3 giải pháp nâng cấp tiêm kích MiG-21 VN

Sau hơn nửa thế kỷ, MiG-21 đã rất lạc hậu về mọi mặt so với các thế hệ máy bay tiêm kích mới.

Tiêm kích đánh chặn MiG-21 là loại máy bay chủ lực của không quân tiêm kích – Không quân Nhân dân Việt Nam.

MiG-21 do Cục thiết kế Mikoyan – Gurevich nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Đây là một trong những loại tiêm kích thành công nhất trên thế giới, trong vòng hơn 25 năm có tới 11.496 chiếc được sản xuất và sử dụng khoảng 50 quốc gia trên thế giới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, nước bạn Liên Xô đã viện trợ khá nhiều tiêm kích MiG-21 giúp Không quân Nhân dân Việt Nam đối phó lại với các máy bay hiện đại của Mỹ.

3 giải pháp nâng cấp tiêm kích MiG-21 VN - 1

Tiêm kích đánh chặn huyền thoại MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: ttvnol.com)

Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam năm 1965, MiG-21 nhanh chóng được bộ đội Việt Nam tiếp thu, làm chủ, sử dụng một cách xuất sắc bắn hạ hàng trăm máy bay Mỹ, trong đó có cả siêu pháo đài bay B-52.

Sau chiến tranh, MiG-21 tiếp tục được Liên Xô cung cấp cho Không quân Nhân dân Việt Nam và sử dụng cho tới tận ngày nay. MiG-21 vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trong trong việc bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển Tổ quốc Việt Nam.

Mặc dù vậy, sau hơn nửa thế kỷ, MiG-21 đã rất lạc hậu về mọi mặt so với các thế hệ máy bay tiêm kích mới. Ở nước Nga, Không quân Nga đã loại bỏ MiG-21 từ những năm 1990. Nhưng đối với những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, như Việt Nam thì việc thay thế hoàn toàn MiG-21 bằng một loại máy bay mới là khó có thể thực hiện trong một vài năm.

Vì vậy, giải pháp nâng cấp MiG-21 trên nền tảng cũ, biến nó trở thành “tiêm kích hiện đại” là hướng đi đúng đắn nhất, đảm bảo tính kinh tế cao, hiệu quả chiến đấu tốt.

Rất nhiều quốc gia đã đưa ra chương trình nâng cấp hiện đại hóa MiG-21, điển hình là 3 chương trình sau:

MiG-21-93

MiG-21-93 là chương trình nâng cấp hiện đại hóa MiG-21 đến từ xứ sở sáng tạo ra tiêm kích huyền thoại này - nước Nga. Việc thực hiện do các công ty – tập đoàn của Nga cùng hợp tác: Rosoborozonexport, hãng Sokol, Phazotron, MAPO MIG và GosNIIAS.

3 giải pháp nâng cấp tiêm kích MiG-21 VN - 2

Tiêm kích đánh chặn nâng cấp MiG-21-93. (Ảnh: Airlines.net)

Với chương trình nâng cấp này, MiG-21-93 đã trở thành tiêm kích đa nhiệm, trang bị hệ thống điện tử, vũ khí tiên tiến. Cụ thể, máy bay lắp đặt radar điều khiển hỏa lực Kopyo có tầm hoạt động 56km, theo dõi đồng thời 10 mục tiêu và tiêu diệt 2 trong số đó.

Trước khi nâng cấp, MiG-21 chỉ có khả năng mang tên lửa không đối không thế hệ cũ như R-3S, R-60, thì nay nó có thể mang tên lửa R-73E, tên lửa đối không tầm trung R-27R1/T1, RVV-AE, thậm chí là cả tên lửa chống radar Kh-25MP.

MiG-21 tuy có khả năng đối đất nhưng rất hạn chế, chủ yếu mang bom, rocket không điều khiển thì nay nó còn có thể mang bom có điều khiển KAB-500KR.

Nhìn chung, MiG-21-93 tập trung nâng cấp mạnh yếu tố hỏa lực cho phép có khả năng không chiến tầm xa tăng gấp 10 lần so với khi chưa nâng cấp. Theo đánh giá chuyên gia quân sự quốc tế, MiG-21-93 có khả năng đối phó với biến thể F-16 đời đầu của Mỹ.

Từ MiG-21-93, sau này các công ty Nga còn đưa ra mẫu MiG-21-97 trang bị động cơ tuốc bin phản lực Klimov RD-33 (dùng trên tiêm kích MiG-29).

Chương trình nâng cấp MiG-21-93 này đã xuất khẩu thành công sang thị trường Ấn Độ, khi đó nó được gọi với cái tên MiG-21 Bison. Các công ty Nga sau khi nâng cấp mẫu vài chiếc đã chuyển giao công nghệ cho phía Ấn Độ thực hiện

Theo một số nguồn tin không chính thức, Việt Nam đã ký hợp đồng với Ấn Độ để nâng câp các MiG-21 lên tiêu chuẩn MiG-21 Bison (hay chính là MiG-21-93).

MiG-21-2000

Nếu như MiG-21-93 do các công ty Nga – “cha đẻ” MiG thực hiện, thì MiG-21-2000 lại do các công ty Israel phát triển, mặc dù vốn dĩ Israel “chẳng dính dáng gì” tới MiG-21 (họ không là người sản xuất, cũng không là người sử dụng).

3 giải pháp nâng cấp tiêm kích MiG-21 VN - 3

Tiêm kích đánh chặn nâng cấp MiG-21-2000. (Anhr: Airlines.net)

Tuy vậy, biến thể nâng cấp dành cho MiG-21 của họ rất đáng lưu tâm. Trong khi, MiG-21-93 tập trung mạnh nâng cấp hỏa lực thì MiG-21-2000 chú trọng nâng cấp hệ thống điện tử, đặc biệt là đem lại sự tiện nghi hơn cho phi công – vốn là thế yếu của máy bay Nga.

Buồng lái MiG-21-2000 hiện đại hóa với tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ mới như: lắp màn hình hiển thị HUD trước mặt phi công, 2 màn hình màu tinh thể lỏng đa năng hiển thị thông số kỹ thuật bay, thiết bị điều khiển HOTAS, hệ thống hiển thị và ngắm bắn tích hợp trên mũ bay phi công. Ngoài ra, máy bay còn trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống định vị quán tính INS.

MiG-21-2000 sử dụng radar điều khiển hỏa lực EL/M-2032 có tầm hoạt động 46km, theo dõi 8 mục tiêu cùng lúc và chỉ dẫn bắn tên lửa đánh chặn một mục tiêu trong số đó.

Về vũ khí, MiG-21-2000 ngoài khả năng mang tên lửa của Nga thì có thể mang tên lửa đối không tầm ngắn lắp đầu tự dẫn hồng ngoại Python 3 (tầm bắn 15km) của Israel. Trong nhiệm vụ tấn công mặt đất, MiG-21-2000 có thể mang bom dẫn đường bằng laser MBT Griffin.

MiG-21 LanceR

MiG-21 LanceR do công ty Aerostar SA (Romania) và Elbit System (Israel) hợp tác phát triển hiện đại hóa hơn 100 tiêm kích MiG-21MF/Bis cho Không quân Romania.

3 giải pháp nâng cấp tiêm kích MiG-21 VN - 4

Tiêm kích đánh chặn nâng cấp MiG-21 LanceR (Ảnh: Airplanes-picture)

MiG-21 LanceR là sự kết hợp hài hòa yếu tố Nga và Israel, chú trọng cả phát triển hệ thống điện tử hàng không và vũ khí.

Đối với hệ thống điện tử, máy bay thiết kế với hệ thống màn hình tinh thể lỏng đa năng giúp phi công dễ dàng kiểm soát thông số kỹ thuật bay hơn, thiết bị ngắm mục tiêu tích hợp trên mũ bay, thiết bị định vị tiên tiến (GPS/INS). Lancer dùng dòng radar EL/M-2032 tương tự MiG-21-2000.

Về vũ khí, MiG-21 LanceR được nâng cấp để mang tên lửa không đối không thế hệ mới của Nga R-73 và cả tên lửa của Israel Python 3. Ngoài ra, nó có thể mang vũ khí chính dẫn đường chính xác cao (tên lửa, bom).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN