Hải quân Trung Quốc bị "phá" từ bên trong nhiều năm qua như thế nào?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trong vòng hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào chương trình hiện đại hóa hải quân với mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân xa bờ. Đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này là Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC).

Các thủy thủ hải quân Trung Quốc.

Các thủy thủ hải quân Trung Quốc.

Vụ bắt giữ cựu chủ tịch CSIC Hồ Vấn Minh (Hu Wenming) gần đây đã để lộ những góc khuất trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng vươn xa của hải quân Trung Quốc, theo The Diplomat.

Vụ bắt giữ Hồ Vấn Minh

Hồ Vấn Minh, 63 tuổi, là quan chức có mối quan hệ sâu rộng trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho lục quân, hải quân và không quân.

Hồ Vấn Minh trực tiếp giám sát nhiều dự án hệ trọng của quân đội Trung Quốc như tiêm kích J-10, máy bay Comac C919, Xian MA60 và gần đây nhất là hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Từ năm 2012 đến 2015, Hồ Vấn Minh là chủ tịch của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC). Đây là tập đoàn nhà nước cạnh tranh với CSIC trong các dự án đóng tàu ở các tỉnh phía đông và đông nam Trung Quốc

Tháng 3.2015, sau khi được điều chuyển sang làm chủ tịch CSIC, Hồ Vấn Minh bắt đầu vơ vét tài sản của CSIC, mở hàng loạt công ty con và thực hiện nhiều hành vi “phù phép” khác.

Cựu Chủ tịch CSIC, Hồ Vấn Minh mới bị bắt giữ để điều tra tham nhũng.

Cựu Chủ tịch CSIC, Hồ Vấn Minh mới bị bắt giữ để điều tra tham nhũng.

Để che giấu sai phạm, Hồ Vấn Minh là người chủ trương sáp nhập CSSC-CSIC thành một tập đoàn đóng tàu quân sự và dân sự duy nhất. Sự kiện sáp nhập diễn ra vào ngày 26.11.2019.

Nhưng Hồ Vấn Minh không ở lại để chờ giây phút lịch sử đó. Tháng 8.2019, Hồ Vấn Minh bất ngờ nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ chủ tịch CSIC.

Mãi đến ngày 12.5.2020, cái tên Hồ Vấn Minh mới được nhắc đến trong cuộc điều tra tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI).

Hồ Vấn Minh bị CCDI bắt giữ với “cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Từ năm 2015-2019, nhóm thanh tra của CCDI đã 3 lần ghé thăm CSIC, và mỗi lần đều phát hiện sai phạm.

Năm 2015, thanh tra CCDI chỉ ra các vấn đề như thiếu sự giám sát của đảng và các tổ chức kiểm tra kỷ luật, vi phạm quy định giữa các viện nghiên cứu, hồ sơ tài chính không đầy đủ, hối lộ để được tài trợ nghiên cứu, chuyển dự án nghiên cứu cho các công ty tư nhân, bán tài nguyên công ty và công nghệ vì lợi ích cá nhân, sử dụng vị trí của một người để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp của gia đình và bạn bè, vi phạm nội quy đảng và các quy định không đầy đủ về lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự.

Năm 2017, đoàn thanh tra của CCDI đột xuất tới CSIC và kết luận rằng lãnh đạo tập đoàn đã không khắc phục tất cả các vấn đề kết luận từ năm 2015.

Đến lần thanh tra thứ ba vào năm 2019, CCDI vẫn tiếp tục phát hiện những sai phạm ở CSIC, bao gồm sự thiếu tập trung dân chủ trong các hoạt động của công ty và một số lãnh đạo công ty đã không khai báo trung thực.

Các hoạt động tuyển dụng không nghiêm ngặt, nổi cộm vấn đề về chủ nghĩa thân hữu, con ông cháu cha. Một số lãnh đạo công ty thờ ơ với kỷ luật của đảng và cố tình lợi dụng chức vụ để thu lợi riêng.

Lần lượt các quan chức của CSIC bị bắt cho đến cấp cao nhất là Tổng giám đốc Tôn Ba và mới đây là cựu Chủ tịch Hồ Vấn Minh.

Tôn Ba bị kết tội nhận hối lộ tổng cộng 8,64 triệu USD, lạm dụng quyền lực, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia Trung Quốc. Tháng 7.2019, Tôn bị kết án 12 năm tù giam.

Có thông tin cho rằng Tôn đã tiết lộ bí mật tàu sân bay Liêu Ninh cho tình báo nước ngoài. Nhưng cáo buộc này không được nhắc đến trong cáo trạng.

Mối đe dọa với hải quân Trung Quốc

Ngay cả vụ bắt giữ cựu chủ tịch Hồ Vấn Minh cũng có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, theo The Diplomat. CSIC đã đồng hành với sự phát triển của hải quân trong suốt hai thập kỷ qua.

Tàu sân bay Sơn Đông của hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông của hải quân Trung Quốc.

CSIC chịu trách nhiệm giám sát hoạt động thiết kế, phát triển, thử nghiệm các chương trình liên quan đến dự án chế tạo tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường, tàu nổi và các trang thiết bị vũ khí.

Trước khi sáp nhập vào CSSC, CSIC có 46 công ty con, 28 viện nghiên cứu, 140.000 nhân viên và khối tài sản lên tới 190 tỷ nhân dân tệ (khoảng 27 tỷ USD)

Theo The Diplomat, tình trạng tham nhũng sâu rộng của CSIC tác động trực tiếp đến khả năng chiến đấu của hải quân Trung Quốc. Lý do thứ nhất nằm ở chất lượng trang thiết bị vũ khí mà CSIC chế tạo cho hải quân.

Để đối phó tình hình, hải quân Trung Quốc cũng có đơn vị kiểm tra chất lượng riêng. Nhưng ngay cả như vậy thì cũng không loại bỏ hoàn toàn được rủi ro.

Thứ hai, tình trạng tham nhũng ở CSIC tác động trực tiếp đến tinh thần làm việc và năng lực hỗ trợ hải quân. Nhiều nhân viên của CSIC bày tỏ sự bất mãn về cách các công ty con, viện nghiên cứu trực thuộc tập đoàn hoạt động.

Cuối cùng, tình trạng cá nhân tham nhũng trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Trung Quốc tạo ra rủi ro an ninh đối với hải quân nước này, do khả năng để lọt bí mật quân sự là rất lớn.

Nói cách khác, tình trạng tham nhũng ở tập đoàn đóng tàu quân sự nhà nước mở toang cánh cửa để tình báo nước ngoài thu thập bí mật vũ khí - ảnh hưởng đến khả năng tác chiến thành công của hải quân Trung Quốc, theo The Diplomat.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ ”trở lại mạnh mẽ” với kế hoạch bóp nghẹt hải quân Trung Quốc

Trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về đại dịch Covid-19, cuộc đối đầu lâu dài giữa 2 nước này đang ở bước ngoặt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - The Diplomat ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN