Phản mỹ nhân kế

Giành phần thắng trong Chiến tranh Thanh - Nhật (1894 -1895), Nhật Bản đã thu được nhiều lợi ích. Hiệp ước Shimonoseki đã buộc Bắc Bình (Bắc Kinh) phải công nhận Triều Tiên độc lập, chấm dứt vai trò chư hầu phải triều cống nhà Thanh, chuyển sang bang giao và chịu ảnh hưởng nhiều mặt từ Nhật. Nhà Thanh còn phải cắt Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông giao cho Nhật Bản vào năm 1895. Nhưng chỉ vài năm sau đó, sự trỗi dậy và bành trướng của đế quốc Nga lại đe dọa quyền lợi và ảnh hưởng của Nhật.

Những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, biên giới của đế quốc Nga đã trải dài từ vùng Trung Á giáp Afghanistan đến tận bán đảo Kamchatka ở miền Viễn Đông. Đường sắt xuyên Siberia đã kéo dài đến tận hải cảng Vladivostok. Với ưu thế hải quân hùng mạnh, Nga không giấu giếm ý đồ gia tăng ảnh hưởng lên khu vực Đông Á.

Trận hải chiến Tsushima (Đối Mã).

Trận hải chiến Tsushima (Đối Mã).

Ngoại trừ Anh quốc, phần lớn các nước Châu Âu đều ủng hộ Nga, lạnh nhạt với Nhật, dù vẫn tuyên bố trung lập. Ba nước Nga - Đức - Pháp đã ép Nhật từ bỏ bán đảo Liêu Đông để nhận lại một khoản bồi thường lớn hơn khoản chiến phí mà nhà Thanh phải trả, theo Hiệp ước Shimonoseki. Tháng 12/1897, Nga điều đình với nhà Thanh, thuê lại cảng Lữ Thuận (cảng Arthur) trên bán đảo Liêu Đông trong 25 năm, kéo hạm đội đế quốc vào.

Một năm sau, tuyến đường sắt nối Siberia kéo dài từ Thẩm Dương đến cảng Lữ Thuận hoàn tất, thuận lợi cho hàng hóa chi viện của Nga thông thương cả thủy lẫn bộ. Hạm đội hùng hậu của Nga ở hai cảng Vladivostock và Lữ Thuận như hai gọng kìm khống chế toàn bộ bán đảo Triều Tiên đang xem như bị Nhật “đô hộ”. Vùng đất liền Mãn Châu của nhà Thanh cũng nằm gọn trong gọng kìm của quân Nga, cả thủy lẫn bộ.

Không chấp nhận bị tước đoạt quyền lợi và vùng ảnh hưởng, Nhật Bản ráo riết chuẩn bị chiến tranh chống Nga. Đến 1901, mùi khói súng đã nồng nặc Viễn Đông, chiến tranh giữa hai nước đã trở nên không tránh khỏi.

*

Tướng Gorchilov, người đứng đầu cơ quan tình báo của Nga hoàng vô cùng lo lắng. Bất kỳ động thái nào từ phía Nhật, tình báo Nga cũng không rời mắt. Một trong những cái gai trong mắt được Gorchilov hết sức quan tâm và muốn nhổ đi là Yamata, 30 tuổi, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tại Saint Petersburg. Khác với đồng bào mình chiều cao thường khiêm tốn so với người Âu, Yamata cao tới 1m80, mặt vuông chữ điền, rất điển trai và cương nghị. Ông là dòng dõi quý tộc cổ xưa, rất thông minh, thạo nhiều thứ tiếng phương Tây.

Xuất hiện không lâu, Yamata đã được giới thượng lưu của Sant Petersburg, thủ đô Nga chấp nhận và chào đón, thường được mời tham gia các buổi tiệc vương giả, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng trong hoàng gia và chính trường Nga. Nhờ vậy, ông ta nghe được nhiều chuyện, nắm bắt được nhiều thông tin, nhiều mưu đồ thuộc hàng bí mật quốc gia - cung đình. Yamata tới Nga chưa bao lâu, các điệp viên của Gorchilov ở Nhật đã báo cáo về: Bộ tham mưu quân đội Thiên Hoàng nhận được khá nhiều bí mật quân sự Nga. Mọi thông tin đều chỉ ra rằng, Yamata là một gián điệp siêu hạng.

Yamata lập tức bị giám sát rất chặt. Dù vậy, Gorchilov và tình báo Nga vẫn không thể tìm thấy chứng cứ nào để buộc tội ông ta hòng có thể ngăn chặn hay trục xuất. Yamata quá khôn ngoan, không để lộ một dấu vết, một bằng chứng nào. Không thể dùng biện pháp thủ tiêu, không thể công khai, chính thức buộc tội để trục xuất, Tướng Gorchilov quyết định dùng biện pháp kém lịch sự hơn để buộc gã điệp viên nguy hiểm cuốn xéo khỏi nước Nga: gây ra một xì-căng-đan.

Yếu điểm của Yamata là mối quan hệ với cô đào Maria Vratilova, một diễn viên sắc nước hương trời. Chàng da vàng tóc đen, nàng da trắng tóc vàng đang vào hồi yêu đương mãnh liệt. Họ không giấu giếm, giới thượng lưu quý tộc kinh đô nước Nga đều biết rõ.

Nguyên soái Bá tước Đông Hương Bình Bát Lang - Nguyên soái Tôgô Heihachirô, Tư lệnh Hải quân Nhật.

Nguyên soái Bá tước Đông Hương Bình Bát Lang - Nguyên soái Tôgô Heihachirô, Tư lệnh Hải quân Nhật.

Gorchilov đã đích thân tới gặp cô diễn viên xinh đẹp, xổ toẹt mọi điều về thân thế, vai trò của Yamata và yêu cầu cô gây xì-căng-đan cách nào đó để buộc Yamata phải cuốn xéo. Nửa năm hương lửa mặn nồng, dù đang đắm chìm mê mệt với người tình Viễn Đông xa xôi, nhưng Maria cũng yêu nước không kém phần mãnh liệt. Quốc gia trên hết, cô chấp thuận tham gia trò chơi phản gián chống lại người tình mà cô đang say như điếu đổ.

Lần hò hẹn tiếp theo, cô hồ hởi báo cho Yamata một tin mừng: cô đã có thai. Gã gián điệp nghe như sấm nổ trời quang. Danh dự quý tộc, dòng dõi sẽ không cho phép gã có một đứa con là temujin (tam quốc nhân). Chưa kể, gã đã có vợ bên Nhật. Sang Nga chỉ là vì công việc, có tính chất nghĩa vụ phụng sự quốc gia và Thiên Hoàng. Để tin này lộ ra, gã sẽ bị triệu hồi ngay tức khắc. Người yêu, đứa con và ngay cả tính mạng bản thân, gã đều không thể giữ. Phạm vào nghĩa vụ tử phận, làm ô uế thanh danh, phản bội Thiên Hoàng, đặt chân trở lại đất Nhật, gã sẽ bị ra lệnh seppuku (tự mổ bụng) ngay tức khắc, nếu không muốn phải chịu một hình phạt nhục nhã và thảm khốc hơn.

Maria Vratilova không muốn nghe, không muốn hiểu gì về quan niệm thân phận – tử phận rắc rối, cũng chẳng cần quan tâm đến danh dự quý tộc lâu đời của người yêu. Cô đòi Yamata phải làm lễ cưới đàng hoàng, công khai, tức khắc. Nếu không, cô sẽ tự tử cùng với cái thai trong bụng, sau khi công khai lý do với toàn dân thiên hạ và báo cho Đại sứ quán Nhật.

Gã samurai đất Phù Tang đứng như chôn chân, không thốt được lời nào khi Maria vùng vằng bỏ đi và sập mạnh cánh cửa sau lưng. Cô tới báo cho tướng Gorchilov biết! Vị Tướng xoa tay hoan hỉ. Kế hoạch thành công mỹ mãn. Cái dằm trong kẽ móng tay, cái gai trong mắt ông đã sắp được nhổ.

*

Nhưng, chỉ độ mười lăm phút sau khi Maria ra về, tướng Gorchilov đã phải trợn mắt sửng sốt. Viên thư ký xin phép vào báo cáo: Tùy viên quân sự Nhật Bản vừa tới, nằng nặc xin được tiếp kiến Tướng quân! Bất đắc dĩ, Gorchilov phải đồng ý.

Quân phục chỉnh tề, ngay sau khi cúi đầu chào, gã gián điệp siêu hạng đã xin vào thẳng vấn đề: “Thưa tướng quân, chắc ngài cũng đã rõ, tôi đang ở vào một tình thế tế nhị không thể giải quyết. Một phụ nữ của quý quốc trong chỗ thân quen của tôi hăm dọa sẽ gây tai tiếng. Tôi đã thành hôn ở Nhật. Tôi buộc phải rời nước Nga, chỉ lo ngại rằng tai tiếng vẫn bùng nổ sau lưng. Thân phụ tôi là thành viên Hội đồng Tư vấn tối cao của Hoàng đế. Nếu chuyện này đổ bể, nếu con trai ông vướng nỗi ô nhục này, ông sẽ tự sát ngay, để bảo toàn danh dự dòng họ... Với cương vị cao cả của ngài, chỉ có tướng quân mới có thể ém nhẹm câu chuyện này. Mong tướng quân giúp đỡ!”.

Tranh vẽ Đô đốc Tôgô Heihachirô trên soái hạm Nhật Bản.

Tranh vẽ Đô đốc Tôgô Heihachirô trên soái hạm Nhật Bản.

Gorchilov gần như nghẹt thở, không tin nổi lời nhờ vả vừa nghe. Ghẹo nguyệt trêu hoa, khi đã lụy ái tình, kiếm Lưu Cầu cũng rỉ. Gã Tùy viên Nhật hạ thấp giọng, đề nghị thẳng: “Để đổi lấy sự giúp đỡ quí báu của ngài, khi về tới Đông Kinh tôi sẽ chuyển cho ngài những thông tin... tuyệt mật”.

Dù cố giữ vẻ bình tĩnh, hứa sẽ giúp hết mình, Tướng Gorchilov vẫn không tin nổi, không dám mơ kế hoạch phản gián của ông lại đi đến kết cục đó.

Cấp trên của ông cũng không ai tin. Tất cả đều cho rằng Yamata giỡn mặt, coi họ ngu như bầy lừa. Một quý tộc Nhật Bản dòng dõi như gã sẽ không bao giờ phản bội Tổ quốc. Tuyệt nhiên không! Nếu hắn có cung cấp thông tin, đó cũng chỉ là những tin giả do tình báo Nhật ngụy tạo. Người Nga không phải là kẻ để cho người Nhật Bản lừa. Tuy nhiên, tất cả các quan chức tình báo Nga đều vui mừng: Yamata sẽ bị tống khứ, một mối nguy được cất!

Nửa tháng sau, Yamata xách va li về nước. Người tới thay thế ông ta chỉ là một tên gián điệp bình thường, mối nguy không đáng kể. Nguồn rò rỉ tin tối mật sang Nhật chấm dứt. Quan chức tình báo Nga, và cả Tướng Gorchilov nữa, tưởng chừng đã quên từng có một thỏa thuận.

*

Nhưng, tháng 12/1902, tin báo về cho biết, Đại sứ quán Nga tại Nhật Bản đã được một người lạ tìm đến trao một gói tài liệu. Đó là một bản kế hoạch chi tiết về cuộc tiến công của quân Nhật vào cảng Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông. Tin chuyển về, Tướng Gorchilov cùng Bộ Tham mưu Nga Sa hoàng đã nghiên cứu rất kỹ bản kế hoạch đó. Chắc chắn do Yamata cung cấp như đã hứa.

Tuy nhiên, không một nhà quân sự Nga nào thèm tin vào nó. Hẳn tình báo Nhật đã phải tốn rất nhiều thì giờ và công sức mới soạn được một tài liệu, kèm cả bản đồ chiến lệ tỉ mỉ và xuất sắc như thế. Nhưng chắc chắn là tài liệu giả. Người Nga khôn ngoan đời nào để bị lừa!

Thêm sáu tháng nữa, mùa hè 1903, nhiều tài liệu khác lại lần lượt được gửi tới. Lần này là từng phần, ráp lại là toàn bộ các bước của kế hoạch trên bộ tấn công Mãn Châu. Tài liệu, bản đồ đều hết sức tỉ mỉ, chính xác, khiến các tướng lĩnh của Nga hoàng không khỏi bối rối. Kế hoạch được vạch ra rất bài bản, rất bất ngờ, có thể nói là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến. Các tướng lĩnh trong Bộ Tham mưu Nga đều đánh giá: nếu người Nhật tiến công theo đúng kế hoạch này, quân Nga sẽ thảm bại. Nhưng tất nhiên, Bộ Tham mưu Nga gồm toàn những bộ óc siêu việt, chắc chắn không để bị lừa. Đây là tài liệu giả.

Tháng 10/1903, Yamata lại gửi tiếp bản kế hoạch phản công của quân Nhật trên mặt trận Siberia. Rất tỉ mỉ và kỳ khu. Nếu theo đúng kế hoạch, toàn bộ quân Nhật ở Triều Tiên sẽ vượt sông YaLu (sông Áp Lục, biên giới Triều Tiên – Trung Quốc) vào Mãn Châu, bọc sườn tấn công. Hệ thống phòng thủ vùng Viễn Đông của quân Nga sẽ bị tập hậu. Khi đó cảng Vladivostock sẽ bị bao vây nhiều hướng, kể cả từ trên bộ! Nếu vào mùa Đông, tàu chiến không rời cảng được, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ bị giã nát!

Ngay các tướng lĩnh Nga ít đa nghi nhất cũng dao động và bắt đầu lo lắng. Bộ tham mưu phân hóa thành hai phe. Phe Gorchilov khăng khăng đây là tài liệu giả. Tình báo Nga cao thủ, đừng hòng để bị lừa. Phe dao động cho đây là tin tình báo tuyệt mật. Nếu Nga không điều chỉnh kế hoạch bố phòng, cả đạo quân thủy bộ vùng Viễn Đông một manh giáp cũng không còn... Tất nhiên, hai phe đều ưu việt nên người Nga đã tốn rất nhiều cuộc họp hành thâu đêm để cãi nhau.

*

Tháng 12/1903, một tiếng sét dữ dội đột ngột nổ xé thinh không. Đại sứ quán Nga tại Nhật báo về: Yamata đã bị bắt quả tang giữa lúc đang lấy trộm tài liệu tuyệt mật của Bộ Chiến tranh Nhật Bản. Anh ta lập tức bị điệu ra tòa án binh, lãnh án tử hình vì tội làm gián điệp cho nước ngoài. Bản án đã được thi hành ngay. Bố của Yamata, thành viên Hội đồng cố vấn tối cao của Nhật Hoàng đã xin phép hari-kiri (mổ bụng tự sát) vì không chấp nhận sống trong ô nhục do con trai gây ra.

Đô đốc Zinovi Petrovich Rozhdestvenski, Tư lệnh Hải quân Nga.

Đô đốc Zinovi Petrovich Rozhdestvenski, Tư lệnh Hải quân Nga.

Tất cả mọi nguồn tin từ Nhật đáng tin cậy nhất đều xác nhận về phiên tòa, vụ hành quyết và tự xử. Những tướng lĩnh Nga thận trọng nhất, kể cả trùm tình báo đa nghi Gorchilov cũng phải thừa nhận giá trị xác thực của các tài liệu do Yamata cung cấp. Quý tộc Nhật có thể thích tự mổ bụng nhưng không nói dối. Yamata đã giữ đúng lời hứa với giám đốc cơ quan tình báo đối địch. Tướng Gorchilov chỉ không tài nào hiểu nổi vì sao một người Nhật dòng dõi lại có thể xem việc bảo toàn danh dự gia đình quan trọng hơn việc cá nhân anh ta phạm tội phản quốc... Tính cách quý tộc xứ Mặt Trời Mọc quả phức tạp.

Lập tức, quân đội Nga được ra lệnh thay đổi cách bố trí và hướng phòng thủ, căn cứ vào ý đồ tiến công và phản công của quân Nhật do Yamata cung cấp.

Quả nhiên, chỉ 2 tháng sau, chiến tranh Nhật – Nga bùng nổ. Đúng như thứ tự tài liệu mà Yamata cung cấp, ngày 8/2/1904, Hạm đội Nhật Bản của Đô đốc Tôgô Heihachirô đã âm thầm vượt eo biển Đối Mã (Tsushima - giữa Nhật và Triều Tiên) tiến vào sâu trong bán đảo Liêu Đông tấn công cảng Lữ Thuận. Sáng sớm đầy sương mù, quân Nga không phát hiện được tàu Nhật đã tiến đến gần. Nhật dùng ngư lôi tới tấp bắn vào tàu chiến Nga đang neo đậu trong cảng. Nhiều tàu Nga bị hư hại nặng, trong đó có tuần dương hạm Pallada, Thiết giáp hạm Tsesarevich và Thiết giáp hạm Retvizan. Trận này, Nhật không giành thắng lợi hoàn toàn, song Nga bị bất ngờ nên cũng thiệt hại không ít. Mãi 8 ngày sau, Nga hoàng Nikolai II mới chính thức tuyên bố chiến tranh với Nhật.

Không có bọc hậu từ trên bộ, ngày 24/2/1904, Hải quân Nhật đã điều 5 tàu hàng lớn, cũ chở đầy… xi măng dàn ngang trên đường ra khơi hướng Nam của cảng Lữ Thuận và tự đánh đắm, chặn đường không cho hạm đội của Nga đang bố trí trong cảng ra khơi. Tàu chiến của Nga ở Nhân Xuyên (Triều Tiên) và cảng Vladivostock cũng bị tấn công, bị chặn lại trong cảng, không tiếp viện được cho nhau.

Trên mặt trận Mãn Châu cũng như ở 2 cảng Lữ Thuận và Vladivostock, các đơn vị quân Nga đều vội vã tiến hành cuộc chiến theo đúng những mệnh lệnh mới, theo tài liệu mà gián điệp Yamata cung cấp trước đó. Nhưng ở những hướng tưởng có quân Nhật tiến công thì họ chẳng thấy bóng dáng một lính Nhật nào cả. Trái lại, tất cả những hướng ít bố trí đều bị đối phương chọc thủng. Cứ như thể Bộ Chỉ huy Nhật đã biết hết mọi kế hoạch bố phòng của quân Nga.

Do lo sợ bị tấn công trên bộ đánh tập hậu, một số đơn vị Nga ở Mãn Châu và Lữ Thuận đều đã bị điều đi tăng cường cho mặt trận Siberia nên quân Nga ở hai nơi này quá mỏng, không đủ sức cản phá các đợt tấn công mãnh liệt của quân Nhật. Trong khi đó, các đơn vị ở Siberia nằm dài chờ đợi mũi phản công của quân Nhật nhưng Siberia hoàn toàn yên tĩnh, không có cuộc tấn công nào của quân Nhật trong suốt cuộc chiến tranh. Từ đầu tới cuối... Người Nga thông minh đã bị lừa.

Những tài liệu tình báo của Yamata là một phần nguyên nhân đại bại của quân Nga trong chiến tranh Nga – Nhật. Sau khi Hạm đội Bantic của Nga tăng viện bị phát hiện và tiêu diệt gần như toàn bộ trên biển Hoa Đông ở eo biển Đối Mã (Tsushima), rồi hải chiến Vladivostock, Nga cũng nhận thảm bại, cuộc chiến xem như kết thúc. Kết cục đúng như Bộ tham mưu Nga siêu việt đã nhận định ngay từ đầu: cả trên bộ lẫn dưới biển, quân Nga đều không còn manh giáp.

Yamata chắc chắn không lừa nổi tình báo Nga sáng suốt. Rõ ràng là anh ta và cả phụ thân đều đã bị xử tử và phải tự mổ bụng. Hay chính Yamata cũng bị cơ quan tình báo Nhật đánh lừa, cung cấp cho anh ta những tài liệu giả để anh ta nộp cho tình báo Nga hoàng? Siêu việt nhưng đầy hoang mang, phía Nga không sao hiểu nổi.

*

Sau khi ký Hòa ước Portsmouth (5/12/1905), chấp nhận những điều khoản cay đắng, tình báo Nga bắt sống được một sĩ quan tình báo cao cấp của Nhật mang theo trong người nhiều tài liệu tuyệt mật.

Đích thân tướng Gorchilov hỏi cung. Viên sĩ quan Nhật bị bắt dường như có ý cho người Nga biết hết mọi điều. Anh ta khai: “Yamata đã được tuyên dương anh hùng, được tặng thưởng huân chương cao quý nhất: Huân chương Mặt Trời Mọc hạng Nhất. Cả gia đình anh ấy cũng được tặng thưởng. Đích thân Nhật hoàng đã trao những phần thưởng cho gia tộc họ. Với nước Nhật, vinh quang của nhà Yamata được xem sánh ngang với vinh quang của lão tướng - Đô đốc Tôgô Heihachirô, người đã khiến quân Nga các ngài đã phải bỏ thây muôn vạn”.

Gorchilov giật nảy người: “Vậy là anh ta không bị hành quyết? Chúng tôi đã kiểm tra kỹ, anh ta chắc chắn đã bị xử bắn”.

Viên sĩ quan tình báo Nhật cười như thể anh ta là ông thầy giáo đang khai sáng cho học trò chứ không phải kẻ bị bắt: “Đúng vậy. Yamata đã bị bắn, bố anh ta tự mổ bụng. Đó là cách duy nhất để khiến các ông tin những tài liệu của anh ta cung cấp là tuyệt mật, là thứ thiệt. Trước Nhật Hoàng, anh ấy đã tự nguyện xin nhận cái chết nhục nhã để mang vinh quang về cho Tổ quốc, không hối tiếc. Đó là niềm vinh dự lớn lao của một sĩ quan quân đội Thiên hoàng, một người Nhật mang tinh thần võ sĩ đạo. Bố Yamata sau đó cũng xin tự mổ bụng. Đó cũng là niềm vinh dự lớn lao đối với ông. Cha và con, cả hai đều đã được Thiên Hoàng ban cho những vinh dự cao quý nhất”.

Thua quá đau, Gorchilov, theo đúng tính cách Nga, vẫn hậm hực: “Tại sao ông lại khai hết những chuyện này?”.

Nụ cười của viên sĩ quan Nhật như đinh đóng vào trong tâm hồn viên chỉ huy tình báo cáo già của phía Nga: “Với Tổ quốc, mỗi người có một vai trò. Không bị bắt, làm sao tôi có thể cho các ngài biết hết sự thật? Vinh dự rất nhỏ của tôi là đã khiến các ngài bắt, được kể cho ngài nghe tất cả kế hoạch này”!

Nguồn: [Link nguồn]

135 năm trước, một sỹ quan hải quân Mỹ từng một mình đến Trung Quốc dưới thời nhà Thanh, được giao chỉ huy chiến hạm tham chiến với Nhật Bản năm 1894.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hồng Lam ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN