Vì sao Việt Nam là ưu tiên chiến lược của Mỹ ở khu vực?

Những chuyến thăm nối tiếp nhau của các quan chức cấp cao Mỹ cho thấy Washington đang coi trọng và rất đầu tư vào mối quan hệ Mỹ - Việt Nam.

Ngày mai (24-8), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ rời Singapore và đến thăm Việt Nam theo chương trình công du châu Á kéo dài khoảng một tuần. TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore), nhận định: Quan hệ Việt Nam và Mỹ đang vào giai đoạn thuận lợi nhất trong vòng hơn hai thập niên qua. Đây là nền tảng quan trọng để cả hai nghiên cứu thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới trong tương lai.

Vị thế Việt Nam đang cao nhất trong mắt Mỹ từ năm 1995

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt - Mỹ hiện nay, nhất là khi Mỹ gần đây liên tục có các chuyến thăm và các chính sách tích cực với Việt Nam?

+ TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, quan hệ Việt - Mỹ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Hiện tại, Mỹ đang rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong mắt Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995. Ngược lại, Việt Nam cũng đang rất coi trọng vai trò của Mỹ về mặt kinh tế cũng như an ninh - quốc phòng và chiến lược. Ngoài các lợi ích từ hợp tác kinh tế vốn là nền tảng cho mối quan hệ song phương hơn 25 năm qua, chính sự song trùng lợi ích gia tăng về mặt chiến lược trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức an ninh trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, cũng đang thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam trong tuần này sẽ góp phần vào tiến trình đó. Việc bà Harris đến thăm Việt Nam và Việt Nam là một trong hai điểm đến chính thức của bà trong hành trình ở châu Á (và diễn ra không lâu sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin) cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang dành ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam trong chính sách của họ đối với khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm sẽ tạo điều kiện cho hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin và phát triển quan hệ toàn diện, thực chất hơn.

Ngoài ra, chuyến thăm cũng góp phần tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi chính quyền ông Biden bị một số nhà phân tích cho là đã có phần lơ là khu vực Đông Nam Á trong những tháng đầu cầm quyền. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng quyết liệt, Đông Nam Á nổi lên như một “chiến trường” quan trọng định hình kết cục của cuộc cạnh tranh đó. Mỹ không thể để ảnh hưởng của mình ở khu vực này bị suy yếu. Chính vì vậy, tăng cường hợp tác với những quốc gia nòng cốt ở khu vực như Việt Nam là một lựa chọn không thể bỏ qua.

Vì sao Việt Nam là ưu tiên chiến lược của Mỹ ở khu vực? - 1

Việt - Mỹ nhìn từ lợi ích hai phía

. Cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Việt Nam có khác so với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump trong thời gian trước?

+ Với chính quyền ông Biden, vị trí, vai trò của Việt Nam không những không thay đổi mà có phần còn được nhấn mạnh hơn. Cần nhớ rằng quan hệ Việt - Mỹ đã được thúc đẩy rất mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Barack Obama, vốn cũng là một đại diện của đảng Dân chủ. Hiện tại, đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden, do đó trong mắt họ, Việt Nam càng có vai trò quan trọng hơn. Mặc dù chính sách Việt Nam của chính quyền ông Biden nhìn chung tiếp nối chính sách của chính quyền ông Trump nhưng có hai điều chỉnh cơ bản.

Thứ nhất, chính quyền ông Biden áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt và ít gay gắt hơn, ví dụ như trong vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hay việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Thứ hai, chính quyền ông Biden quan tâm nhiều hơn tới vấn đề hệ giá trị. Việc bà Harris dự kiến gặp gỡ đại diện một số nhà hoạt động xã hội trong chuyến thăm lần này là một ví dụ. Điều này tương tự như chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden sẽ không để vấn đề hệ giá trị gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển quan hệ song phương.

. Về phía Việt Nam, liệu rằng Mỹ sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế - thương mại và đảm bảo an ninh quốc gia, nhất là tại Biển Đông?

+ Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam vì vậy sẽ là một nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng của Mỹ và cũng là một thị trường ngày càng lớn cho hàng xuất khẩu cũng như dòng vốn đầu tư của nước này. Trong bối cảnh đó, quan hệ kinh tế - thương mại song phương vẫn còn nhiều không gian để phát triển.

Về an ninh quốc gia, nhất là vấn đề Biển Đông, Mỹ và Việt Nam chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược ở đây, nhất là trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự quốc tế mở và tự do dựa trên luật lệ. Tất cả điều này được phản ánh qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP) từ thời chính quyền ông Trump mà hiện tại chính quyền ông Biden vẫn đang duy trì.

Từ góc độ đó, Mỹ không chỉ đã ủng hộ các lập trường của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, mà còn hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam thông qua việc tài trợ các tàu tuần tra, tàu cảnh sát biển… Trong thời gian tới, dự kiến các hoạt động hợp tác này vẫn sẽ được duy trì và hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đối phó với các thách thức an ninh mới trên Biển Đông.

Cơ hội nghiên cứu thúc đẩy quan hệ song phương

. Trong các cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề nghị hai nước nên nghiên cứu, nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược trong tương lai. Giới quan sát cho rằng bà Harris sẽ nhắc lại ý tưởng này. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

+ Hiện tại, Việt Nam và Mỹ đang đứng trước một thời điểm thuận lợi để nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Cụ thể, sự thách thức gia tăng trên Biển Đông tạo ra một động lực, cũng như một lý do hợp lý cho một quyết định như vậy. Thực tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc nên nếu thiết lập đối tác chiến lược với Mỹ thì cũng là một điều hết sức bình thường. Tôi tin là không quốc gia nào có quyền và có lý do chính đáng để có những phản ứng tiêu cực đối với vấn đề này.

Nếu nhìn về tương lai, việc thiết lập một khuôn khổ đối tác chiến lược chính thức vẫn rất quan trọng bởi quan hệ song phương muốn phát triển suôn sẻ và thực chất thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý và chính trị chính thức, một sự “chính danh” để làm cơ sở. Ví dụ, nếu không có khuôn khổ đối tác chiến lược, liệu các hoạt động hợp tác an ninh - quốc phòng thực chất giữa hai nước hoặc việc phân bổ ngân sách liên quan từ phía Mỹ, liệu có được các cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ như Quốc hội thông qua?

Ngoài ra, việc thiết lập đối tác chiến lược cũng khẳng định sự coi trọng mà hai nước dành cho nhau. Động thái này cũng gửi đi một thông điệp ý nghĩa là Việt Nam luôn bảo vệ và đề cao sự tự chủ chiến lược của mình, Việt Nam không chấp nhận sức ép, can thiệp của các nước khác, bất kể nước đó là ai, khi điều đó đi ngược lại lợi ích quốc gia của Việt Nam. Vì vậy, theo tôi, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên mức đối tác chiến lược hiện nay là hợp lý về mặt thời điểm và phù hợp với lợi ích quốc gia của hai nước.

. Xin cám ơn ông.

Việt Nam có nhiều lợi ích từ “ngoại giao vaccine” của Mỹ

Lĩnh vực hợp tác y tế, nhất là phòng chống dịch COVID-19 cũng đang nổi lên như là một ưu tiên trong quan hệ hai nước Việt - Mỹ. Mỹ cũng đang ưu tiên Việt Nam hơn so với các đối tác khác trong khu vực trong việc hỗ trợ chống dịch. Ví dụ, vừa qua Mỹ đã viện trợ hơn 5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam, đây là nguồn viện trợ vaccine song phương lớn nhất của Việt Nam cho đến nay. Đặc biệt, các khoản viện trợ của Mỹ không đi kèm điều kiện. Nhìn tổng thể toàn thế giới thì Việt Nam cũng là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ chính sách “ngoại giao vaccine” của Mỹ.

Ngoài ra, trong chuyến thăm của bà Harris, Mỹ cũng sẽ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đặt tại Việt Nam. Đây là một biểu hiện nữa cho thấy Mỹ ngày càng coi trọng Việt Nam trong chiến lược của mình. Nó cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra những tác động nghiêm trọng, kéo dài ở nước ta.

TS LÊ HỒNG HIỆP 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao: "Việt Nam không liên kết nước này chống nước khác."

Chiều 19-8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết chương trình chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam đang được các cơ quan liên quan của Việt Nam và Mỹ tích cực thu xếp. Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp hai nước đều nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trước đó (5-8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và trao đổi đoàn. Chúng tôi hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ, đến thăm Việt Nam.” Trả lời báo chí về quan điểm ngoại giao của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước khác…

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoại trưởng Singapore lý giải vì sao Phó Tổng thống Mỹ thăm Singapore, Việt Nam

Theo Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam là "tương đối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN