Vì sao Mỹ phải tránh thúc đẩy can thiệp quân sự vào Niger?

Tới thăm Niger vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố quốc gia Tây Phi này là một "mô hình dân chủ". Nhưng phương Tây  đã tự lừa dối khi cho rằng Niger đang trên đà ổn định. Cuộc đảo chính đã chứng minh điều ngược lại. 

Tổng thống Niger bị phế truất Mohamed Bazoum vẫn bị giam lỏng tại dinh thự. Ảnh: North Africa Post

Tổng thống Niger bị phế truất Mohamed Bazoum vẫn bị giam lỏng tại dinh thự. Ảnh: North Africa Post

Ngày 26/7, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lực lượng an ninh bảo vệ tổng thống bắt giữ tại dinh tổng thống. Hai ngày sau, tướng Abdourahmane Tchiani, lãnh đạo phe đảo chính, tuyên bố là người đứng đầu chính quyền quân sự chuyển tiếp.

Tới cuối tháng 8, ông Bazoum vẫn bị giam lỏng tại dinh tổng thống, trong khi Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đang chuẩn bị can thiệp quân sự. Phớt lờ hạn chót khôi phục chính phủ dân sự của ECOWAS đưa ra, phe đảo chính cảnh báo, bất cứ nỗ lực can thiệp quân sự nào của nước ngoài vào Niger sẽ vấp phải sự chống trả và "không dễ như đi dạo trong công viên". 

Đảo chính từng không ít lần xảy ra ở Niger. Trong 6 thập kỷ qua, quốc gia Tây Phi này trải qua 5 cuộc đảo chính. Nhưng cuộc binh biến gần nhất không giống những lần trước. Nó diễn ra chỉ 2 năm sau cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên ở Niger - quốc gia được nhiều người coi là thành trì cuối cùng của phương Tây chống chủ nghĩa khủng bố ở vùng Sahel (khu vực ở phía nam sa mạc Sahara).

Tới thăm Niger vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố quốc gia Tây Phi này là một "mô hình dân chủ". Nhưng phương Tây đã tự lừa dối khi cho rằng Niger đang trên đà ổn định. Cuộc đảo chính cuối tháng 7 đã cho thấy điều ngược lại. 

Theo tạp chí Mỹ Foreign Affairs, cuộc khủng hoảng này dường như là tất yếu. Trong thập kỷ qua, những nỗ lực nhằm ổn định vùng Sahel, do Pháp dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn, đã làm suy yếu dần các thể chê dân sự trong vùng và không thể đảm bảo an ninh. 

Điều này dẫn đến các cuộc đảo chính quân sự ở 4 trong số 5 nước vùng Sahel. Sau khi bị phương Tây từ chối ủng hộ, chính quyền quân sự ở 2 trong số 4 nước vùng Sahel (Mali và Burkina Faso) đã chuyển hướng sang Nga để được hỗ trợ an ninh.

Phương Tây đánh giá cao Tổng thống Bazoum nhưng không xét đến thực tế ở Niger, nơi ông này phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng gia tăng kể từ khi nhậm chức năm 2021. 

Hiện tại, có nhiều thứ bị đe dọa hơn ở cuộc đảo chính này so với những lần binh biến trước đó. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger tiếp tục tiến tới chiều hướng xấu đi khi chính quyền quân sự hủy bỏ các thỏa thuận phòng thủ ký với Pháp, đồng thời được cho là có liên hệ với tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga để thảo luận hình thức hợp tác khả thi. 

Ở biên giới Niger, các nhóm liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp tấn công. Trong khi đó, 2 thủ lĩnh phiến quân từng liên minh với Tổng thống bị phế truất Bazoum đã phát động các phong trào vũ trang mới đòi khôi phục chính quyền dân sự. 

ECOWAS cho biết vẫn ưu tiên giải pháp thương lượng nhưng cũng tuyên bố đã xác định "ngày can thiệp" vào Niger nếu giải pháp thương lượng thất bại. Pháp bày tỏ quan điểm ủng hộ ECOWAS. Nhiều nhà quan sát cho rằng Mỹ sẽ hành động giống như Pháp nhưng cho đến nay Washington đã khuyến khích hòa giải, thừa nhận rằng can thiệp quân sự vào Niger có thể gây xung đột mới giữa các phe phái trong khu vực. Theo tạp chí Foreign Affairs, Washington nên duy trì quan điểm này và nỗ lực ngăn chặn chiến tranh.

"Pháo đài dân chủ cuối cùng" ở Sahel

Căng thẳng trong nước là nguyên nhân trực tiếp gây ra đảo chính ở Niger. Nhưng cuộc khủng hoảng chính trị này cũng là đỉnh điểm của một thập kỷ với các chính sách ổn định không được xem xét kỹ lưỡng mà nước ngoài áp đặt vào vùng Sahel. 

Năm 2013, khi các nhóm thánh chiến dường như sẵn sàng chiếm Bamako, thủ đô của Mali, Pháp đã gửi hàng nghìn binh sĩ tới đây. Dù người Pháp đã loại bỏ một số thủ lĩnh thánh chiến hàng đầu, nhưng việc truy quét những kẻ này đẩy các chiến binh thánh chiến lan rộng khắp miền trung Mali và tiến vào khu vực biên giới giữa Mali, Niger và Burkina Faso. 

Phớt lờ những lời kêu gọi đối thoại chính trị ở vùng Sahel, Pháp đã giữ vai trò to lớn trong đảm bảo an ninh và chính trị của nhiều quốc gia trong vùng Sahel.

Binh sĩ Pháp ở Mali. Ảnh: PM News

Binh sĩ Pháp ở Mali. Ảnh: PM News

Cuối thập niên 2010, đối mặt với các cuộc nổi dậy ngày càng lan rộng ở nông thôn, Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chống khủng bố với các lực lượng dân quân sắc tộc liên kết với chính phủ Mali. Khi căng thẳng sắc tộc gia tăng, các dân quân tàn sát dân thường. Nhiều cộng đồng phải tự trang bị vũ khí để tự vệ. 

Bạo lực lan rộng không ngừng đã khiến nhiều người dân vùng Sahel phản kháng với các nhóm hoặc chính quyền hợp tác với Pháp. Các binh sĩ từ chối tham gia vào các nhiệm vụ, trong khi người dân ngày càng coi các nhà lãnh đạo là những người được Paris ủy nhiệm. 

Bạo lực gia tăng và tinh thần chống Pháp ngày càng mạnh dẫn đến các cuộc đảo chính quân sự ở Mali năm 2020 và Burkina Faso năm 2022. Tháng 8/2020, khi mối quan hệ với chính quyền Bamako rạn nứt, Pháp rút hoàn toàn lực lượng khỏi Mali. 

Tuy nhiên, Paris không đưa số binh sĩ đó về nước mà điều động họ đến Niger, nơi cuộc bầu cử cuối năm 2020 đầu năm 2021 được ca ngợi là phép lạ - vì chỉ sau một đêm đã tạo ra "pháo đài dân chủ cuối cùng" ở vùng Sahel. Niger khi đó mang theo kỳ vọng của phương Tây về một vùng Sahel ổn định. 

Đặt cược

Đặt kỳ vọng cao vào chính quyền dân sự Niger nhưng phương Tây đã bỏ qua việc có bao nhiêu người Niger coi cuộc bầu cử cuối năm 2020 là một màn kịch. Bazoum nổi lên như một ứng viên "tay trong" của Tổng thống Niger khi đó, ông Mahamadou Issoufou. Ông Issoufou thậm chí còn "dọn đường" để ông Bazoum nhậm chức suôn sẻ khi bắt giữ đối thủ chính của ông Bazoum vì cáo buộc giả liên quan đến buôn bán trẻ em. 

Tháng 2/2021, khi truyền thông nhà nước loan tin về chiến thắng sít sao của ông Bazoum, hàng trăm người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường tuyên bố kết quả bầu cử là gian lận. Cảnh sát Niger đã bắt giữ gần 500 người và cắt Internet trong nhiều tuần. 

Hầu hết người Niger không kỳ vọng có nhiều thay đổi dưới chính quyền của ông Bazoum. Vị Tổng thống này được cho là dung túng cho nạn tham nhũng và duy trì các chính sách đàn áp từ thời người tiền nhiệm Issoufou. Việc ông Bazoum cho phép Pháp biến Niger thành căn cứ mới cho các hoạt động quân sự ở Sahel được cho là quyết định có thể gây tác động xấu đến vị Tổng thống Niger này nhất.

Lãnh đạo phe đảo chính ở thủ đô Niamey, Niger, tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo phe đảo chính ở thủ đô Niamey, Niger, tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

Để củng cố vị thế ở vùng Sahel, nửa cuối năm 2022, Pháp triển khai thêm 1.000 quân tới Niger. Tổng thống Bazoum khi đó cũng nhận từ Paris 70 triệu euro bổ sung tiền tài trợ và khoản vay mới để mua thực phẩm cùng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là một thỏa thuận mạo hiểm với ông Bazoum khi ông dám đặt cược rằng có thể đảm bảo giữ kín sự hiện diện của quân đội Pháp. Vụ đặt cược này cũng củng cố vị thế "con cưng" của ông Bazoum với phương Tây.

Mỹ cần một Niger ổn định và thân thiện nên Washington cũng phát triển các lợi ích an ninh đáng kể ở đây. Washington sử dụng một căn cứ không quân của CIA ở thị trấn Dirkou (Niger) để giám sát ở miền nam Libya. Mỹ còn đầu tư hơn 100 triệu USD vào một căn cứ không quân ở thành phố Agadez, miền bắc Niger, để mở rộng khả năng tình báo của Mỹ trong khu vực. Mỹ cũng duy trì khoảng 1.000 binh sĩ ở các căn cứ này và thủ đô Niamey của Niger. 

Các động thái của Mỹ có "sức nặng" ở Sahel

Hannah Rae Armstrong, một cố vấn chính sách có nhiều năm nghiên cứu về Bắc Phi và vùng Sahel, cho rằng đường hướng hiện tại của Washington về cuộc khủng hoảng Niger (thúc đẩy ngoại giao) là phù hợp. Armstrong cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải tránh ủng hộ can thiệp quân sự.

Việc một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây sẽ nổ ra ở Sahel là điều không thể tránh khỏi nếu có can thiệp quân sự. Trên thực tế, một sự can thiệp quân sự vào Niger chỉ tăng thêm khả năng Nga can thiệp sâu hơn vào khu vực, Armstrong nhận định. 

Chính quyền quân sự Niger tỏ ra quan tâm đến việc hợp tác với Nga, nhưng tới nay, Moscow vẫn chưa có quyết định hay tuyên bố chính thức nào về việc này. Theo Armstrong, trong trường hợp quân đội nước ngoài đối đầu chính quyền quân sự Niger, Nga có thể sẽ có động thái thể hiện cam kết bảo vệ các đối tác châu Phi.

Một trở ngại lớn để Washington duy trì đường hướng này là bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger một cách hòa bình đều có thể buộc Mỹ phải công nhận chính quyền quân sự. 

Trước mắt, sự công nhận (nếu xảy ra) sẽ xung đột với chính sách đối ngoại hướng của Tổng thống Mỹ Biden. Nhưng nó sẽ có ý nghĩa với người Niger khi một cường quốc phương Tây cuối cùng cũng thừa nhận mong muốn của họ là thấy một cách tiếp cận dựa trên ngoại giao, mà không phải thêm quân đội nước ngoài tới Niger. 

Để có một giải pháp hòa bình mang lại lợi ích lâu dài, Mỹ phải khẩn trương tập trung chú ý vào giải quyết 2 thách thức. Thứ nhất, cách tiếp cận an ninh (thông qua đối thoại) của Tổng thống bị phế truất Bazoum ở biên giới 3 nước Niger, Mali và Burkina Faso đang trên bờ vực sụp đổ. Khi binh sĩ Niger tập trung về Niamey, quân nổi dậy đã tận dụng lỗ hổng để thực hiện các vụ tấn công ở biên giới.

Chính quyền quân sự Niger có thể cho rằng chiến lược an ninh dựa trên đối thoại là quá mềm mỏng và sẽ lựa chọn đi theo con đường cứng rắn hơn như Mali và Burkina Faso - tuyển quân để tăng cường sức mạnh cho lực lượng dân quân, đối đầu quân nổi dậy.

Mỹ giúp đào tạo binh sĩ Niger năm 2006. Ảnh: Sean Worrell

Mỹ giúp đào tạo binh sĩ Niger năm 2006. Ảnh: Sean Worrell

Mỹ từng điều hành các chương trình đào tạo cho các sĩ quan quân đội Niger nên nước này có quan hệ chặt chẽ với một số tướng lĩnh quân đội. Bằng cách thuyết phục những tướng lĩnh này về chiến lược tiếp cận của ông Bazoum, Washington nên khuyến khích duy trì các chính sách an ninh đã mang lại hiệu quả. 

Thứ hai, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ nổi dậy ở phía bắc Niger. Giới tinh hoa kinh tế, chính trị và quân sự phía bắc có mối liên hệ thân thiết với Tổng thống bị phế truất Bazoum và người tiền nhiệm của ông này. 

Tuy nhiên, về cơ bản, Niamey chưa bao giờ thực hiện toàn bộ cam kết của mình trong thỏa thuận hòa bình năm 1995 - chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 năm với quân nổi dậy phía bắc. Đặc biệt là lời hứa giúp người dân phía bắc Niger thu được lợi nhuận từ nguồn tài nguyên uranium dồi dào. Hiện tại, 2 thủ lĩnh trung thành với ông Bazoum đã mở các mặt trận nổi dậy mới, tìm kiếm vũ khí, tân binh và sự hậu thuẫn của nước ngoài để đối đầu chính quyền quân sự. 

Một thế hệ phiến quân phía bắc mới đầy tiềm năng có thể dễ dàng tiếp cận với vũ khí và nguồn tiền từ việc khai thác uranium, buôn ma túy. Các chuyên gia cho rằng Washington nên tận dụng lời đề nghị công nhận hoặc tiếp tục hợp tác quân sự để thúc giục chính quyền quân sự Niger đưa các thủ lĩnh phía bắc vào bộ máy chính quyền mới. Điều này sẽ giúp trấn an các cộng đồng phía bắc. 

Các động thái của Mỹ có "sức nặng" ở vùng Sahel. Khác với Pháp, Mỹ vẫn có danh tiếng và tầm ảnh hưởng trong khu vực này. Người dân địa phương và các quan chức coi việc Washington triển khai và duy trì binh sĩ kín đáo ở Niger là cơ hội cho quan hệ đối tác hơn là gây rối. Washington không nên phá vỡ thiện cảm đó bằng cách tránh lặp lại sai lầm của Paris.

______
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Hannah Rae Armstrong, một cố vấn chính sách có nhiều năm nghiên cứu về Bắc Phi và vùng Sahel, đồng thời là cây viết của tạp chí Mỹ Foreign Affairs.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiềm lực quân sự khối Tây Phi áp đảo Niger, can thiệp liệu có dễ?

Xét về quân số và ngân sách, lực lượng quân sự của khối Tây Phi sẽ lấn áp so với quân đội Niger, ngay cả khi Niamey nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền quân sự Mali và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Foreign Affairs ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Niger Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN