45 phút. Mọi người ở đây đều biết rằng họ có thể quá giang trên máy bay quân sự. Dù những chuyến đi này không miễn phí, nhưng chúng tôi không có nhiều lựa chọn.”
Anh Mun cũng đã mất người cháu Rubianto khi cậu bé này đáp chuyến bay C-130 định mệnh hôm 30.6. Anh cho biết cậu bé vừa mới tốt nghiệp phổ thông và đang trên đường tới Sumatra để tiếp tục việc học của mình.
Hàng không “tăng gia”
Những tiết lộ về việc không quân Indonesia tranh thủ “tăng gia” bằng cách thu tiền của người dân trên các đảo nhỏ để chở họ bằng những chiếc máy bay quân sự đã nhận được phản ứng khác nhau từ các quan chức chính phủ.
Người phát ngôn quân đội Indonesia Fuad Basya đã lên tiếng bác bỏ việc không quân có dính líu đến hoạt động “hàng không tăng gia” này. Ông Basya thừa nhận rằng các binh sĩ chỉ chở theo người nhà của họ trên máy bay quân sự. Nhưng điều đáng chú ý là khái niệm “người nhà” được định nghĩa rất rộng, thế nên rất nhiều người dù không có quan hệ họ hàng gì với các binh sĩ vẫn được phép lên máy bay.
Ông Agus Supriatna, Tư lệnh Không quân Indonesia thừa nhận có khả năng nhiều dân thường không có liên quan gì đến các binh sĩ vẫn được coi là “người nhà” bởi các phần tử biến chất trong quân đội. Ông tuyên bố đây là hành động vi phạm điều lệnh và sẽ “truy lùng” các phần tử này khi có đủ bằng chứng.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Jusuf Kalla thì lại tuyên bố rằng việc cho dân thường ở các vùng xa xôi đi nhờ là một phần trong “sứ mệnh dân sự” của quân đội.
Ông Kalla nói: “Nếu máy bay vẫn còn chỗ trống, tại sao không? Hãy coi nó như một dịch vụ, và là sự giúp đỡ của quân đội đối với những người cần đến nó”. Tuy nhiên, ông Kalla từ chối bình luận về thông tin người dân phải trả tiền để được lên những chiếc máy bay quân sự này.
Những cáo buộc về một số “phần tử biến chất” kiếm lời từ việc thu tiền của người dân để đi máy bay quân sự là điều mà quân đội Indonesia ít mong muốn nhất trong thảm kịch này.
Hôm qua, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu quân đội nước này rà soát lại toàn bộ chương trình quản lý vũ khí, trang bị và thay đổi hệ thống. Ông nói: “Chúng ta không chỉ đơn giản cứ mua sắm vũ khí, mà cần phải hiện đại hóa chúng. Chúng ta cần phải cho nghỉ hưu những thiết bị quân sự lạc hậu...”