Phi hành gia biến đổi ra sao sau một năm sống ngoài vũ trụ?
Việc ở trạm vũ trụ suốt 340 ngày, từ năm 2015-2016, đã tạo ra nhiều biến đổi đối với cơ thể phi hành gia Mỹ Scott Kelly, từ việc sút cân cho đến gene biến đổi.
Phi hành gia Mỹ Scott Kelly.
Theo CNN, nghiên cứu mới được công bố hôm 11.4 cho thấy phi hành gia Scott có những thay đổi nhất định so với người anh em sinh đôi Mark ở dưới mặt đất.
Kelly mất tới 6 tháng để có thể trở về trạng thái như bình thường và phi hành gia này nói quãng thời gian đó thật không hề dễ dàng. Nghiên cứu đi đến kết luận rằng cơ thể con người “đủ sức chịu đựng” cho một năm ở trong vũ trụ.
“Kết quả cho thấy sự kiên cường và mạnh mẽ của cơ thể con người”, Steven Platts, nhà khoa học của NASA – người tham gia nghiên cứu, nói.
Nghiên cứu cũng tập trung vào việc đề ra những giải pháp và biện pháp an toàn để con người có thể tồn tại lâu hơn trong không gian, ví dụ như khi đặt chân đến sao Hỏa.
Những thay đổi về phân tử, sinh lý và hành vi được chia thành các nhóm nguy cơ thấp, trung bình và nguy cơ cao. Sự thay đổi về khối lượng cơ thể của Scott được coi là nguy cơ thấp. Sự bất ổn về bộ gene được đánh giá là có nguy cơ cao.
Cấu trúc gene và độ dài của các telomeres trong cơ thể Scott có sự thay đổi nhất định, nhưng điều này chưa tạo ra đột biến. Hơn 1000 gene trong cơ thể Scott thay đổi ngay khi phi hành gia này sống trong vũ trụ.
Sự thay đổi về hệ miễn dịch cho thấy nếu càng ở lâu trong không gian, cơ thể con người càng trở nên mệt mỏi và có thể đến một mức nào đó sẽ không thích ứng nữa.
Chuyên gia Christopher Mason, nói: “Một số gene trở lại bình thường khi Scott quay trở lại mặt đất, số khác có dấu hiệu không thể biến đổi trở lại, như những tổn thương về cấu trúc ADN”.
“Chúng tôi chưa biết điều này là tốt hay xấu”, Mason nói. Telomeres ngắn hơn có thể dẫn đến việc giảm tuổi thọ. Nhưng các nhà khoa học nói họ cần nghiên cứu thêm.
Nhãn cầu của Scott cũng thay đổi, có thể gây ảnh hưởng đến thị lực. Khả năng nhận thức thế giới xung quanh của Scott bị ảnh hướng suốt 6 tháng sau khi trở về Trái đất.
Cơ thể phi hành gia có những biến đổi không thể phục hồi sau một năm ở trong vũ trụ.
“Khi chúng ta vào vũ trụ và liên tục di chuyển với tốc độ 28.000 km/giờ, cơ thể chúng ta đã phản ứng để thích nghi với môi trường mới”, Platts nói.
Nghiên cứu có sự tham gia của 84 nhà khoa học, chia làm 10 nhóm và đến từ 12 trường đại học khác nhau ở 8 bang của Mỹ. Họ nghiên cứu một cách toàn diện về những sự thay đổi trong cơ thể con người.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có một số giới hạn, như kết quả chỉ phản ánh sự thay đổi của phi hành gia Scott, mà không thể áp dụng toàn bộ cho các phi hành gia khác.
Scott ở trong vũ trụ suốt 340 ngày nhưng vẫn được trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bảo vệ, với môi trường lý tưởng.
Cuối cùng, phi hành gia này nói trở về Trái đất sau một năm ở trong vũ trụ “rất khác” so với việc chỉ ở lại vũ trụ trong 6 tháng. Scott nói những sự khác biệt này tồi tệ hơn nhiều, ví dụ như phi hành gia này bị ốm suốt nhiều ngày đầu tiên sau khi trở về Trái đất.
Scott cũng thường xuyên bị đau cơ, đau khắp người mỗi khi chạm vào bất cứ thứ gì. Scott cho rằng đó là hệ quả của việc thay đổi trọng lực và hệ miễn dịch biến đổi.
Kanai lo ngại mình không thể ngồi vừa ghế trong tàu vũ trụ bay về Trái Đất.