700 học giả TQ lên tiếng ủng hộ Bạc Hy Lai

Hơn 700 học giả và cựu quan chức của Trung Quốc đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ đề nghị quốc hội nước này không loại bỏ chính trị gia tiếng tăm một thời Bạc Hy Lai.

BBC đưa tin bức thư được đăng trên trang web tiếng Trung Red China của nhóm này. Họ cho rằng quyết định phế truất ông Bạc "rất đáng nghi và mang động cơ chính trị".

Bức thư đề nghị thường vụ quốc hội Trung Quốc xem xét lại "các bằng chứng" buộc tội ông Bạc Hy Lai (63 tuổi) mà nhiều tháng qua đã không còn xuất hiện trước công chúng.

Bức thư cũng kiến nghị không tước quyền miễn tố và tư cách đại biểu của ông Bạc.

"Lý do loại ông Bạc Hy Lai là gì? Hãy điều tra sự thực và đưa ra bằng chứng", bức thư viết. "Hãy cho người dân thấy bằng chứng rằng ông Bạc có thể tự bảo vệ mình theo quy định của pháp luật".

Ông Lin Longhua, sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết ông ký tên vào bức thư "vì muốn một hệ thống luật pháp Trung Quốc công bằng". Trước đó, ông chưa bao giờ ủng hộ ông Bạc.

Bị tước quyền đại biểu Quốc hội, ông Bạc cũng mất luôn quyền được miễn trừ, nghĩa là ông có thể bị truy tố sau khi vợ ông, bà Cốc Khai Lai, ra hầu tòa. Bà Cốc hồi tháng 8 bị tòa án ở Hợp Phì tuyên án tử hình nhưng hoãn thi hành án 2 năm, sau khi thú nhận hành vi đầu độc một doanh nhân người Anh. Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an thành phố Trùng Khánh, người từng là "cánh tay phải" của ông Bạc, bị tuyên 15 năm tù vì che giấu vụ việc.

Truyền thông nhà nước tại Bắc Kinh hôm 28/9 cho hay ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai sẽ bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tin này đã thổi bùng lên đồn đoán rằng cuộc điều tra có thể dẫn đến các cáo buộc nghiêm trọng hơn nữa và còn liên quan đến các nhà lãnh đạo cao cấp khác.

Theo Tân Hoa Xã, ngoài việc lạm quyền, nhận các khoản hối lộ khổng lồ, vi phạm kỷ luật và duy trì các mối quan hệ tình ái không đứng đắn với nhiều phụ nữ, giới chức "cũng phát hiện bằng chứng cho thấy sự tham gia của ông trong những tội phạm khác".

Chuyện đề cập một cách mơ hồ "các tội phạm khác" của ông Bạc mà không nói rõ tội danh là dấu hiệu đáng ngại cho ông Bạc Hy Lai, theo các nhà phân tích chuyên về Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều người sử dụng Internet của Trung Quốc hiện không thể truy cập vào Red China và bức thư trên đến nay vẫn chưa xuất hiện trên truyền thông nhà nước.

Chính trị gia ngã ngựa Bạc Hy Lai đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ hồi giữa tháng 3, ngay sau khi vụ bê bối chính trị liên quan đến ông vỡ lở và bị điều tra. Ông bị mất chức bí thư thành ủy Trùng Khánh hồi tháng 4 và khai trừ khỏi đảng hồi tháng 9.

Trước đó, ông là ứng viên sáng giá cho vị trí hàng đầu trong bộ máy lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc sau kỳ đại hội diễn ra vào tháng tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Huyền (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN