170.000 người Nhật biểu tình chống hạt nhân
Được dẫn dắt bởi nhà văn từng đoạt Nobel, Kenzaburo Ore cùng nhiều nhân vật nổi tiếng, 170.000 người Nhật đã tập trung ở công viên Yoyogi, gần khu phố Shibuya tiếng tăm tại Tokyo biểu tình phản đối hạt nhân.
Cuộc biểu tình hòa bình này diễn ra trong ngày quốc khánh của Nhật. Ngoài những "chuyên gia" biểu tình, cuộc biểu tình còn thu hút rất đông đảo những gia đình Nhật chưa một lần biểu tình.
Trong cái nóng của tháng 7, cộng với cờ xí và âm nhạc, những tưởng đây là một lễ hội đường phố nhưng kỳ thực thông điệp của họ gửi đi lại nghiêm túc hơn rất nhiều.
170.000 người là con số do các nhà tổ chức cuộc biểu tình đưa ra. Trong khi đó đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK cho biết số người biểu tình chỉ khoảng 75.000. Còn truyền thông quốc tế như CNN, Reuters nhận định có khoảng 100.000 người tham gia. |
Từ trên sân khấu, nhạc sĩ nổi danh của Nhật Ryuichi Sakamoto đã lớn tiếng kêu gọi chấm dứt năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản. Đám đông biểu tình nhiệt liệt hưởng ứng, hô vang câu nói của Sakamoto và chỉ trích chính phủ.
Sau đó đám đông biểu tình bắt đầu tuần hành trật tự, la lớn các khẩu hiệu chống hạt nhân, khiến giao thông tại khu vực sầm uất này bị ngưng trệ.
Nhạc sĩ 42 tuổi Sakamoto nói: "Đây là lần đầu tiên sau 40 năm người dân Nhật Bản lại xuống đường để cất cao tiếng nói. Thật giận dữ khi các chính sách hạt nhân của chính phủ lấp đầy nước Nhật. Thật là man rợ nếu giữ im lặng sau thảm họa Fukushima".
Đoàn người biểu tình tại công viên Yoyogi, Tokyo - Ảnh: Reuters
Được biết kể từ sau thảm họa sóng thần vào tháng 3/2011 từ đó gây ra thảm họa hạt nhân tại Nhà máy hạt nhân Fukushima, việc biểu tình chống hạt nhân đã trở thành một hoạt động cộng đồng thường xuyên trong đời sống người Nhật.
Mỗi thứ sáu hằng tuần, nhiều người Nhật đều tụ tập trước văn phòng thủ tướng Nhật để phản đối các chính sách hạt nhân. Ngày 6/7, đã có 10.000 biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng. Và càng ngày các cuộc biểu tình càng quy mô hơn, nhất là khi Chính phủ Nhật kích hoạt trở lại nhà máy hạt nhân đầu tiên sau thảm họa Fukushima.
Cuộc biểu tình còn có đại diện của sinh viên đến từ 15 trường đại học lớn của Nhật. Koichiro Mori, sinh viên văn chương tại Đại học Kyoto, nói: "Có gì đó không ổn khi hàng ngàn người biểu tình phản đối bên ngoài tòa nhà thủ tướng nhưng họ vẫn kích hoạt lại các lò phản ứng".
Tatsuko Takahashi, một bà nội trợ 63 tuổi, đã bay từ thành phố Ito đến Tokyo để tham gia cuộc biểu tình, nói: "Sau thảm họa hạt nhân, nhiều đứa trẻ từ Fukushima đã đến thành phố của tôi với rất nhiều vấn đề về sức khỏe như chảy máu cam hay tiểu ra máu. Những vấn đề này chưa bao giờ đến được với truyền thông Nhật, chủ yếu do họ phớt lờ. Do đó chúng tôi đến đây để nói không với hạt nhân".
Một báo cáo mới đây do một nhóm độc lập thực hiện được sự tài trợ từ Quốc hội Nhật cho biết khủng hoảng Fukushima là "thảm họa nhân tạo" và hoàn toàn có thể tránh được.