Áo mũ phim cổ trang Việt sai như thế nào?

Trang phục trong phim lịch sử Việt Nam thường bị chê không giống thật, quá giống Trung Quốc, nhưng nhiều người chê dường như chỉ dựa theo cảm tính. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” ra đời bắt đầu từ những tranh cãi về chuyện này, nghiên cứu trang phục của người Việt trong gần 1000 năm.

Trong buổi ra mắt Ngàn năm áo mũ cuối tháng 6 vừa qua, tác giả Trần Quang Đức cho biết, cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề trang phục trong bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” là nguyên nhân để anh bắt tay vào công cuộc nghiên cứu trang phục cổ. Vài năm trước, khi bộ phim lịch sử này rục rịch công chiếu thì nhiều người nhận xét rằng “phim Việt Nam mà như phim Trung Quốc”, từ cảnh quay, võ thuật, diễn viên quần chúng… và đặc biệt là trang phục nhân vật.

Theo Trần Quang Đức, trang phục trong phim cổ trang Việt có nhiều chi tiết chưa chuẩn, chưa đúng với lịch sử. Chẳng hạn, trong phim Đường tới thành Thăng Long, nhân vật hoàng đế đội mũ miện chỉ có 9 lưu (chuỗi ngọc châu) trong khi theo Ngàn năm áo mũ dẫn lời nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hổ, mũ miện dành cho đế vương phải có 12 lưu, mỗi lưu có 12 hạt ngọc. Áo cổn của vua Việt cũng thêu 12 chương (là các dạng hoa văn thêu trên lễ phục tượng trưng cho trời đất và vạn vật).

Áo mũ phim cổ trang Việt sai như thế nào? - 1

Cổn miện thời Lý - Trần (trái) theo “Ngàn năm áo mũ” và tạo hình vua Lý Công Uẩn trong Đường tới thành Thăng Long (phải)

Tác giả cũng chỉ ra sai sót về tạo hình nhân vật ở nhiều bộ phim cổ trang khác. Ví dụ, trong Thái sư Trần Thủ Độ, tạo hình của mũ Bình Thiên vua đội có 4 dây thao, kết hợp với áo màu vàng…, nhưng theo nhà bác học Phan Huy Chú viện dẫn quy chế mũ miện dành cho đế vương trong Chu Lễ thì mũ Bình Thiên “trên có ván chụp, đằng trước tròn, đằng sau vuông, đằng trước sa xuống, đằng sau nghếch lên, dài 1 thước 6 tấc, rộng 8 tấc, đằng trước sa xuống 4 tấc, đằng sau sa xuống 3 tấc. Mũ miện kết hợp với áo cổn, phía trước và sau đều có 12 dây lưu…”.

Theo nghệ nhân Trịnh Bách, người nhiều năm theo đuổi việc phục hồi trang phục cổ, Ngàn năm áo mũ có lẽ là “một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam”.

Áo mũ phim cổ trang Việt sai như thế nào? - 2

Lưu Bị đội mũ 12 lưu (theo Ngàn năm áo mũ)

Nên sáng tạo dựa trên “đinh chốt” văn hóa

Tác giả Ngàn năm áo mũ cho biết, anh bỏ ra nhiều năm lăn lộn, tìm tòi cả ở Việt Nam và Trung Quốc để sưu tầm được những nguồn tư liệu quý giá và chính xác về trang phục cổ của Việt Nam suốt gần 1000 năm từ thời Lý đến cuối thời Nguyễn (1009 - 1945). Về việc có nhiều ý kiến cho rằng trang phục cổ Việt Nam gần giống với Trung Quốc, tác giả khẳng định trang phục cung đình Việt cơ bản là mô phỏng nhưng vẫn có sự cải biến, sáng tạo để chứng tỏ sự đồng đẳng, ngang hàng không thua kém triều đình Trung Quốc.

Áo mũ phim cổ trang Việt sai như thế nào? - 3

Tạo hình Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong Thiên mệnh anh hùng bị so sánh với tạo hình Võ Tắc Thiên trong phim dã sử Trung Hoa

Theo ThS sĩ Hoàng Cẩm Giang, giảng viên bộ môn Nghệ thuật học - ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, với hơn một ngàn năm Bắc thuộc cộng với Nho giáo du nhập vào Việt Nam suốt nhiều thế kỉ, những nét tương đồng về văn hóa, trang phục của người Việt với người Hoa là điều không thể tránh khỏi. Trước đây chúng ta lại có quá ít tư liệu về trang phục cổ, các nhà làm phim cổ trang chỉ có thể tạo dựng hình tượng nhân vật của mình trên cơ sở tưởng tượng và phục dựng những gì dân gian còn giữ lại được (như trang phục biểu diễn trong tuồng cổ), trang phục trong phim đôi khi còn phải linh hoạt theo bối cảnh, tính cách nhân vật. ThS Giang cho rằng, Ngàn năm áo mũ là một tài liệu rất quý cho các nhà làm phim trong quá trình tạo hình nhân vật, nhưng cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chuyên gia dựng bối cảnh phim, con trai cố nhà văn Kim Lân lấy ví dụ nhân vật Tần Thủy Hoàng trong phim cổ trang Trung Quốc: “Một nhân vật như Tần Thủy Hoàng có biết bao phim, mỗi phim lại có bao kiểu khác nhau cho nhân vật diễn vai đó. Và nghệ sĩ Trung Hoa sáng tác rất nhiều về trang phục tổ tiên họ trên nền tảng văn hóa cốt lõi của họ”.

Vì thế theo ông, điện ảnh Việt Nam cần xây dựng các “đinh chốt” mang đậm văn hóa Việt, sau đó nên “trao quyền cho các nghệ sĩ” để họ dựa vào đó sáng tạo những mẫu trang phục mang dấu ấn nghệ sĩ và thẩm mỹ văn hóa Việt. Cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý để các nhà làm phim dễ dàng hơn trong việc xây dựng “hằng số” văn hóa phục trang (trang phục, hoa văn, kiểu dáng…), tạo hình cho nhân vật một cách thuần Việt nhất, đúng nhất với lịch sử mà không bị so sánh với Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN