Thảm kịch giẫm đạp ở Ấn Độ: Thông tin bất ngờ về giáo sĩ

Sự kiện: Tin tức Ấn Độ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo truyền thông địa phương, giáo sĩ tổ chức buổi thuyết giảng liên quan đến vụ giẫm đạp khiến 121 người chết ở Ấn Độ từng làm việc trong một đơn vị tình báo. Ngoài ra, còn có nhiều thông tin đáng chú ý về người này.

“Biển” tín đồ tập trung tại buổi thuyết giảng của giáo sĩ Narayan Sakar Hari. Ảnh: PTI

“Biển” tín đồ tập trung tại buổi thuyết giảng của giáo sĩ Narayan Sakar Hari. Ảnh: PTI

Ngày 2/7, thảm kịch giẫm đạp xảy ra sau một buổi thuyết giảng của giáo sĩ Narayan Sakar Hari (Bhole Baba) ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, khiến 121 người thiệt mạng.

Hindustan Times ngày 3/7 dẫn lời một nhân chứng cho rằng, việc các tín đồ tranh nhau thu thập "raj" (bụi) mà xe chở giáo sĩ Narayan tạo ra là một phần nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. "Khi xe chở giáo sĩ rời đi, các tín đồ tranh nhau tới "thu bụi" nhưng bị trượt chân vì đường trơn và ngã đè lên nhau dẫn đến giẫm đạp", nhân chứng nói. 

Vậy giáo sĩ Narayan Sakar Hari là ai mà lại khiến các tín đồ có vẻ "cuồng tín" đến vậy?

Từng làm tình báo

Theo tờ Economic Times, giáo sĩ Narayan Sakar Hari sống và lớn lên ở làng Bahadur Nagri, quận Etah, bang Uttar Pradesh. Sau khi hoàn thành các cấp học, Narayan được cho là làm việc tại Đơn vị Tình báo Địa phương (LIU) trong 18 năm.

Năm 1990, Narayan tự nguyện xin nghỉ việc và chuyển sang theo đuổi con đường thuyết giảng tâm linh. Khi bắt đầu hành trình mới, vị giáo sĩ đổi tên từ Surajpal thành Narayan Sakar Hari và tuyên bố thành lập một đạo tràng (trường học Phật giáo) ở làng Patiyali (Uttar Pradesh).

"Chủ nhân của toàn bộ vũ trụ"

Giáo sĩ Narayan Sakar Hari. Ảnh: Amar Ujala

Giáo sĩ Narayan Sakar Hari. Ảnh: Amar Ujala

Không giống các giáo sĩ khác, Narayan Sakar Hari thường mặc vest (hoặc sơ mi), đeo cà vạt và đi giày đều màu trắng. Trong các buổi thuyết giảng, Narayan tự nhận là đệ tử của Hari (một cách gọi của thần Vishnu - thần Bảo vệ trong Hindu giáo) và tự nhận là chủ nhân của toàn bộ vũ trụ. Giáo sĩ này khẳng định Brahma (thần Sáng tạo) và Shankar (thần Hủy diệt) đều phải nhận ông ta là thầy.

Giáo sĩ Narayan Sakar Hari tuyên bố không sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn có hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu tín đồ ở các bang Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Rajasthan. Các buổi thuyết giảng của ông này thường kéo dài từ 3 đến 4 giờ và có rất đông người tham dự, phần lớn là phụ nữ.

Narayan Sakar Hari nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản quyên góp hoặc lễ vật nào nhận được trong các buổi thuyết giảng đều không được giữ lại để sử dụng với mục đích cá nhân mà được phân phối cho các tín đồ.

Truyền thông địa phương đưa tin, cảnh sát bang Uttar Pradesh đang truy tìm giáo sĩ Narayan Sakar Hari để phục vụ điều tra liên quan đến thảm kịch giẫm đạp ngày 2/7.

Theo Business Today, đây không phải là lần đầu tiên giáo sĩ Narayan liên quan tới một sự kiện tụ tập đông người, gây ảnh hưởng tiêu cực. Tháng 5/2022, khi đại dịch Covid-19 còn hoành hành, giáo sĩ này đã tổ chức một buổi thuyết giảng ở thành phố Farrukhabad, bang Uttar Pradesh. Dù chính quyền địa phương chỉ cho phép tối đa 50 người tham gia, nhưng con số thực tế là hơn 50.000 người, gây hỗn loạn về giao thông và không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi nào một đám đông bắt đầu trở nên nguy hiểm? Bạn nên đi lùi lại hay xô đẩy người khác để thoát khỏi đám đông? Làm sao để thở? Đó là những câu hỏi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - Hindustan Times, Economic Times ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN