Thảm kịch máy bay chở 72 người rơi: Nơi di chuyển bằng đường không nguy hiểm nhất thế giới
Sáng ngày 16/1, hàng trăm nhân viên cứu hộ tiếp tục công việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân và hộp đen máy bay chở 72 người rơi ở Nepal. Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh sự nguy hiểm khi di chuyển bằng đường không ở quốc gia nằm trên dãy Himalaya.
Hiện trường vụ máy bay rơi khiến ít nhất 68 người chết ở Nepal.
Theo CNN, máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines rơi khi gần tới sân bay ở thành phố Pokhara vào ngày 15/1. Trong số 72 người có mặt trên máy bay, 68 người đã được xác định là thiệt mạng.
4 người khác vẫn mất tích nhưng theo Kaski Ajay K.C, giám đốc cảnh sát địa phương, cơ hội tìm thấy người sống sót là "rất thấp" vì các nhân viên cứu hộ phải dùng đến cần cẩu để đưa các thi thể ra khỏi hiện trường.
Đây là thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong 30 năm qua ở quốc gia nằm trên dãy Himalaya. Đây cũng là vụ tai nạn hàng không tồi tệ thứ ba trong lịch sử Nepal, theo dữ liệu từ Mạng lưới an toàn hàng không.
Giới chuyên gia cho biết, các điều kiện như thời tiết khắc nghiệt, tầm nhìn hạn chế và địa hình đồi núi đều góp phần khiến Nepal trở thành quốc gia nguy hiểm nhất với ngành hàng không.
Trong thảm kịch hôm 15/1, thủ đô Kathmandu chỉ nằm cách thành phố Pokhara khoảng 200km nhưng nhiều người Nepal lựa chọn đi máy bay vì địa hình đồi núi hiểm trở.
Máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu sau khi đang chuẩn bị hạ cánh ở Pokhara sau hành trình kéo dài 25 phút. Khoảng 15 công dân nước ngoài nằm trong số những người có mặt trên chuyến bay.
Pokhara là địa điểm du lịch nổi tiếng và là cửa ngõ vào dãy Himalaya ở Nepal. Thành phố là điểm khởi đầu cho tuyến đường leo núi Annapurna Circuit nổi tiếng, với hơn 181.000 người nước ngoài đến thăm khu vực này vào năm 2019.
Nepal là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới khi di chuyển bằng đường không.
Một ủy ban chính phủ Nepal hiện đang điều tra nguyên nhân thảm kịch với sự hỗ trợ của chính phủ Pháp. Chiếc máy bay gặp nạn do công ty hàng không vũ trụ ATR, có trụ sở tại Pháp, sản xuất.
Thời tiết thất thường không phải là thách thức duy nhất. Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, địa hình hiểm trở tạo ra trở ngại đáng kể cho các phi công.
Nepal, quốc gia có 29 triệu dân, là nơi có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm đỉnh Everest. Địa hình đồi núi đem đến những phong cách tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch tới Nepal.
Nhưng địa hình như vậy cũng đặt ra thách thức khi di chuyển bằng đường không, đặc biệt là trong thời tiết xấu. Máy bay cỡ nhỏ cũng dễ gặp nạn hơn khi bay tới những vùng hẻo lánh, tách biệt bởi những dãy núi ở Nepal.
Các máy bay có 19 chỗ ngồi hoặc ít hơn có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn vì các thách thức trên, theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal.
Kathmandu là thủ đô và cũng là trung tâm trung chuyển chính của Nepal, nơi các máy bay cỡ nhỏ cất và hạ cánh mỗi ngày. Sân bay nguy hiểm nhất thế giới nằm ở thị trấn Lukla, phía đông bắc Nepal. Đường băng của sân bay nằm trên một vách đá giữa những ngọn núi, với đoạn cuối đường bay là vực thẳm. Sân bay này từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng, gần đây là các năm 2008 và 2019.
Vấn đề thiếu đầu tư, bảo dưỡng và bảo trì máy bay đời cũ cũng là nguyên nhân di chuyển bằng đường không ở Nepal nguy hiểm. Mặc dù trong những năm gần đây, Nepal đã có những cải thiện về tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành hàng không nước này.
Nguồn: [Link nguồn]
Những khoảnh khắc cuối cùng trong thảm kịch máy bay Nepal rơi được một hành khách xấu số phát trực tiếp trên mạng xã hội.