9 cơ quan giải trình về bảo vệ trẻ em bị xâm hại

Sáng 27/3, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp tổ chức phiên điều trần để nghe 9 cơ quan có trách nhiệm “giải trình” về việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

9 cơ quan giải trình về bảo vệ trẻ em bị xâm hại - 1

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan

Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhưng việc xử lý lại chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, sáng 27/3, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp tổ chức phiên điều trần để nghe 9 cơ quan có trách nhiệm “giải trình” về việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tại cuộc giải trình nhiều ý kiến đề nghị áp dụng quy trình điều tra đặc biệt nhằm đảm bảo có đủ chứng cứ, xử lý nghiêm loại tội phạm này.

Hơn nghìn trẻ em bị xâm hại mỗi năm

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH, năm 2014 có hơn 1.594 trẻ em bị xâm hại tình dục, năm 2015 là 1.371 trẻ em và năm 2016 có 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số thống kê còn thực tế chắc chắn là cao hơn. Nhiều vụ việc vì lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của con nên gia đình không cung cấp thông tin, không  tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó còn có tình trạng thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền hòa giải với gia đình của nạn nhân để bỏ qua vụ việc.

“Qua phản ánh của báo chí cho thấy, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn”, bà Lan nói và cho biết, số lượng các em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, trong đó có cả những em bé tuổi mầm non.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, thể hiện sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Theo bà Nghĩa, ngay ở trong trường học cũng xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như thầy giáo, bảo vệ nhà nước hoặc người lạ mặt đột nhập vào trường dâm ô học sinh. Nạn nhân của các vụ việc trong trường học chủ yếu là học sinh nữ cấp tiểu học, không có khả năng tự bảo vệ và yếu về kỹ năng phòng tránh xâm hại.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cảnh báo một thực trạng hết sức lo ngại là việc xuất hiện tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Tội phạm này chủ yếu là du khách quốc tế tự tìm kiếm hoặc thông qua môi giới để thực hiện hành vi mua dâm, mua trinh, giao cấu, dâm ô với trẻ em. Một số đối tượng còn tổ chức đường dây mua bán trẻ em để phục vụ các dịch vụ, đường dây sextour hoặc cung cấp dịch vụ tình dục cho khách du lịch trong nước và quốc tế…

Nhiều hành vi xâm hại bị bỏ lọt

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng là thế nhưng theo bà Đào Hồng Lan, hiện nay luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, cũng cho rằng, việc đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc củng cố chứng cứ.

Theo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND), để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn dẫn đến không xử lý đối tượng phạm tội

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, tại sao có nhiều vụ việc gia đình đã có đơn tố cáo, đưa bị hại đến công an trình báo, luật sư cũng đã vào cuộc… nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không khởi tố vụ án. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, có chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao thì mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can? “Phải chăng là có tình trạng chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong một số vụ việc”?, bà Nga nêu câu hỏi.

Bà Ninh Thị Hồng, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì chỉ ra một thực tế là thiếu sự thân thiện, tinh tế của cơ quan điều tra trong việc tiếp xúc với trẻ em. Điều này khiến trẻ em sợ hãi, không hợp tác, không dám trả lời...

Để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. VKSND Tối cao cũng đề nghị quy định ẩn danh đối với người bị hại nhằm giải tỏa tâm lý xấu hổ, sợ ảnh hưởng nặng thêm đến trẻ em bị xâm hại, không tố cáo hoặc không cung cấp chứng cứ cho cơ quan pháp luật.

Đồng tình với nhiều ý kiến các đại biểu nêu ra, tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng lưu ý việc điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo khách quan, không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan sai. “Việc ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị tù oan nhiều năm trời bởi án oan hiếp dâm là một bài học mà chúng ta cần phải hết sức lưu ý”, bà Nga nói.

Bạn suy nghĩ như thế nào khi người khác hôn con mình?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
Xót lòng những vụ xâm hại trẻ em Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN