Ông Mugabe bị "học trò" lật bằng chính chiêu của mình

Ông Emmerson Mnangagwa, người vừa được bầu làm lãnh đạo mới của đảng cầm quyền ở Zimbabwe, đã có một cuộc trở lại ngoạn mục bằng những kỹ năng học từ chính ông Robert Mugabe, người thầy lâu năm của mình.

Là một nhân vật nổi bật kể từ khi Zimbabwe tuyên bố độc lập vào năm 1980, ông Mnangagwa trở thành phó tổng thống vào năm 2014 và được biết đến rộng rãi với biệt danh "Cá sấu".

Nhiều thập kỷ qua, ông giữ vai trò là trợ thủ đắc lực của Tổng thống Mugabe và nổi danh là một người cơ trí, tàn nhẫn và rất giỏi trong việc thao túng các đòn bẩy quyền lực. Đối với người dân Zimbabwe, họ sợ hãi thay vì yêu thích ông Mnangagwa. Thời gian qua, người đàn ông 75 tuổi này đã tạo dựng sự ủng hộ rộng rãi trong các lực lượng quân đội và an ninh.

Ông Mugabe bị "học trò" lật bằng chính chiêu của mình - 1

Ông Emmerson Mnangagwa. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mugabe đã vô tình khởi đầu chuỗi sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của chính mình khi sa thải ông Mnangagwa vào ngày 6-11. Cựu phó tổng thống nhanh chóng bỏ trốn khỏi Zimbabwe để tránh bị bắt giữ đồng thời tuyên bố ông sẽ trở lại lãnh đạo đất nước.

Mặc dù chưa xuất hiện trước công chúng nhưng ông Mnangagwa được cho là đang có mặt tại Zimbabwe.

Trước đây, cựu phó tổng thống liên tục bị ông Mugabe và vợ, bà Grace, chỉ trích công khai suốt nhiều tuần nên có thời gian chuẩn bị cho chiến lược của riêng mình. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi ông Mnangagwa bị sa thải, phe ủng hộ ông ta trong quân đội đã tiến hành quản thúc tại gia vợ chồng ông Mugabe.

Khi tổng thống từ chối từ chức, một cuộc biểu tình lớn với quy mô hàng ngàn người nổ ra khắp các con đường của thủ đô Harare vào ngày 18-11. Đây không phải là một hành động tự phát khi hàng ngàn tấm áp phích khen ngợi ông Mnangagwa và quân đội được chuẩn bị kỹ càng từ trước đó.

Ông Mugabe bị "học trò" lật bằng chính chiêu của mình - 2

Ông Mnangagwa (trái) và Tổng thống Mugabe

Cùng lúc đó, các đồng minh của ông Mnangagwa trong đảng ZANU-PF liền vận động hành lang để phế truất ông Mugabe khỏi vị trí lãnh đạo đảng sau 40 năm cầm quyền. Sau đó, trong cuộc họp ủy ban trung ương đảng ngày 19-11, ông Mnangagwa được bầu làm lãnh đạo đảng mới. 

Trong những năm gần đây, cựu phó tổng thống liên tục thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm có thể đem lại ổn định cho Zimbabwe. Tuy nhiên, những lời hứa đưa Zimbabwe trở lại nền dân chủ và thịnh vượng của ông Mnangagwa lại khiến nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ.

"Ông ta (Mnangagwa) là người đại diện cho ông Mugabe trong suốt nhiều thập kỷ. Tôi không hy vọng gì nhiều về những thứ ông ta sẽ đạt được khi làm tổng thống. Chỉ mong rằng tôi đã lầm" - nhà bình luận người Zimbabwe Peter Godwin nói.

Ông Tod Moss, một chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cũng bày tỏ sự dè dặt: "Bất chấp những tuyên bố trở thành nhà cải cách thân thiện với kinh doanh của ông Mnangagwa, người Zimbabwe biết ông ta là người gây ra những vụ thảm sát Matabeleland và tham gia cướp bóc tài sản của đất nước cùng với ông Mugabe. Mnangagwa là một phần của quá khứ đau buồn chứ không phải tương lai của Zimbabwe".

Tổng thống Zimbabwe tuyệt thực, thề chết chứ không từ chức

Theo tờ Daily Mail, người đàn ông 93 tuổi này đã không ăn uống gì từ thứ 7 tuần trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hạnh - ABC News (Người lao động)
Đảo chính ở Zimbabwe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN