Covid-19 và mở cửa trở lại: Nơi dè dặt, nơi chưa dám

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Với kế hoạch tái mở cửa nghiêm ngặt, ngành du lịch vốn chiếm 11% nền kinh tế Singapore phải đợi đến năm 2023 mới hồi phục như trước đại dịch Covid-19

Một ngày sau khi nới lỏng các hạn chế phòng dịch ở thủ đô Bangkok và các tỉnh "vùng đỏ" khác do số ca mắc và tử vong có xu hướng giảm dần, Thái Lan sáng 2-9 thông báo ghi nhận thêm 14.956 ca mắc Covid-19 mới và 262 ca tử vong trong 24 giờ trước đó.

Trao đổi với báo giới ngày 1-9, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết sẽ xem xét rút ngắn hoặc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ở "vùng đỏ" - hiện từ 9 giờ tối tới 4 giờ sáng hôm sau - tùy theo diễn biến dịch. Cũng theo ông Prayut, chỉ căn cứ vào số ca mắc và tử vong để đánh giá toàn bộ hệ thống y tế là không công bằng, mà phải xét thêm số bệnh nhân khỏi bệnh. Tính đến ngày 1-9, Thái Lan ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 1 triệu bệnh nhân hồi phục và hơn 12.100 người tử vong.

Bảo vệ kế hoạch tái mở cửa đất nước từ giữa tháng 10 tới mà Thủ tướng Prayut công bố, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn làm rõ kế hoạch 3 giai đoạn nhằm cứu mũi nhọn du lịch. Giai đoạn đầu tiên đã khởi động từ đầu tháng 7 vừa qua, với 3 dự án tại 4 tỉnh Phuket, Surat Thani, Phangnga và Krabi. Giai đoạn thứ hai dự kiến từ ngày 1-10, với thêm 5 tỉnh - bao gồm Bangkok - sẵn sàng đón du khách và giai đoạn thứ ba là từ ngày 15-10 tới, với thêm 21 tỉnh tham gia.

Nhiều chuyên gia nhận định quyết định của Thái Lan là để cứu nền kinh tế chứ không phải do đã khống chế được dịch bệnh. Theo Reuters, Thái Lan gần đây có tỉ lệ ca xét nghiệm dương tính là 34%, cao hơn nhiều so với mức 5% mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin còn rất thấp so với mục tiêu, với khoảng 30% dân số Thái Lan được tiêm mũi đầu tiên, 11% được tiêm 2 mũi, theo báo Bangkok Post.

Sức ép kinh tế cũng là lý do khiến Singapore dò dẫm tìm đường mở cửa trở lại. Reuters cho biết năm ngoái kinh tế Singapore suy giảm kỷ lục 5,4% nên khó lòng đóng cửa lâu hơn nữa. Nhiều người dân cũng tỏ ra mất kiên nhẫn, nhất là khi đảo quốc này đã tiêm chủng cho 80% dân số - cao hàng đầu thế giới.

Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok khởi sắc khi các chuyến bay nội địa đến từ “vùng đỏ” được nối lại hôm 1-9 Ảnh: BANGKOK POST

Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok khởi sắc khi các chuyến bay nội địa đến từ “vùng đỏ” được nối lại hôm 1-9 Ảnh: BANGKOK POST

Theo dữ liệu chính phủ, số ca mắc mới tuần trước ở Singapore vẫn trên 100 ca/ngày nhưng số bệnh nhân nguy kịch rất thấp, tính tới ngày 1-9 chỉ còn 19 người phải thở máy và 5 người được chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm của Trường ĐH Minnesota (Mỹ) cảnh báo: "Với loại virus này thì việc 20% dân số chưa được bảo vệ cũng có thể làm tăng đột biến số ca mắc và nhập viện".

Bắt đầu từ tuần sau, Singapore cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ đến từ Đức và Brunei nhập cảnh mà không cần cách ly, còn trong nước vẫn bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không cho tụ tập đông người… "Chúng ta phải đi từng bước một, không thể nhảy cóc như một số nước" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu cuối tuần rồi. Chuyên gia Sung Eun Jung tại Công ty Oxford Economics (Anh) ước tính với kế hoạch tái mở cửa nghiêm ngặt này, ngành du lịch vốn chiếm 11% nền kinh tế Singapore phải đợi đến năm 2023 mới hồi phục như trước đại dịch. Năm nay kinh tế Singapore được dự báo tăng trưởng khoảng 6%-7%.

Cách tiếp cận của Singapore nhận được sự chú ý của Úc, theo ông Peter Collignon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Canberra. Reuters cho biết một số bang ở Úc đang chuẩn bị chuyển từ chống dịch sang sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, Hiệp hội Y tế Úc (AMA) hôm 2-9 cảnh báo các bệnh viện của nước này chưa sẵn sàng với kế hoạch mở cửa trở lại của chính phủ dù đã có khoảng 36% người trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ tại Úc.

Khó xử không kém là Indonesia, theo tạp chí Nikkei Asia. Thủ đô Jakarta sắp dỡ bỏ hạn chế phòng dịch vốn được áp dụng từ đầu tháng 7 nhờ 54% trong tổng số gần 11 triệu dân ở đây đã được tiêm chủng đầy đủ và 92% được tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên, tỉ lệ này trên cả nước Indonesia mới lần lượt là 13% và 23%.

Vào ngày 31-8, Indonesia ghi nhận 10.534 ca mắc mới và 532 trường hợp tử vong, nâng tổng số số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4,1 triệu và hơn 133.000. Số ca mắc đã giảm ấn tượng nếu so với khoảng 50.000 ca hồi đỉnh dịch giữa tháng 7 song số ca tử vong ở Indonesia hiện vẫn cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ - gần 700 ca/ngày vào tuần trước. Theo ông Wiku Adisasmito, phát ngôn viên phòng chống Covid-19 của chính phủ, để giảm số ca tử vong, sắp tới các địa phương sẽ đẩy mạnh cách ly tập trung để theo dõi bệnh nhân tốt hơn. 

Nguồn: [Link nguồn]

Thái Lan ngày đầu thử nghiệm ”sống chung với dịch bệnh COVID-19”

Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 sau khi số ca mắc mới trong ngày có xu hướng giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẢI NGỌC ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN