8 thuyền viên mất tích: Nỗi đau kép của gia đình nạn nhân

Trong đêm 10/11, rất đông thân nhân 8 thuyền viên mất tích đã có mặt tại đoàn điều dưỡng 20-đường Hoàng Diệu, TP Nha Trang- nơi Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 4 bố trí. Tất cả đều là đàn ông và đa số là thủy thủ. Đặc biệt hơn khi có gia đình cả 3 anh em ruột, con chú con bác đi vào đều đang là thuyền trưởng các tàu chuyên chạy trên tuyến đường tàu Phúc Xuân 68 bị nạn.

Là thân nhân đầu tiên của các thuyền viên mất tích có mặt tại cảng vụ Nha Trang từ 19 giờ ngày 9/11, anh Nguyễn Đức Loan (thuyền viên chuyên chạy tàu dầu Bình Thuận- Sài Gòn) em trai của thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa tàu Phúc Xuân 68 dường như đang gồng mình hết sức có thể sau 1 ngày đêm trên bờ. Anh giờ là trụ cột về tinh thần của bố mẹ già, chị dâu, 4 đứa cháu và người thân ở nhà đang mong ngóng tin về anh Khoa.

8 thuyền viên mất tích: Nỗi đau kép của gia đình nạn nhân - 1

Tàu Nam Vỹ 69 vào Vịnh Nha Trang để phục vụ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Gia đình có 3 anh em trai thì cả 3 đều đi biển, anh Khoa là anh cả làm thuyền trưởng, cậu em út Nguyễn Đức Thống cũng là thuyền trưởng. Vật lộn với sóng gió biển khơi bao nhiêu năm, chứng kiến bao nỗi đau trên biển nhưng giờ đây anh thấm nỗi đau mất người thân.

Vẫn khuôn mặt thất thần, nỗi đau nén lại anh Loan động viên chị dâu Nguyễn Thị Ngọc Phương qua điện thoại: “Chị phải bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần trước, phải cố đừng để các cháu bị sốc. Tình hình trong này anh em vẫn đang cố gắng tìm kiếm anh”.

Cứng rắn hơn anh trai, hiểu được tai nạn trên biển là điều không thể tránh khỏi trong nghề nhưng anh Nguyễn Đức Thống nói trong lạc giọng: “Tôi tìm được anh rồi thì cũng xé bằng luôn. Nghề này lương cao nhưng bạc, tôi không theo nghề của anh nữa".

Nói rồi anh Thống lại tất bật xuống tàu cùng bộ đội biên phòng đi tìm ven bờ biển Cam Ranh với hi vọng “chết thì cũng phải tìm cho được thi thể”.

Trên cầu cảng Nha Trang, anh Nguyễn Bá Mão (quê Đô Lương, Nghệ An) đang cố nghe lời anh dặn ở trên bờ cố chờ đòn người vào. Là thân nhân của thủy thủ Nguyễn Bá Kha ngay khi nghe tin, anh cùng anh trai Nguyễn Bá Khanh nhảy xe vào Nha Trang. Mão cho biết, anh Khanh cũng là thủy thủ trước đi tàu của Công ty TNHH VTB Hoàng Hải (Thái Bình) – đơn vị chủ quản tàu Phúc Xuân 68. Sau đó đưa anh Kha vào làm cùng. Nhà có 2 em đều làm thủy thủ. “Giờ ở nhà 2 bác đang khóc ngất lên ngất xuống, ai khỏe hơn thì được cử vào đây để tìm anh Kha”.

Cũng trông ngóng tin các thuyền viên 2 ngày nay, máy trưởng tàu Hải Minh 26 đang neo đậu ở Cảng Nha Trang anh Nguyễn Duy Hùng (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Nghe tin anh em trong xã bị nạn tinh thần ở nhà cũng lung lay lắm, nhưng sinh nghề tử nghiệp, mình còn phải sống, phải làm việc, tai nạn thì không ai biết trước được nên trời kêu ai người ấy dạ thôi. Ở Thái Bình, Thanh Hóa hay làng biển nào cũng hơn 70% dân đi biển, nghề ngấm vào máu từ thời cha ông rồi, chỉ mong sao anh em thuyền viên trên tàu còn sống, không thì cũng còn được xác chứ mất luôn thì đau lắm”. ”

Với kinh nghiệm đi biển lâu năm, thân nhân thuyền viên đều có chung suy đoán các  thủy thủ lúc đó ai không lên ca thì đều đang ngủ nên sẽ không thể thoát ra ngoài mà đang kẹt dưới tàu. Vì vậy ngay từ sớm ai cũng điện thoại chạy ngược xuôi tìm tàu đi ra hiện trường, liên hệ anh em bạn thuyền tìm thợ lặn.

Đến 18 giờ chiều thì tất cả đều thất vọng vì chỉ tìm được người lặn được ở độ sâu 70m, trong khi vùng biển tàu Phúc Xuân 68 bị nạn sâu trên 90m. “Cũng đã có nhóm thợ lặn Nha Trang nhận làm nhưng sau đó lại thôi, bây giờ ngoài việc cứu nạn thì giải tỏa tâm lý cho thân nhân thuyền viên mất tích cũng rất cần nên lúc này chúng tôi làm tất cả những gì có thể”- ông Bùi Hồng Phong đại diện chủ tàu Phúc Xuân 68 cho biết.

Quán cà phê nhỏ ở Cổng Cảng vụ Nha Trang chưa bao giờ đông người ngồi đến vậy. Người thẫn thờ im lặng chờ, người điện thoại liên tục, người chạy vào chạy ra nhưng chung khuôn mặt sạm gió, nặng nề. Chị Trang chủ quán từ 2 hôm nay cũng chạy tất bật như người thân của các thuyền viên: “Họ đều ở xa đến đây, không biết đường xá, không biết gặp ai, mình ở đây quen thấy cảnh này ai không giúp. Mình ở biển cùng cảnh ngộ, giúp được gì thì giúp thôi”. Vợ chồng chị trở thành xe ôm, người dẫn đường, người cung cấp thực phẩm, người chạy giấy tờ, người đưa thân nhân lên gặp lãnh đạo Cảng vụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN