Ukraine trong “chiếc gương cong”

Thỏa thuận hòa bình mà Nga, Pháp, Đức và Ukraine ký kết vừa qua đang bị đình trệ và có nhiều biểu hiện đã đi chệch lộ trình, khiến Ukraine khó có thể bình yên trong hòa bình.

Hơn 1 tuần sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk có hiệu lực, đến ngày 24.2, vẫn không thể có được lệnh ngừng bắn toàn diện ở miền Đông Ukraine. Các cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai miền Đông tiếp tục nổ ra khiến thỏa thuận này có nguy cơ bị phá vỡ. Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine gặp nhau vào ngày 24.2 tại Paris trong một nỗ lực nhằm đưa thỏa thuận hòa bình đang bị đình trệ giữa chính quyền trung ương Kiev với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine quay trở lại đúng lộ trình.

Rối như canh hẹ

Ukraine trong “chiếc gương cong” - 1

Một người lính quân đội Ukraine ngồi trên xe tăng tại Artemivsk ngày 23.2.  AP

Ông Anatoly Stelmach- đại diện quân sự của chính quyền Kiev ngày 23.2 tuyên bố, Kiev sẽ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến ở Donbass, miền Đông Ukraine, chỉ khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ một cách tuyệt đối.

Ông Stelmach nhấn mạnh hiện nay các bên xung đột tại khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine chưa tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, bước đi đầu tiên trong thỏa thuận hòa bình mà các bên đạt được tại thủ đô Minsk.

Trước đó, ngày 22.2 phe ly khai miền Đông tuyên bố bắt đầu giai đoạn chuẩn bị cho việc rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến sự, và đến ngày 24.2 sẽ thực hiện công tác này.

Theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký kết ngày 12.2, hai bên xung đột ở Ukraine gồm lực lượng đòi độc lập tại miền Đông và quân đội Kiev phải tuân thủ văn bản này, rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến từ ngày 17.2 và hoàn thành tiến trình này vào ngày 3.3 tới. Mặc dù lệnh ngừng bắn trên đã có hiệu lực từ cuối tuần trước, song đến nay các bên tại Ukraine vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận đã ký. Sau thất bại thảm hại ở chảo lửa Debalseve, hiện quân đội chính phủ Ukraine tăng cường phòng thủ dày đặc ở thành phố Mariupol, chỉ cần phe ly khai động binh, những gì xảy ra tiếp theo sẽ vô cùng khủng khiếp.

Báo chí Ukraine đưa tin, trong khi tràn đầy sự thất vọng về chính phủ đầy tham nhũng và cực đoan, người dân Ukraine lại nhớ về một chính phủ dưới thời của ông Yanukovich đã bị lật đổ bởi cuộc binh biến vừa qua. Ở thời điểm đó, hai bên Nga và châu Âu vẫn được cân bằng và đời sống người dân sung túc hơn hiện nay rất nhiều mà lại không có chiến tranh và đổ máu.

Nhiều người dân bi quan đã lên tiếng đổ lỗi cho chính quyền Kiev đã đẩy đất nước đừng trên bờ vực thẳm như hiện nay. Họ ví von hình ảnh Ukraine hiện tại giống như câu chuyện về chiếc gương cong: Ở một thành phố nọ có cô bé Olya chẳng bao giờ vâng lời bà ngoại. Olya ngắm nghía mình trước gương và cô bé nhận thấy một ma lực nào đó kéo tuột mình vào trong gương, thế rồi Olya gặp bản sao của chính mình, đó là cô bé Yalo. Yalo đã dẫn Olya đến vương quốc của những chiếc gương cong - xứ sở không thể tìm thấy bất cứ một chiếc gương bình thường nào cả, bởi cái ác và sự dối trá đang ngự trị khắp vương quốc.

Vương quốc nằm dưới sự cai trị của Quốc vương Yagupop 77- vô cùng hợm hĩnh và nhút nhát. Những kẻ quyền thế nơi đây không bao giờ muốn thấy những hình ảnh thật của chính mình, bởi thế, họ luôn tìm cách bóp méo sự thật và tỏ ra thích thú với những hình ảnh đẹp hơn về mình được phản chiếu trong những chiếc gương cong biết nịnh hót. Tuy nhiên, trên toàn cõi chỉ có duy nhất người thợ kim hoàn Gurd có thể chế tạo ra những chiếc gương dối trá, nhưng vì không chịu đem bàn tay tài hoa ra phục vụ các thế lực đen tối nên ông phải chịu cực hình và bị nhốt trong tháp canh kiên cố do người khổng lồ đứng gác, muốn vào đó phải có chiếc chìa khóa vàng…

Nga không thể nhượng bộ

Dù Nga là bên đóng góp rất nhiều cho việc ký kết các thỏa thuận mới đây ở Minsk để giải quyết tình hình Ukraine, song Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa gia tăng biện pháp trừng phạt Nga. Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23.2 đã tuyên bố, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận nghiêm túc về triển vọng áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Nga với lý do tình hình Ukraine không có biến chuyển tích cực. Ông Kerry khẳng định, các nước đồng minh phương Tây sẽ có biện pháp bổ sung trong trường hợp lệnh ngừng bắn ở Ukraine bị vi phạm. Thủ tướng Đức Merkel cũng tuyên bố, nếu lệnh ngừng bắn không được tôn trọng, EU sẽ có biện pháp cấm vận nước Nga.

Bình luận về điều này, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời nhà chính trị học Sergei Karaganov, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới (Trường Cao học Kinh tế Nga) rằng các sự kiện ở Ukraine là cái cớ để Mỹ và các quốc gia công kích Nga, còn nguyên nhân thực sự nằm trong cuộc khủng hoảng quan hệ sâu sắc giữa Nga và phương Tây. Ông Karaganov lưu ý rằng 25 năm sau Chiến tranh Lạnh, thế giới lại đứng trước mối nguy hiểm: Châu Âu đối mặt với nguy cơ chia rẽ và suy yếu, thậm chí là cuộc chiến lớn.

Ông Karaganov cũng nói, để hóa giải bất đồng giữa phương Tây và Nga nhằm tránh xảy ra một “cuộc chiến tranh lạnh”, hay “một cuộc chiến tranh nóng”, các bên phải khởi động thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn và vô tư.

Theo ông Karaganov, 25 năm qua, Nga và phương Tây không làm điều này. Nga cho rằng phương Tây áp đặt hệ thống an ninh phi lý với lý do họ là người chiến thắng trong chiến tranh lạnh. Ông Karaganov nhấn mạnh: “Nga và phương Tây phải thảo luận các phương án tháo gỡ thông qua một cuộc đối thoại chung, dựa trên việc nhận thức nguyên nhân những sai lầm của chúng ta và tại sao chúng ta có thể để hòa bình tuột khỏi tay sau những năm chiến tranh lạnh".

Ông Karaganov nói phương Tây đã nhận thức được những sai lầm. Cách đây vài tháng, không ai có thể hình dung việc Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Holland sẽ tới Matxcơva thảo luận về vấn đề Ukraine. Ông Karaganov khẳng định Nga không thể nhượng bộ trong vấn đề Ukraine. Việc Nga chùn bước sẽ bị coi là “biểu hiện của sự yếu đuối và là tín hiệu để phương Tây tiếp tục lấn ép Nga”.

Trong khi đó, Ủy ban Quốc hội Anh đặc trách châu Âu ngày 20.2 đưa ra một lời nhận xét nghiêm khắc rằng Brussels và London đã phạm những "sai lầm thảm khốc" trong chính sách trợ giúp Ukraine và trong mối quan hệ với Nga. Thay vì nhận định tình thế sáng suốt, phương Tây đã lao vào ván cờ địa chiến lược bằng những toan tính không sáng suốt, khôngphân tích chính xác tình hình, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Những ngày này, người dân Ukraine không chỉ mệt mỏi vì những thông tin truyền đi đa chiều và đa dạng về tình hình ở miền Đông, mà còn cảm thấy vô cùng bi quan về tình hình kinh tế đất nước. Liệu tương lai của Ukraine có thể thoát ra khỏi những “chiếc gương cong” được hay không? Người dân Ukraine đang mòn mỏi chờ câu trả lời.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hồng Hải (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN