Triều Tiên: Tràn lan ma túy đá

Ở Triều Tiên, tình trạng sử dụng ma túy đá rất phổ biến, đến mức nhiều người coi nó như thuốc chữa bách bệnh.

Một thanh niên Triều Tiên 25 tuổi biết rằng sẽ không còn đường quay lại một khi anh băng qua dòng sông Đồ Môn băng giá dọc biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Đó là một ngày tháng 2 năm 2009 và anh biết rằng phải nhanh chóng vượt sông để tránh sự phát hiện của lính tuần tra Triều Tiên và Trung Quốc.

Anh nói rằng chỉ có một thứ có thể đem lại cho anh sự sáng suốt này, đó chính là ma túy đá.

Người thanh niên đào tẩu khỏi Triều Tiên hiện giờ đang sống ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc này tâm sự: “Tôi hít khoảng mười ‘phát’ trước khi vượt sông. Tôi cảm thấy thực sự tập trung, tất cả những gì tôi có thể nghĩ được lúc đó là chạy, chạy và chạy. Tôi đã không ngủ được suốt 2 ngày sau đó.”

Trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc, người thanh niên giấu tên này cho biết anh đã sử dụng một loại ma túy có tên là “bingdu” hay “đá” ở Triều Tiên trong suốt 3 năm trời. Anh nói rằng loại ma túy này rất dễ kiếm bởi những người bán ma túy đầy rẫy trên các đường phố quê anh ở Hamhung, tỉnh Hamgyung.

Anh và bạn bè của mình ở Triều Tiên thường phê ma túy trước bữa tối và loại ma túy này giúp họ tỉnh táo suốt cả đêm. Anh nói: “Hít ‘đá’ rất phổ biến trong xã hội và nó rất thú vị.”

Triều Tiên: Tràn lan ma túy đá - 1

Ma túy đá được sử dụng rất phổ biến trong xã hội Triều Tiên (Ảnh minh họa)

Theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí North Korea Review năm 2013, Triều Tiên hiện đang phải đối mặt với một “đại dịch ma túy”.

Nghiên cứu này lý giải vì sao trong vài năm gần đây ma túy đá từ những nhà máy do chính phủ kiểm soát đã được người dân Triều Tiên tự sản xuất trong những phòng thí nghiệm ngầm hoặc trong các “căn bếp gia đình”.

Theo bài báo này, đây không phải là lần đầu tiên một loại ma túy vốn được sản xuất để phục vụ mục đích xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác cuối cùng lại quay trở lại tràn ngập thị trường nội địa Triều Tiên.

Trong thập niên 1990, thuốc phiện là loại ma túy phổ biến nhất ở Triều Tiên, tuy nhiên đến giữa thập niên 2000, những cánh đồng thuốc phiện bắt đầu biến mất và ma túy đá lan tràn trên đất nước này.

Cũng như hầu hết các thông tin liên quan đến Triều Tiên, Bình Nhưỡng thường không đưa ra con số thống kê chính thức về tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp ở nước này. Đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra con số về mức độ phổ biến của ma túy đá ở Triều Tiên.

Tác giả Kim Seok-hyang của nghiên cứu này cho biết: “Hầu hết những người trưởng thành ở Triều Tiên đều từng sử dụng ma túy đá không chỉ một lần. Tôi ước tính ít nhất 40 đến 50% người trưởng thành Triều Tiên nghiện ma túy đá ở mức độ nghiêm trọng.”

Người Triều Tiên thường sử dụng ma túy đá như một phương án thay thế rẻ tiền cho các loại thuốc chữa bệnh ngày càng khó tìm. Phóng viên Jason Strother của tờ The World cho biết: “Nhiều người Triều Tiên dùng ma túy đá làm thuốc chữa bệnh. Hệ thống bệnh viện ở đây ngày càng xuống cấp và họ không có nhiều thuốc để dùng.”

Phóng viên này cho biết người dân Triều Tiên dùng ma túy đá như một thần dược chữa bách bệnh, từ giảm đau cho tới trị mụn. Một cô gái Triều Tiên đào tẩu cho biết mẹ cô thuyết phục cô dùng ma túy đá nóng chảy để chữa mụn.

Triều Tiên: Tràn lan ma túy đá - 2

Một lò sản xuất ma túy đá

Về mặt kỹ thuật, ma túy đá là thứ bị cấm ở Triều Tiên, tuy nhiên vì nó quá phổ biến nên chẳng ai có động lực để thực thi điều cấm đó. Phóng viên này nói rằng người dân Triều Tiên từ các học sinh cấp 2 đến các viên chức chính phủ đều sử dụng loại ma túy này.

Giáo sư Kim, một cựu quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc hiện đang giảng dạy ở Đại học Ewha Womans  cho biết một số người tị nạn từ Triều Tiên mà bà phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng ma túy đá không phải là một chất gây nghiện.

Bà cho biết: “Họ nói rằng bạn có thể ngưng sử dụng ma túy đá bất cứ khi nào bạn muốn. Tất cả những gì bạn cần làm là ngủ suốt 3 hoặc 4 ngày liên tục.”

Các chuyên gia cho biết mệt mỏi cùng cực, lo lắng và trầm cảm là những hậu quả của việc bỏ ma túy đá. Theo một số người Triều Tiên đào tẩu, những người nghiện ma túy đá sau khi đi làm về thường dùng ma túy để giúp họ sáng suốt và đối phó với những nỗi mệt mỏi của công việc.

Ông Kim Yong-il, Hội trưởng hội người tị nạn PSCORE ở Seoul cho biết: “Những người nghiện ma túy đá không thể ngủ được, vì thế họ phải mua thuốc ngủ ở chợ đen như một loại thuốc giải.”

Nhiều người Triều Tiên đã không thể rũ bỏ khỏi ma túy đá ngay cả khi họ đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Trong một bài báo có tựa đề: “Lạm dụng ma túy ở người Triều Tiên đào tẩu”, nhà tâm lý học Jeon Jin-young thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các hành vi tự chẩn bệnh, tự mua thuốc và lạm dụng các loại thuốc bán theo đơn, trong đó có thuốc ngủ, đang trở nên ngày càng phổ biến trong cộng đồng 25.000 người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc.

Về phần người thanh niên đào tẩu đề cập ở trên, anh này nói rằng anh chưa bao giờ cảm thấy nghiện ma túy đá. Tuy anh vẫn luyến tiếc những lúc phê ma túy cùng với bạn bè ở Triều Tiên, nhưng cũng như nhiều thứ khác mà anh đã bỏ lại đằng sau, anh nói rằng quãng đời ma túy của anh đã chấm dứt ở biên giới.

Anh tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ làm như vậy nữa, ngay cả khi có cơ hội. Những tháng ngày phiêu lưu của tôi đã qua rồi.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WSJ) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN