Những hung thủ ngủ không nhắm mắt

 Rất nhiều hung thủ giết người trắng án sau khi được kết luận là thực hiện hành vi giết người khi đang mộng du - tình huống đặt ra câu hỏi lớn cho ngành khoa học pháp lý.

Giết người khi mộng du - một tình tiết tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết trinh thám nhưng lại xảy ra không dưới một lần ngoài đời thực. Tình tiết đặt ra câu hỏi rằng liệu pháp luật có bảo vệ được nạn nhân khi hung thủ tưởng mình đang tự vệ trong cơn mộng?

Dưới đây là những câu chuyện giết người khi mộng du đã xảy ra ở một số nước và kết luận của tòa, theo tờ The Guardian.

Những thảm kịch do mộng du

Vụ án thứ nhất

1 giờ 30 sáng 24-5-1987, anh Kenneth Parks - một công nhân ngành điện tử, 23 tuổi, sống tại TP Toronto (Canada) - khi đó đã ngủ quên trên ghế sofa trong lúc đang xem chương trình hài nổi tiếng Saturday Night Live.

Mở mắt thức dậy, Parks thấy mình không còn nằm trên sofa mà đang đứng ở một ngôi nhà khác với con dao trên tay, vết máu trên người và mẹ vợ Parks đang nằm chết dưới sàn nhà.

Parks không còn nhớ gì về những chuyện vừa xảy ra cũng như làm thế nào anh này có thể đi được quãng đường hơn 20 km từ nhà mình đến nhà bố mẹ vợ. Trong cơn hoảng loạn, anh này đã bỏ chạy và lái xe đến đồn cảnh sát gần nhất, sau đó khai báo một cách lạnh lùng: “Tôi nghĩ tôi đã giết một vài người”.

Tại hiện trường vụ việc, cảnh sát phát hiện bố vợ của Parks đã bị siết cổ đến bất tỉnh, mẹ vợ anh này bị đâm 5 nhát dẫn đến chảy máu não do vỡ hộp sọ và chết tại chỗ. Trong bảy lần lấy khẩu cung sau đó, Parks vẫn trả lời một cách nhất quán rằng anh ta không có ký ức về những gì đã xảy ra, không có động cơ giết bố mẹ vợ và những gì nam thanh niên này nhớ được là trước khi ngủ quên và sau khi đã giết người.

Câu chuyện của Parks đã trở thành đề tài thảo luận của các nhà tâm lý học tội phạm trong suốt nhiều thập niên và phần đáng chú ý nhất của câu chuyện chính là kết luận của tòa. Bất chấp mọi bằng chứng rõ ràng rằng Parks là hung thủ giết người, tòa kết án anh này vô tội sau khi anh ta bào chữa rằng mình thực hiện hành vi trong trạng thái không có nhận thức.

Parks sau đó trở lại cuộc sống bình thường và có 6 người con.

Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: THE GUARDIAN

Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: THE GUARDIAN

Vụ án thứ hai

Tháng 1-1859, bà Esther Griggs - một phụ nữ nghèo ở thủ đô London (Anh) đã bị bắt vì ném con của mình ra cửa sổ khiến đứa bé tử vong.

Theo lời khai của bà Griggs, sự việc xảy ra khi bà này đang ngủ cùng với ba đứa con và mơ thấy ngôi nhà của mình bốc cháy. Để cứu các con khỏi đám lửa, người phụ nữ này đã ném một trong ba đứa bé ra cửa sổ và hét lên: “Cứu các con của tôi!”.

Tòa án sau đó tuyên bà Griggs trắng án vì tin rằng bà này hành động trong lúc mộng du.

Vụ án thứ ba

Vào ngày 9-4-1878, ông Simon Fraser - một người cha có hai con, sống ở TP Glasgow (Scotland) đã cứu gia đình mình khỏi sự tấn công của một con thú dữ.

Tỉnh dậy, ông Fraser không thấy con thú dữ nào mà chỉ thấy bản thân đã giết chết đứa con trai 18 tháng tuổi của ông.

Tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa đã chứng minh rằng ông Fraser có tiền sử về chứng sợ ban đêm và có xu hướng mộng du bạo lực, bằng chứng là ông này đã từng một lần bóp cổ em gái khi ông đang ngủ.

Tòa bác bỏ vụ kiện ông Fraser tội giết người nhưng yêu cầu người đàn ông này phải ngủ một mình trong căn phòng khóa kín đến suốt đời.

Những hung thủ ngủ không nhắm mắt

Những sự cố giết người khi mộng du đặt ra câu hỏi rằng liệu hung thủ có thực sự ngủ trong lúc thực hiện hành vi giết người hay không và thông thường việc thức hay ngủ được xác định thông qua việc hung thủ nhắm mắt hay mở mắt khi thực hiện tội ác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nhắm hay mở mắt không đủ để xác định trạng thái ý thức của não.

TS Guy Leschziner - một nhà thần kinh học và là chuyên gia về rối loạn giấc ngủ - cho rằng để xác định một người ngủ hay thức cần lưu tâm đến hiện tượng “giấc ngủ cục bộ”, tức một hiện tượng thần kinh mà trong đó hoạt động não của sinh vật đang thức sẽ chuyển sang trạng thái gần giống với trạng thái ngủ.

“Hầu hết chúng ta nghĩ rằng tỉnh táo có nghĩa là bộ não của chúng ta hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng trên thực tế, những vùng nhỏ trong não của chúng ta liên tục chìm vào giấc ngủ. Cảm giác tỉnh táo và nhìn như đang tỉnh táo không có nghĩa là não đang hoạt động đầy đủ” - theo TS Leschziner.

Vị chuyên gia cho rằng khi một người trong trạng thái mộng du các phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc, chuyển động và thị giác thể hiện trạng thái thức, trong khi đó các phần não chịu trách nhiệm về suy nghĩ lý trí và trí nhớ lại trong trạng thái ngủ. “Đó là lý do vì sao con người có những hiện tượng kỳ lạ khi ngủ” - TS Leschziner nói thêm.

Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: GETTY IMAGES

Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: GETTY IMAGES

Quay trở lại một vụ án hình sự khác, xảy ra vào năm 1997. Ông Scott Falater, một kỹ sư sống tại TP Phoenix (bang Arizona, Mỹ) đã giết chết người vợ chung sống 20 năm với ông này và bào chữa rằng mình đang mộng du khi thực hiện hành vi giết người. Người đàn ông này đã đâm vợ mình 44 nhát, giấu quần áo của nạn nhân trong xe hơi rồi dìm đầu bà trong bể bơi ở khuôn viên nhà.

Tại tòa, luật sư bào chữa nói rằng ông Falater bị mộng du và đây là căn bệnh di truyền của gia đình ông. Tuy nhiên, lần này phần thắng không thuộc về hung thủ. Một hàng xóm của gia đình ông Falater đã khai với tòa rằng người này nhìn thấy ông Falater đã đuổi con chó của hai vợ chồng ra nơi khác trong lúc giết người. Tòa cho rằng tình tiết này là bằng chứng về ý thức của ông Falater và kết án ông này tội giết người cấp độ 1 (mức độ nghiêm trọng nhất trong tội giết người ở Mỹ).

Từ tình tiết con chó trong vụ án này, các chuyên gia cho rằng ranh giới mờ nhạt giữa “thức” hay “ngủ”, giữa “tỉnh táo” hay “mất ý thức” đặt ra thách thức cho thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết.

“Không có câu trả lời chung về cách xử lý mộng du trong luật hình sự”- bà Ramya Nages, luật sư về tội phạm hình sự nói với tờ The Guardian.

Đồng quan điểm, TS Leschziner gợi ý một số câu hỏi để tòa có thể xác định liệu rằng bị cáo có mắc chứng mộng du hay không, bao gồm: Bị cáo có tiền sử mộng du không? Có bằng chứng nào về chứng rối loạn giấc ngủ của bị cáo mà các thành viên trong gia đình xác nhận hay không? Nguyên nhân gây ra cơn mộng du? Hành vi của bị cáo có phù hợp với chứng mộng du không?.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học pháp y, việc sử dụng chứng mộng du để thoát tội không còn dễ dàng. Các bác sĩ ngày nay có thể gắn các điện cực vào một người để xác định hành vi người đó thực hiện có phải là triệu chứng của mộng du hay không, theo tờ The Guardian.

Nguồn: [Link nguồn]

Tại sao lại có phụ nữ yêu mê mệt một kẻ giết người hàng loạt? Điều này có liên quan đến lý do tại sao chúng ta lại yêu tội phạm thực sự đến vậy không? Các chuyên gia đã đi sâu vào hiện tượng tâm lý được gọi là "Hybristophillia".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN