6 nhà báo Indonesia bị binh lính tấn công
Ngày 17/10, hàng trăm nhà báo Indonesia trên cả nước đã biểu tình trước trụ sở các cơ quan nhà nước tại Jakarta và nhiều thành phố lớn để phản đối vụ tấn công của một nhóm binh lính thuộc quân đội Indonesia (TNI) nhắm vào sáu nhà báo khi họ đang tác nghiệp.
Vụ việc bắt đầu khi các nhà báo đến hiện trường để đưa tin một chiến đấu cơ Hawk 200 bị rơi vào ngày 16/10 tại Pakanbaru, tỉnh Riau. Chiếc máy bay nằm trong số 32 chiếc mà Anh bàn giao cho Indonesia vào năm 1994. Khi xác máy bay còn nằm tại hiện trường, các phóng viên đến để chụp hình và đưa tin. Đồng thời họ tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn.
Phóng viên ảnh của tờ Riau Pos- Didik Herwanto là người đầu tiên bị trung tá Robert Simanjuntak đè xuống đất khi anh này cố gắng chụp ảnh chiếc máy bay tại hiện trường. Năm phóng viên khác là Andika Pratama (Vokal Daily), F.B.Rian Anggoro (Antara News Agency), Robi Fahrianto (Riau TV), M. Arifin (TV One)... cũng bị các binh sĩ túc trực tại đây đánh và tịch thu dụng cụ tác nghiệp. Theo Jakarta Globe, không những bị đánh, họ còn bị binh sĩ đá túi bụi vào người.
Cùng ngày, hàng trăm nhà báo đã tập trung tại Bộ Chính trị - pháp lý và an ninh ở trung tâm Jakarta phản đối vụ bạo lực trên. Để xoa dịu dư luận, tư lệnh không quân Indonesia Marshall Imam Sufaat đã lên tiếng xin lỗi và nêu lý do “chiếc máy bay có mang theo vũ khí bí mật nên không cho ai đến gần”.
Tuy nhiên, lý do trên không thuyết phục được công chúng. Jakarta Post dẫn lời Basri Marzuki - chủ tịch Hiệp hội Phóng viên ảnh tại Palu (Trung Sulawesi) - chỉ trích hành vi đàn áp của binh sĩ với các nhà báo là “vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí năm 1999”. Báo giới Indonesia đang tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ đưa vụ việc ra xét xử.