Cơn "đau đầu" mới của ông Biden: Bang theo đảng Dân chủ cũng kiện

Vụ kiện mới nhắm tới chính quyền ông Biden, có sự tham gia của một bang có thống đốc thuộc đảng Dân chủ. 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục bị nhiều bang kiện hôm 10/11. Ảnh minh họa: AP

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục bị nhiều bang kiện hôm 10/11. Ảnh minh họa: AP

Theo hãng RT, 10 bang ở Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền ông Biden hôm 10/11 tại tòa án ở thành phố St. Louis, bang Missouri, cho rằng, lệnh bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 vi phạm nhiều điều trong hiến pháp sửa đổi. 

Vụ kiện lần này nhằm thách thức quy định của ông Biden với 17 triệu nhân viên y tế Mỹ, rằng họ phải tiêm chủng, nếu không sẽ không được tiếp tục làm việc. 

Bang Missouri là nguyên đơn chính trong vụ kiện. Ngoài ra, 9 bang khác tham gia kiện cáo gồm Nebraska, Arkansas, Kansas, Iowa, Wyoming, Alaska, South Dakota, North Dakota và New Hampshire. Đặc biệt, bang Kansas, với thống đốc là thành viên đảng Dân chủ, cũng tham gia vụ kiện. 

Thống đốc bang Kansas Laura Kelly - thành viên đảng Dân chủ - tuần trước cho biết, bà không tin rằng sắc lệnh bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 của ông Biden là "đúng đắn" và "hiệu quả". Bà Laura nói thêm: "Đã quá muộn để áp đặt một tiêu chuẩn liên bang vì chúng tôi đã phát triển các hệ thống và chiến lược phù hợp với nhu cầu cụ thể của mình". 

"Thật không may, với sắc lệnh bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 của chính quyền ông Biden, các nhân viên y tế - những người hùng của chúng ta năm ngoái sẽ thất nghiệp trong năm nay", Eric Schmitt, tổng chưởng lý bang Missouri nói. 

Sắc lệnh mới của chính quyền ông Biden ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Mỹ vì nó liên quan tới 76.000 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhận đầu tư từ chương trình Medicare và Medicaid. 

Không giống như các quy tắc áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có 100 nhân viên trở lên, các yêu cầu với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, do Trung tâm dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS) ban hành tuần trước, yêu cầu các nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin Covid-19, mà không được phép lựa chọn phương án lấy mẫu xét nghiệm hàng tuần để chứng minh không bị nhiễm Covid-19. 

"Các yêu cầu của CMS đưa ra sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân viên chăm sóc sức khỏe, vốn đã nghiêm trọng khi các bệnh viện nhỏ buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên chưa tiêm chủng", đơn kiện nêu. "Với các yêu cầu đó, một số bệnh viện sẽ phải đóng cửa một số bộ phận nhất định, hủy bỏ một số dịch vụ hoặc thậm chí là đóng cửa hoàn toàn". 

Nhiều bang và doanh nghiệp ở Mỹ đã kiện chính phủ liên bang về nhiều khía cạnh của sắc lệnh tiêm chủng bắt buộc vắc xin Covid-19. Một tòa phúc thẩm liên bang tuần trước đã tạm thời chặn quy định tiêm chủng bắt buộc với các doanh nghiệp có trên 100 nhân viên, tuyên bố rằng "có các vấn đề nghiêm trọng về luật pháp và hiến pháp với sắc lệnh này". Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhà Trắng hôm 8/11 nói với các doanh nghiệp rằng hãy tiếp tục tiêm chủng cho nhân viên. 

Thống đốc bang Missouri tuyên bố văn phòng của ông sẽ tiếp tục chống lại "các sắc lệnh" mà ông này cho là bất hợp pháp của ông Biden. 

Các bang do thành viên đảng Cộng hòa dẫn đầu đã đấu tranh với chính quyền của ông Biden về các vấn đề từ đường ống dẫn dầu bị hủy bỏ tới an ninh biên giới và mới đây là sắc lệnh bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19. Ít nhất 27 bang ở Mỹ, chủ yếu có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang nhằm thách thức quyết định của Tổng thống Biden liên quan đến việc tiêm vắc xin bắt buộc.

Nội dung các đơn kiện cáo buộc ông Biden có hành vi “lạm quyền”, “vi hiến”, “xâm phạm quyền tự do” và “xâm phạm quyền của các tiểu bang trong việc tự xây dựng chính sách y tế”. Đây được xem là rắc rối pháp lý lớn nhất đối với Biden kể từ khi nhậm chức.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Biden nhận tin không vui từ tòa án liên bang Mỹ

Một tòa án liên bang Mỹ ngày 6.11 đã ra phán quyết đóng băng quy định tiêm vaccine bắt buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN