18 tháng cùm chân và hành trình 30 năm kêu oan

Ông Nguyễn Duy Hiếu (SN 1957), vừa tiếp tục có đơn kêu oan gởi Chủ tịch nước cùng các cơ quan có trách nhiệm đề nghị giải quyết, trả lời quanh việc ông bị công an bắt giam 18 tháng, sau đó nhận lệnh tạm tha mà không có kết luận đúng sai. Lệnh tạm tha ban hành đã 30 năm nhưng cho đến nay vẫn không có kết luận ông Hiếu có phạm tội hay không?

Năm 1978, sau khi đi bộ đội về, Nguyễn Duy Hiếu vào làm ở Bưu điện huyện Châu Thành (Kiên Giang) với nhiệm vụ được phân công là Tổ trưởng Tổ Khai thác bưu chính – Phân phát báo chí. Khi đó Hiếu mới 26 tuổi, một chàng trai độc thân, sống cống hiến. 

Hiếu là Bí thư Liên chi đoàn của UBND huyện và bưu điện, đã học cảm tình Đảng chuẩn bị kết nạp. Một buổi chiều đầu tháng 3/1983, sau khi nhận lương, Hiếu cùng mấy người bạn hùn tiền mua rượu, mồi về khu tập thể cơ quan lai rai vui vẻ. Sáng hôm sau, cơ quan thông báo một số bưu phẩm, bưu kiện trong tủ sắt bị mất. 

Ba ngày sau, Công an huyện Châu Thành thực hiện lệnh bắt giam Hiếu vì tội: “Thiếu tinh thần trách nhiệm”. Không rõ số tài sản bị mất là bao nhiêu, nhưng sau khi bị bắt, Bưu điện Châu Thành đã tịch thu chiếc xe đạp Cửu Long cùng toàn bộ đồ đạc (chủ yếu là quần áo) của Hiếu.

18 tháng cùm chân và hành trình 30 năm kêu oan - 1

 Ông Hiếu cùng lá đơn kêu oan và lệnh tạm tha lý cách đây 30 năm.

Sau 18 tháng bị bắt giam, ngày 15/9/1984, Công an huyện Châu Thành ký lệnh tạm tha cho ông Hiếu vì: “Không cần thiết giam giữ, cho ở tại ngoại”. Sau khi trình lệnh tạm tha, công an xã Hà Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) ký cho phép ông Hiếu được ở tại địa phương trong thời gian chờ xét xử.

Ông Hiếu kể: Trong trại giam tôi không bị ép cung hay đánh đập gì, nhưng 18 tháng bị bắt là chừng ấy thời gian tôi bị cùm 2 chân; có thời giam bị cùm cả 2 chân 2 tay. Được tạm tha, tôi gặp lãnh đạo bưu điện nói tôi bị bắt oan thì được khuyên rằng: đừng thưa kiện gì nữa, không ai nghe, xem xét đâu; hơn nữa tiền bán chiếc xe đạp và tư trang cũng đủ để bồi thường rồi. 

Mất việc ở cơ quan, cánh cửa tương lai đóng sập lại, Hiếu trở về địa phương làm ruộng, sống dằn vặt với bao ánh mắt và những lời dị nghị xung quanh. Sau 3 năm chờ đợi nhưng không thấy cơ quan công an kết luận gì, Hiếu quyết định lập gia đình. Bây giờ thì đã 30 năm, người con gái lớn của ông Hiếu đã là một giáo viên cấp 2, có chồng con ở riêng; người con trai thứ công tác ở sân bay Phú Quốc; người con út đang học đại học năm 3. Trong khi người cha gần 60 tuổi vẫn đeo nỗi oan sai đằng đẵng. 

“Nếu tôi là người không phạm tội thì phải công bố, công khai đừng để tôi phải chịu cảnh hàm oan suốt đời với lý lịch tư pháp là người có tiền án, tiền sự làm ảnh hưởng đến tương lai cả đời con cháu tôi”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Lĩnh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN