47.000 thiên thạch đang "rình rập" Trái Đất
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một con số ước tính gây sốc: hiện khoảng 47.000 thiên thạch có nguy cơ “tấn công” Trái đất của chúng ta.
Theo tờ Daily Mail, tàu thăm dò bầu trời WISE của NASA đã lấy mẫu 107 thiên thạch “nguy hiểm tiềm tàng” gần Trái đất, có chiều rộng 100 mét hoặc hơn, để ước tính về tổng số thiên thạch đang “rình rập” hành tinh của chúng ta.
Kết quả ước tính là: tới 47.000 thiên thạch có quỹ đạo gần nhất với Trái đất trong phạm vi khoảng cách là 8 triệu km. Chúng đủ lớn để có thể “sống sót” khi xuyên qua bầu khí quyển Trái đất và gây ra những tổn thất nặng nề đối với một vùng, một thành phố hoặc khu vực lớn hơn.
Nghiên cứu của Đại học Southhampton (Anh) cho rằng, các cuộc bắn phá như vậy của thiên thạch có thể dẫn đến thiệt hại thảm khốc về người hoặc khiến khu vực bị ảnh hưởng “gần như không còn khả năng hồi phục”.
Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Southhampton đã thống kê danh sách các quốc gia sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất trong trường hợp thiên thạch tấn công Trái đất. Trong đó, 10 nước có nguy cơ cao nhất là Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật, Mỹ, Philippines, Italia, Anh, Brazil và Nigeria.
Danh sách trên được soạn thảo nhờ sử dụng phần mềm có tên gọi NEOimpactor đánh giá sự nguy hiểm của các vật thể gần Trái đất.
Phân tích mới cũng nhận định, các vật thể gần Trái đất với số lượng cao gấp đôi những phỏng đoán trước đây có thể đang cư ngụ ở những quỹ đạo có độ nghiêng thấp. Những thiên thạch ở các quỹ đạo có độ nghiêng thấp này nhiều khả năng va chạm với Trái đất hơn nhưng mở ra triển vọng trở thành điểm đến cho các sứ mệnh khám phá của con người và robot trong tương lai.