Bác sĩ lên tiếng về tủ sữa mẹ "ngọt ngào" miễn phí ở SG

“Cho sữa mẹ miễn phí là hành động nhân văn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ bệnh tật đối với trẻ”, chuyên gia nhi khoa hàng đầu Việt Nam nói.

Bác sĩ lên tiếng về tủ sữa mẹ "ngọt ngào" miễn phí ở SG - 1

Tủ sữa mẹ miễn phí giữa lòng Sài Gòn (Ảnh: VTV)

Vừa qua, tại TP.HCM, chị Lê Huyền Trang thực hiện tủ sữa mẹ miễn phí, hy vọng những bé sơ sinh không có đủ sữa mẹ có thể tận hưởng được những giọt sữa mẹ ấm áp.

Sau khi nghe xong câu chuyện này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá, đây là hành động nhân văn. Tuy nhiên bác sĩ cũng cảnh báo: “HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ (mặc dù tỷ lệ lây truyền rất thấp). Ngoài ra, một số virus như CMV có thể đi qua sữa mẹ và lây truyền bệnh.

Bác sĩ lên tiếng về tủ sữa mẹ "ngọt ngào" miễn phí ở SG - 2

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương bày tỏ không đồng tình với việc "xin - cho sữa mẹ"

Cũng theo bác sĩ Cấp, ngoài lây HIV từ sữa mẹ, trẻ còn có thể nhiễm viêm gan  B... từ người mẹ  bị viêm gan B, nhiễm khuẩn tụ cầu, liên cầu, Herpes virus (nếu người cho sữa có loét, viêm nhiễm hoặc nứt đầu vú).

“Tôi không đồng ý với việc cho - nhận sữa mẹ khi không có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng”, bác sĩ Cấp nói.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, hành động “cho sữa mẹ miễn phí” là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không những cung cấp dưỡng chất cho trẻ, mà còn bảo vệ bé khỏi nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhờ khả năng miễn dịch từ sữa mẹ.

Theo ông, thực tế trước đây việc xin sữa mẹ cho con, với các bà mẹ ít sữa hay trẻ chẳng may mất mẹ sớm, rất phổ biến. Ngày nay, việc này ngày càng hạn chế, nhất là ở thành phố, vì trẻ có nguồn sữa công thức thay thế, cộng với tâm lý nhiều gia đình lo ngại khả năng trẻ bị lây bệnh khi bú sữa của người khác.

PGS Dũng phân tích, sữa mẹ có thể lây truyền một số bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, bệnh do siêu vi trùng... nếu người cho bú mắc phải. Ngoài ra, các bà mẹ có bệnh ở vùng vú như áp xe vú, vú bị viêm mủ cũng không được cho trẻ bú.

Những người này cần kiêng cho con (hay trẻ khác) bú hoàn toàn, vắt sữa ở bên vú bị viêm bỏ đi, chữa khỏi hẳn bệnh thì mới được cho trẻ bú trở lại. Trẻ bú ở bên vú bị viêm nhiễm này có thể bị nhiễm khuẩn gây ỉa chảy.

"Vì thế, khi xin sữa mẹ tốt nhất là của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người đó không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻ qua đường sữa mẹ", PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Bác sĩ lên tiếng về tủ sữa mẹ "ngọt ngào" miễn phí ở SG - 3

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia hàng đầu về nhi khoa tại Việt Nam

Chuyên gia về nhi khoa hàng đầu Việt Nam khẳng định, sữa mẹ từ thiện sẽ không xác định được người mẹ cho sữa có bị bệnh truyền nhiễm (ví dụ như Viêm gan siêu vi, HIV, Lao…) hay không; quy trình thu nhận, lưu trữ có vô trùng không và sữa mẹ sẽ bị mất chất (đặc biệt là chất béo)…

Theo ông Dũng, ở các nước trên thế giới, chỉ bệnh viện mới được thành lập ngân hàng sữa mẹ và phải tuân thủ quy trình kiểm nghiệm người cho sữa, quy trình vắt sữa, lưu trữ sữa.

“Trường hợp tại TP.HCM,  “cho sữa mẹ miễn phí” là hành động nhân văn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ bệnh tật đối với trẻ”, PGS Dũng cho hay.

Chuyên gia cũng cho rằng, để nguồn sữa mẹ quý giá đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cần mời thêm cơ quan y tế vào kiểm tra, giám sát và hướng dẫn quy trình.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ nữ đi sinh tại các bệnh viện phụ sản đều đã được thực hiện các xét nghiệm trước sinh để tầm soát các bệnh này. Người nhà khi đi xin sữa, tốt nhất cần biết rõ tình trạng sức khỏe của người cho sữa và chắc chắn họ không mắc các bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN