Trung Quốc quản hoạt động từ thiện của nghệ sĩ ra sao?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Từ năm 2021, hoạt động thiện nguyện của người nổi tiếng, giới tỷ phú càng sôi nổi khi Trung Quốc thực hiện chính sách “thịnh vượng chung”.

13 năm qua, các hoạt động từ thiện tại Trung Quốc phát triển mạnh. Bước ngoặt là năm 2008 - thời điểm xảy ra hàng loạt thảm họa nghiêm trọng như động đất ở Tứ Xuyên và Thế vận hội Bắc Kinh.

Chỉ trong 1 năm, tổng số tiền từ thiện được thống kê tăng 30 lần, lên 16,1 tỷ USD, trong đó giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, mức độ phát triển nhanh kéo theo nhiều vấn đề tiêu cực như: Trục lợi cá nhân, tham nhũng, rửa tiền... buộc nhà chức trách Trung Quốc phải siết chặt quản lý.

Nữ ca sĩ Hàn Hồng cùng đội thiện nguyện đi trao hàng hóa cứu trợ tới TP Trịnh Châu

Nữ ca sĩ Hàn Hồng cùng đội thiện nguyện đi trao hàng hóa cứu trợ tới TP Trịnh Châu

Phát triển cả chất và lượng

Theo nghiên cứu của Hệ thống Từ thiện - Rủi ro Châu Á (AVPN) và Quỹ Rockefeller, tính đến năm 2018, tổng số tiền từ thiện tại Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD.

Trong đại dịch Covid-19 khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phải thực hiện phong tỏa kiểm soát dịch bệnh, rất nhiều người nổi tiếng đã trở thành anh hùng vì tích cực và hào phóng trong thiện nguyện.

Hàn Hồng, ca sĩ nổi tiếng gốc Tây Tạng, người sáng lập quỹ từ thiện mang tên cô là một trong số ít người được tôn vinh như những người hùng dân tộc. Gần như không có vụ thiên tai nào vắng mặt đội thiện nguyện của “chị đại” Hàn Hồng.

Riêng trong dịch Covid-19, Hàn Hồng cùng hàng trăm người nổi tiếng khác, gây quỹ hơn 19 triệu USD để ủng hộ chương trình chăm sóc y tế tại Vũ Hán - nơi bùng phát dịch đầu tiên trên thế giới.

Từ năm 2021, hoạt động thiện nguyện của người nổi tiếng, giới tỷ phú càng sôi nổi khi Trung Quốc thực hiện chính sách “thịnh vượng chung”, coi hoạt động từ thiện là một giải pháp hữu hiệu giúp phân phối, cân bằng của cải từ đại gia đến những người nghèo khó.

Song song với tăng trưởng về số lượng, chất lượng các hoạt động thiện nguyện của Trung Quốc cũng tăng cao. Theo nghiên cứu trên trang China Development Brief, trước đây đa phần các nỗ lực từ thiện khá thiếu chuyên nghiệp, chỉ đơn giản là đóng góp tiền/hàng hóa, thiếu tổ chức, thông tin kém minh bạch dẫn tới không hiệu quả, tham nhũng nội bộ. Nay, hoạt động từ thiện của người nổi tiếng Trung Quốc đã chuyên nghiệp và có hệ thống hơn.

Khi tham gia vào công tác xã hội, người nổi tiếng không chỉ đóng góp hay kêu gọi thay mặt một tổ chức nào mà còn tham gia vào phân tích sâu các nhu cầu của xã hội, kết hợp với người nổi tiếng khác để tạo ra các quỹ chuyên biệt, đầu tư vào chương trình phát triển của xã hội.

Phân rõ nền tảng, trách nhiệm

Nữ ca sĩ Hàn Hồng trong một hoạt động từ thiện

Nữ ca sĩ Hàn Hồng trong một hoạt động từ thiện

Để nâng cao tính minh bạch, chống tham nhũng... tháng 9/2016, Trung Quốc đã công bố luật quản lý hoạt động từ thiện, theo Global Policy Watch.

Trong đó, Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố quy định đăng ký tổ chức từ thiện, nêu rõ yêu cầu với từng loại tổ chức (quỹ, nhóm xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội).

Bộ này cũng công bố tiêu chí để công nhận tổ chức từ thiện, nêu cụ thể các điều kiện mà một tổ chức phải đáp ứng để có thể chính thức được coi là tổ chức từ thiện (như không tìm kiếm lợi ích trong quá trình hoạt động). Các tổ chức bị phạt trong vòng 2 năm đều bị loại.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các Bộ khác xây dựng tiêu chí đối với các nền tảng trực tuyến phục vụ gây quỹ cộng đồng.

Theo thông báo tháng 8/2016, một số nền tảng gây quỹ trực tuyến được phê duyệt bao gồm Tencent (đơn vị sử dụng mạng xã hội Wechat), trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao, báo Tân Hoa Xã và công cụ tìm kiếm Baidu.

Theo đó, các đơn vị vận hành nền tảng gây quỹ phải xác minh tình trạng từ thiện của những tổ chức sử dụng nền tảng và kịp thời báo cáo những hành vi sai phạm.

Đồng thời, Trung Quốc cũng áp thêm các quy định đòi hỏi tính minh bạch khắt khe hơn. Chẳng hạn, các tổ chức được cấp phép gây quỹ công khai phải nộp kế hoạch gây quỹ lên Sở Nội vụ địa phương 10 ngày trước khi bắt đầu chiến dịch.

Toàn bộ thông tin về số tiền đóng góp, vật tư ủng hộ của tất cả tổ chức từ thiện từ tư nhân đến chính phủ đều phải công khai rõ ràng. Hành động này giúp người dân có thể giám sát tính minh bạch trong việc kiểm toán, giải ngân.

Trong quá trình thực thi pháp luật, khi phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý sẽ sắp xếp cuộc họp với đại diện của tổ chức, đưa ra những phương án khắc phục kịp thời.

Điển hình như cách Bộ Nội vụ Trung Quốc nhanh chóng xử lý thông tin cáo buộc quỹ từ thiện của ca sĩ Hàn Hồng kể trên.

Năm 2020, Hàn Hồng bị blogger Tư Mã Tam Kỵ gửi đơn thư lên Bộ Nội vụ, tố quỹ từ thiện của ca sĩ gốc Tây Tạng ăn chặn hơn một nửa trong khoản quyên góp 38,5 triệu USD cho tâm dịch Covid-19 Vũ Hán, không công khai báo cáo hoặc thông tin về các khoản hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật.

Và chỉ trong 1 tuần, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ra thông báo chính thức kết quả điều tra khẳng định rõ Quỹ Từ thiện Tình thương Hàn Hồng tương đối tuân thủ quy định pháp luật và có đóng góp quan trọng trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

Song, Bộ này cũng chỉ ra một số vấn đề của quỹ từ thiện Hàn Hồng như chưa công khai đúng thời gian quy định, thực hiện gây quỹ khi chưa được duyệt kế hoạch.

Một ngày sau, quỹ Hàn Hồng ra thông cáo báo chí thừa nhận thiếu sót và cam kết sẽ sửa đổi.

Cách xử lý nhanh, điều tra rõ ràng sẽ khiến người làm từ thiện từ tâm được minh oan, có động lực để tiếp tục hoạt động đồng thời giữ trọn niềm tin của cộng đồng đối với nét đẹp của hoạt động thiện nguyện.

Bên cạnh pháp luật, sự phát triển của mạng xã hội, sự giám sát khắt khe hơn của dư luận Trung Quốc với người nổi tiếng khiến những người trục lợi trên niềm tin của công chúng khó có thể thoát khỏi “lưới trời”.

Chính cư dân mạng là người phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động quyên góp không minh bạch của rapper Hài Tử Vương hồi tháng 7 vừa qua.

Hài Tử Vương chỉnh sửa ảnh chụp màn hình chuyển khoản 2.700 USD tiền cứu trợ cho người dân lũ lụt tại Hà Nam. Họ lần theo mã số trên giao dịch và phát hiện rapper này chỉ quyên góp 15 USD.

Chưa cần tới cơ quan chức năng vào cuộc, người hâm mộ đã khiến nam rapper 23 tuổi phải trả giá đắt vì hành động lợi dụng từ thiện. Dư luận Trung Quốc dậy lên làn sóng kiên quyết tẩy chay Hài Tử Vương và nam rapper cũng bị loại khỏi chương trình “Rap of China 2021” nổi tiếng.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Trung Quốc xoá sổ dữ liệu hàng loạt ngôi sao nổi tiếng bậc nhất?

Với Trung Quốc, văn hoá đại chúng, hâm mộ người nổi tiếng quá mức là vấn đề vô cùng lớn ảnh hưởng tới ý thức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN