Quyết định phút cuối của OPEC+
Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) hôm 30-11 đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới.
Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC+, những nước sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của thế giới, đã họp trực tuyến hôm 30-11 để thảo luận về chính sách nguồn cung. Trước đó, cuộc họp bị hoãn do có thông tin bất đồng về nội bộ trong việc thống nhất cắt giảm sản lượng.
Tổng mức giảm 2,2 triệu thùng/ngày lần này đến từ 8 nhà sản xuất dầu thô, trong đó mức lớn nhất đến từ việc Ả Rập Saudi và Nga quyết định kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày.
Mức giảm bổ sung 900.000 thùng/ngày, bao gồm 200.000 thùng/ngày từ phía Nga. Phần cắt giảm còn lại được chia cho 6 thành viên khác của OPEC+.
OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới. Ảnh: Reuters
OPEC+ đã thảo luận về sản lượng năm 2024 trong bối cảnh dự báo thị trường đối mặt với tình trạng dư thừa tiềm năng và việc cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi sẽ kết thúc vào tháng tới. Sản lượng hiện nay của OPEC+, vào khoảng 43 triệu thùng/ngày, đã bao gồm mức cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá và bình ổn thị trường.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc cắt giảm tự nguyện của Nga sẽ bao gồm dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ. Trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 163.000 thùng/ngày trong khi Iraq sẽ cắt giảm thêm 220.000 thùng/ngày trong quý I/2024.
Ả Rập Saudi, Nga, UAE, Iraq, Kuwait, Kazakhstan và Algeria cũng tuyên bố việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần sau quý I/2024 nếu điều kiện thị trường cho phép. Việc OPEC+ tập trung duy trì sản lượng thấp diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô tiếp tục giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2024, cũng như những dự báo về tình trạng dư cung.
Theo hãng tin Reuters, nhà phân tích Christyan Malek của Ngân hàng JP Morgan Chase cho biết: "Phản ứng của thị trường cho thấy sự hoài nghi về tính hiệu quả toàn diện từ việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Tuy nhiên, việc thiết lập một khuôn khổ mới để mỗi thành viên thực hiện mức cắt giảm của mình phản ánh mức độ tin cậy và gắn kết giữa các thành viên, điển hình việc Brazil gia nhập khối là minh chứng cho sức mạnh của các thành viên OPEC+".
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ chậm lại khi giai đoạn cuối trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch kết thúc, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù OPEC+ có giảm sản lượng thì giá dầu cũng khó tăng lại, vì nhiều lý do.