Ai quản lý nhà hàng nổi bị sập ở Ninh Thuận?
Theo Cục Đăng kiểm VN, nhà hàng nổi này thực chất chỉ là chiếc bè nổi và không thuộc diện đăng kiểm.
Theo VR, chiếc bè bị sập không đạt tiêu chuẩn nhà hàng nổi và không thuộc diện đăng kiểm
Ngày 24/7, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) cho biết đã báo cáo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia về vụ nhà hàng nổi bị sập tại Ninh Thuận làm hàng trăm người rơi xuống biển và 2 người thiệt mạng vào trưa 23/7. Sự cố xảy ra khi đường dẫn ra nhà bè bị sập kéo theo bè bị nghiêng.
Theo VR, chiếc bè nổi dựa vào sức nổi của các thùng phi nhựa gắn xung quanh bè, sàn phía trên được làm bằng ván gỗ, dựng lên thành lán để phục vụ sinh hoạt. Và với đặc điểm như vậy, phương tiện này thuộc dạng bè, không phải nhà hàng nổi theo như quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2013/BGTVT) và Thông tư số 43 ngày 23/10/2012 của Bộ GTVT.
“Theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thuộc loại không phải đăng kiểm, do UBND tỉnh tổ chức quản lý khai thác, quy định về điều kiện an toàn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”, báo cáo của VR nêu.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 10h40 phút ngày 23/7, tại vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) xảy ra vụ tai nạn sập bè nổi của Công ty du lịch Vĩnh Tiến. Trên bè lúc đó có khoảng 200 khách. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tàu khách Vĩnh Tiến vận chuyển 20 người ra nhà bè. Tàu cập sát vào bè vô tình có một luồng gió mạnh, làm tàu tàu mất phương hướng đập vào bè, tạo cột sóng phủ lên một phần bẻ. Hành khách hỗn loạn dẫn tới mất cân đối trọng lực, gãy nhà bè và sập xuống biển. Khu vực xảy ra tai nạn gần bờ đoạn sâu nhất khoảng 2,5-3m.
Sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã nỗ lực triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ. Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận và UBND huyện Ninh Hải đã hỗ trợ vật chất cho gia đình nạn nhân tử vong và 4 nạn nhân bị thương.