Mỹ - châu Âu đang dần xa cách

Châu Âu lo ngại xa rời Mỹ dù sắp tới ông Biden hay ông Trump chiến thắng cuộc đua Nhà Trắng 2024.

Theo tờ The Wall Street Journal, tuyên bố “Mỹ đã trở lại” của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi thắng cử hồi năm 2021 đã khiến các quan chức châu Âu hào hứng hoan nghênh, với hy vọng ông sẽ giúp quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương vượt sóng sau thời gian căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, thay vì đảo ngược chính sách bảo hộ của chính quyền tiền nhiệm, ông Biden đã giữ lại và thậm chí thúc đẩy nhiều chính sách trong số đó. Trước tình hình này, phía châu Âu bắt đầu lo ngại rằng bất kể ai chiến thắng trong cuộc tái đấu tiềm năng Trump - Biden vào tháng 11 tới thì chính sách Mỹ cũng sẽ không nghiêng theo chiều hướng có lợi cho châu Âu.

Châu Âu lo ngại xa rời Mỹ bất kể ông Trump hay ông Biden thắng cử. Ảnh: EUI

Châu Âu lo ngại xa rời Mỹ bất kể ông Trump hay ông Biden thắng cử. Ảnh: EUI

“Tuần trăng mật” đã kết thúc?

Theo The Wall Street Journal, giới quan sát cho rằng tổng thống Mỹ thời gian tới sẽ phải đối mặt với vô số cuộc tranh luận kinh tế gai góc để giữ cho quan hệ Mỹ - châu Âu không bị tổn hại. Mỗi vấn đề tồn đọng giữa hai bên đều có thể gây ra những tranh cãi ngoại giao, châm ngòi áp thuế quan hoặc các hạn chế thương mại khác, đồng thời làm suy yếu sự đoàn kết kinh tế giữa Mỹ và châu Âu.

Không lâu sau khi ông Biden nhậm chức, phía châu Âu ngỡ ngàng khi biết rằng nhà lãnh đạo Mỹ lại đồng quan điểm với ông Trump trong các vấn đề kinh tế quốc tế. Tổng thống và các cố vấn của ông coi thương mại toàn cầu tự do là mối đe dọa an ninh quốc gia, cảnh báo rằng nó đã làm suy yếu cơ sở công nghiệp của Mỹ, gây tổn hại cho người lao động Mỹ và cho phép Trung Quốc (TQ) thống trị các ngành công nghiệp quan trọng.

Tổng thống Biden vẫn tiếp tục duy trì các chính sách thời ông Trump, bao gồm áp đặt các rào cản thương mại, loại bỏ các khoản trợ cấp dành cho các công ty châu Âu nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Mỹ và khiến các đồng minh ngạc nhiên với những hạn chế chặt chẽ hơn nhằm ngăn TQ tiếp cận với công nghệ Mỹ.

Phần ông Trump, trong các cuộc vận động tranh cử ở bang South Carolina hôm 10-2, ông đã làm phương Tây dậy sóng sau phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cựu lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo sẽ cho phép Nga làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các quốc gia thành viên NATO “không tuân thủ” việc chi 2% tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng.

Theo đài CNBC, trong suốt quá trình vận động tranh cử, cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông có kế hoạch áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (gồm cả hàng xuất xứ từ châu Âu). Tạp chí The Economist đưa tin rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây tác dụng ngược đối với Mỹ và tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại toàn cầu. Theo đó, việc áp thuế quan sẽ khiến các quốc gia khác trả đũa Mỹ và gây tổn hại quan hệ của Mỹ với các đồng minh, làm suy yếu nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào TQ.

Trao đổi với đài France 2, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhận định rằng viêc ông Trump tái đắc cử “rõ ràng là một mối đe dọa” đối với châu Âu.

Sự đổ vỡ trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ khiến thế giới bị chia rẽ nhiều hơn.

Ông ERIK BRATTBERG, chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái ở Mỹ)

Châu Âu tự cứu mình

Theo The Wall Street Journal, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện một số bước để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội khối, nới lỏng một số quy định trợ cấp để giúp các chính phủ châu Âu dễ dàng cạnh tranh hơn với các ưu đãi công nghệ sạch của Mỹ.

Các quan chức châu Âu cũng cảnh báo Mỹ rằng các động thái của Washington nhằm cạnh tranh với TQ đang tạo ra thiệt hại ngoài dự tính trên khắp Đại Tây Dương. Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht nói với Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai trong chuyến thăm Washington hồi tháng trước rằng các bên nên thận trọng quản lý những khác biệt thương mại.

Vào tháng 10-2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và các quan chức EU khác đã đến Washington để tham dự một hội nghị thượng đỉnh với hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này nhưng không đạt kết quả khả quan. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis sau đó đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo để cố gắng giảm bớt tác động của các mức thuế còn lại và kết quả là vào cuối năm rồi, chính quyền ông Biden đã gia hạn việc đình chỉ áp thuế quan lên hàng châu Âu thêm hai năm.

Theo ông Bruce Stokes - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Marshall Fund (Mỹ), châu Âu nên chủ động tìm cách bảo vệ khối. Trong đó, ông đề xuất EU nên chú trọng tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự, củng cố các cơ chế ra quyết định của khối, chính thức hóa mối quan hệ giữa các bên liên quan xuyên Đại Tây Dương và đề phòng mọi nguy cơ rời xa của Mỹ.

Theo ông, Brussels và Washington nên bắt đầu bằng việc tái lập đối thoại doanh nghiệp xuyên Đại Tây Dương và các cuộc đối thoại khác với các bên liên quan. Việc thực hiện những bước đi như vậy sẽ khiến chính quyền Mỹ tương lai bị ràng buộc và gặp khó khăn hơn về mặt chính trị trong việc tháo gỡ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trước đó, cựu Đại sứ Mỹ tại EU Stuart Eizenstat cũng mách nước các cách hai bên Mỹ - EU có thể thực hiện để gìn giữ quan hệ. Theo ông, Washington và Brussels nên phát triển các cơ chế tham vấn song phương; đàm phán một sáng kiến ​​đầu tư và thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương với mục tiêu miễn thuế, dỡ bỏ các rào cản đầu tư... và cuối cùng là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ hằng năm.

Trump - Biden: Ai đang dẫn trước?

Kể từ tháng 1-2023 đến nay, tờ The Hill đã thực hiện 573 cuộc thăm dò sự ủng hộ của công chúng đối với ông Trump và ông Biden trong trường hợp hai ông tái đấu trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Theo The Hill, tính trung bình kết quả của các cuộc thăm dò này thì hiện ông Trump đang dẫn trước ông Biden 2,3 điểm phần trăm, với tỉ lệ lần lượt là 45,6% và 43,3%.

Ngoài ra, trung bình các cuộc thăm dò của RealClearPolitics cũng cho thấy cựu tổng thống đang dẫn trước đối thủ 1,9 điểm phần trăm, khi ông Trump và ông Biden lần lượt đạt 46,1% và 44,2%.

Nguồn: [Link nguồn]

Mặc dù từng khẳng định sẽ "không nhảy theo điệu" của ông Trump trong chính sách đối với NATO, các nhà lãnh đạo châu Âu đang có sự chuẩn bị để thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ, ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN