Phán quyết vụ kiện Biển Đông thay đổi châu Á thế nào?

Hội đồng gồm 5 chuyên gia về luật biển sẽ sớm công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông được cho là có tác động mạnh mẽ nhất tới khu vực châu Á.

Phán quyết vụ kiện Biển Đông thay đổi châu Á thế nào? - 1

Tòa án Thường trực Trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan sẽ ra phán quyết vụ kiện Biển Đông vào ngày 12.7.

Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Biển Đông lên Tòa án Thường trực Trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Bắc Kinh từ chối tham gia phiên tòa nhưng kết quả hôm 12.7 tới đây sẽ có tác động thực sự tới hòa bình khu vực, thương mại thế giới và vị thế của một nước như Trung Quốc.

Có ba điểm cần lưu ý trong vụ kiện của Philippines, trước hết đó là việc nước này muốn tòa án đưa ra phán quyết với các vùng đảo, san hô, thủy triều thấp và vùng phụ cận mà Philippines cho rằng đang bị Trung Quốc xâm phạm. Theo công ước UNCLOS về luật biển, một hòn đảo thuộc sở hữu của quốc gia nào thì vùng 200 hải lý quanh đảo đó là vùng đặc quyền kinh tế của nước đó, đồng nghĩa sở hữu mọi tài nguyên từ cá tôm, dầu khí tới dầu mỏ. Những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép sẽ không được tính trong quy định này.

Thứ hai, Philippines muốn tòa án xác định cụ thể chủ quyền lãnh thổ nước này trên Biển Đông và rõ ràng điều này sẽ vô hiệu hóa những yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc.

Cuối cùng, Philippines muốn tòa án xác định liệu Trung Quốc có vi phạm chủ quyền lãnh thổ không khi xây dựng và đánh bắt cá ở vùng biển phía tây nước này.

Dù Trung Quốc liên tục phản đối và mỗi ngày Tân Hoa Xã đều rêu rao quan điểm của Trung Quốc với vụ kiện nhưng nhiều học giả khẳng định, phán quyết cuối cùng sẽ có lợi cho Philippines. Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại viện Lowy, Australia ông Euan Graham nói: “Tôi không dám chắc 100% nhưng đại đa số khả năng sẽ đi theo chiều hướng mà Philippines mong muốn”.

Vậy tại sao phán quyết Biển Đông sẽ có tác động sâu rộng tới toàn bộ khu vực châu Á? Trước hết, Biển Đông là khu vực rất nhạy cảm về chính trị, kinh tế. Tòa án trọng tài quốc tế cũng sẽ đưa ra phán quyết lần đầu tiên trong lịch sử tòa án thế giới về tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia.

Ít nhất 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau khi phán quyết được công bố. Vùng biển này từ năm 2012 đã có rất nhiều va chạm, nhất là khi Hải quân Philippines ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng bãi cạn Scarborough.

Nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết cuối cùng, các chuyên gia phân tích cho rằng hậu quả lên ổn định khu vực và hòa bình trên biển sẽ bị phá vỡ. Hiện nay mỗi năm có hơn 5 nghìn tỉ USD lưu lượng thương mại chảy qua Biển Đông. Đây là tuyến hành lang thương mại đặc biệt lớn và sự bất ổn của tuyến đường này sẽ tác động rất nhiều tới kinh tế các nước trong khu vực.

Phán quyết vụ kiện Biển Đông thay đổi châu Á thế nào? - 2

Biếm họa tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia khu vực Đông Nam Á Bill Hayton trong cuốn sách “Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực châu Á” từng khẳng định một nửa lưu lượng thương mại hàng hải, một nửa lượng khí hỏa lỏng và 1/3 lượng dầu thô hằng năm đều đi qua eo Malacca”.

Chuyên gia cao cấp Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng, nếu từ chối tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế, Trung Quốc sẽ tự làm suy yếu vị thế của mình khi từng cam kết duy trì trật tự ở khu vực này dựa trên luật lệ".

Ian nói rằng nếu Philippines thắng, Trung Quốc sẽ thua trắng về mặt ngoại giao. Các quốc gia phương Tây có thể lấy đó làm bàn đạp để gia tăng áp lực lên chính quyền Bắc Kinh trong các cuộc gặp song phương và diễn đàn đa phương.

"Những nước khác đang có chung tranh chấp trên Biển Đông sẽ dùng đòn này để chống lại Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc "sợ" đem vấn đề này ra tòa", Ian Storey nhận định.

Tuy nhiên điểm khó nhất khi phán quyết công bố chính là việc thực thi. Nếu Trung Quốc không chịu thực hiện những gì tòa án quốc tế yêu cầu, Philippines hầu như khó có cơ hội thay đổi tình trạng hiện tại. Chuyên gia Graham tin rằng “Trung Quốc sẽ không đời nào từ bỏ những hòn đảo nhân tạo trái phép”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN