Ấn Độ: Tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tranh nhau xin làm việc vặt

Giới chức bang Uttar Pradesh, Ấn Độ cho biết, họ sẽ phải mất ít nhất 4 năm mới có thể phỏng vấn hết 2,3 triệu ứng viên bao gồm hàng nghìn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nộp hồ sơ ứng tuyển hơn 300 vị trí cấp thấp, chỉ yêu cầu có trình độ tiểu học.

Ấn Độ: Tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tranh nhau xin làm việc vặt - 1

Bất chấp công việc không tương xứng với trình độ và lương thấp, hàng nghìn tiến sĩ, cử nhân Ấn Độ vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển các vị trí cấp thấp trong chính quyền bang  Uttar Pradesh.

Theo BBC, ngay sau khi chính quyền Uttar Pradesh đăng tuyển nhân sự cho 368 vị trí cấp thấp với các yêu cầu bắt buộc bao gồm phải có trình độ tiểu học và có khả năng đi xe đạp, họ đã bị choáng ngợp khi nhận được "núi hồ sơ" 2,3 triệu bộ.  

Mặc dù chính quyền bang chỉ tuyển các vị trí cấp thấp, không đòi hỏi nhiều về trình độ của ứng viên, song, hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, thậm chí, tiến sĩ đã nộp hồ sơ xin ứng tuyển.

Sau khi phân loại hồ sơ, các quan chức cho biết, có 255 người có trình độ tiến sĩ, 152.000 cử nhân đã nộp đơn dự tuyển. Tính trung bình, 6.250 ứng viên cạnh tranh cho mỗi công việc.

Ấn Độ: Tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tranh nhau xin làm việc vặt - 2

Thất nghiệp là vấn đề nan giải ở Uttar Pradesh - bang đông dân nhất của Ấn Độ

Một quan chức bang Uttar Pradesh cho biết, họ sẽ phải mất tới ít nhất 4 năm để phỏng vấn hết các ứng viên.

"Tất cả các ứng viên cần phải được phỏng vấn. Theo ước tính của tôi, toàn bộ quá trình phỏng vấn sẽ phải mất ít nhất 4 năm ngay cả khi chúng tôi lập 10 hội đồng xét tuyển và phỏng vấn 200 người một ngày liên tục trong 25 ngày/tháng", ông Prabhat Mittal, một quan chức cấp cao của bang Uttar Pradesh cho hay.

Những ứng viên được tuyển dụng sẽ nhận được mức lương hàng tháng là 16.000 rupee (khoảng 240 USD, tương đương hơn 5 triệu đồng).

Thất nghiệp là một vấn đề thách thức nan giải ở bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh, nơi hàng chục triệu người thất nghiệp.

Bang này có dân số 215 triệu người và dự kiến ​​đến năm 2017 sẽ có 13,2 triệu người trẻ thất nghiệp. Do đó, hàng triệu người cạnh tranh khốc liệt với nhau trong những đợt tuyển dụng của chính quyền để mong thoát cảnh thất nghiệp. Đầu năm nay, một số người đã bị thương trong một vụ giẫm đạp khi hàng nghìn người tập trung để tham gia xét tuyển vào quân đội ở thành phố phía nam Visakhapatnam.

Trong năm 2010, một người đàn ông đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương cũng trong một vụ giẫm đạp khi hơn 10.000 thí sinh tụ tập để xét tuyển vào lực lượng cảnh sát ở Mumbai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN