Toàn cảnh phiên tòa biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan dự kiến trong ngày 12-7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Toàn cảnh phiên tòa biển Đông - 1

Một phiên điều trần về vụ kiện hôm 24-11-2015. Ảnh: AP

Đây được xem là phép thử quan trọng cho luật pháp quốc tế và các nước lớn.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã tẩy chay tiến trình pháp lý này ngay từ đầu, cũng như nhiều lần tuyên bố không chấp nhận phán quyết.

Dưới đây là một số thông tin giúp mang lại cái nhìn toàn cảnh về vụ kiện đang được dư luận quốc tế quan tâm này.

Vụ kiện bắt đầu thế nào?

Tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc âm ỉ trong nhiều thập kỷ nhưng chỉ leo thang dưới thời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Đỉnh điểm là vụ Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines sau một cuộc đối đầu căng thẳng năm 2012.

Tàu hải cảnh Trung Quốc còn bao vây Bãi Cỏ Mây tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines chiếm giữ trái phép. Tàu Trung Quốc thậm chí còn ngăn tàu Philippines mang đồ tiếp tế đến cho lính thủy đánh bộ trên một tàu chiến cũ đang đóng ở đó.

Vì thế, Manila tuyên bố không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến sự phân xử của tòa án quốc tế.

Philippines kiện gì?

Philippines chính thức kiện Trung Quốc ra PCA vào tháng 1-2013 bất chấp Bắc Kinh dọa cỏ biện pháp trả đũa về ngoại giao và kinh tế.

Philippines yêu cầu PCA phán quyết cái gọi là "đường lưỡi bò" - được Bắc Kinh đơn phương vẽ ra hòng độc chiếm hầu hết biển Đông - là hoàn toàn phi lý, phi pháp và đi ngược lại Công ước Liênj Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà hai nước này có tham gia.

Philippines còn yêu cầu PCA làm rõ liệu một số khu vực tranh chấp là đảo hoặc bãi đá nửa chìm nửa nổi để xác định phạm vi vùng lãnh hải xung quanh theo UNCLOS. Ngoài ra, Manila còn muốn PCA phán quyết Bắc Kinh vi phạm UNCLOS khi tiến hành hoạt động đánh cá và xây dựng xâm phạm quyền hàng hải của Philippines ở biển Đông.

Tóm lại, vụ kiện về bản chất là về "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Vụ kiện đề cập về đảo, đá và đá ngầm nhưng chung quy là về những quy định mà các nước phải tôn trọng để duy trì hòa bình trong khu vực.

Toàn cảnh phiên tòa biển Đông - 2

Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc hung hăng ở biển Đông. Ảnh: Reuters

"Đường lưỡi bò" là gì?

Được Trung Quốc đơn phương vẽ ra, "đường lưỡi bò" (còn gọi là "đường 9 đoạn") nuốt trọn diện tích trên 2 triệu km vuông ở biển Đông.

Đường lưỡi bò chồng lấn với 531.000 km vuông vùng biển mà Philippines xem là một phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa mở rộng của mình. EEZ là một khái niệm được Liên Hiệp Quốc thông qua, cho phép một quốc gia ven biển độc quyền thăm dò và khai thác tài nguyên hàng hải bên trong vùng 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển nước này.

Đường 9 đoạn còn chồng lấn với những lãnh hải ở biển Đông mà Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến giờ từ chối công bố tọa độ địa lý chính xác của đường lưỡi bò,

Trong vụ kiện, Philippines lập luận rằng theo UNCLOS, đường lưỡi bò phải xuất phát từ đất liền, không phải từ quyền lịch sử hoặc bản đồ xưa.

Cũng theo Manila, không có vùng đất hoặc nhóm đảo, đá nào ở biển Đông đủ lớn để tạo ra quyền hàng hải và kinh tế có thể bao trùm vùng biển có diện tích 2 triệu km vuông như phạm vi bao trùm của đường lưỡi bò.

Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép 7 đá ngầm (Xu Bi, Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn). Theo Philippines, số đá ngầm này tối đa chỉ có thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh, theo UNCLOS.

Bắc Kinh thời gian đẩy mạnh hoạt động cải tạo số đá ngầm trên thành đảo nhân tạo với mưu đồ tạo ra EEZ 200 hải lý. Tuy nhiên, Manila lại nhấn mạnh rằng UNCLOS không công nhận quyền hàng hải của đảo nhân tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Võ (Người lao động/AP, The Straits Times)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN