Giải mã chiến lược dập dịch trong 40 ngày của Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trung Quốc tiếp tục chứng tỏ hiệu quả biện pháp phong tỏa, cách ly cứng rắn kết hợp xét nghiệm diện rộng.

Hồi ngày 23-8, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) cho biết không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng nào lần đầu tiên kể từ cuối tháng 7, thời điểm biến thể Delta xâm nhập và lây lan rộng ở các tỉnh, TP miền đông nước này. Như vậy, đợt dịch mới nhất đã được TQ kiểm soát một cách tốt nhất trong vòng chưa đầy 40 ngày.

Một người dân ở TP Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 ngày 15-8. Ảnh: CHINA DAILY 

Một người dân ở TP Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 ngày 15-8. Ảnh: CHINA DAILY 

Phân tích chiến lược chống dịch của Trung Quốc

Theo chuyên gia Wang Guangfa thuộc ĐH Bắc Kinh (TQ), chiến lược chống dịch trong đợt dịch lần này về cơ bản không khác nhiều so với chiến lược sử dụng để đẩy lùi đợt bùng phát của chủng virus SARS‑CoV‑2 vào đầu năm ngoái. Đầu tiên, hệ thống y tế TQ vẫn tập trung đẩy mạnh “bốn sớm” - phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các ca F0 và F1 trong cộng đồng.

Đơn cử, TP Dương Châu, tỉnh Giang Tô, tính đến nay đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 4,5 triệu dân 12 lần. Một TP khác cũng thuộc Giang Tô là Nam Kinh, tâm điểm đợt dịch lần này, tổ chức xét nghiệm bảy lần cho 4,5 triệu dân, còn TP Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) tiến hành xét nghiệm năm lần. Một khi các ca dương tính được phát hiện, những ca này cùng những người tiếp xúc gần với họ được cách ly ngay lập tức và đưa đi điều trị. Giới chức TQ còn áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để “nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ”, cô lập những nhóm nguy cơ cao trong các khu tập trung và đẩy nhanh tốc độ chia sẻ thông tin giữa các vùng.

Ngoài ra, học hỏi từ những kinh nghiệm chống dịch trong đợt dịch năm ngoái, giới chức y tế và lãnh đạo chính trị TQ tiếp tục quan điểm không khoan nhượng khi ngay lúc có tin bùng dịch, tất cả tỉnh, TP bị ảnh hưởng lập tức ban lệnh phong tỏa trên diện rộng. Chỉ đến gần đây thì các TP thuộc tỉnh Giang Tô, Tứ Xuyên và thủ đô Bắc Kinh mới bắt đầu ra thông báo sẽ gỡ dần các biện pháp hạn chế, khôi phục sản xuất và cuộc sống bình thường.

Thái độ không khoan nhượng còn được thể hiện qua nỗ lực chấn chỉnh năng lực nhân sự quản lý ở các địa phương có dịch. Ông Wang cho biết đợt dịch lần này bùng phát phần lớn là nằm ở khâu quản lý lỏng lẻo các nhân viên vệ sinh tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở Nam Kinh, khiến các nhân viên này nhiễm bệnh rồi mang mầm bệnh vào cộng đồng. Các địa điểm giải trí công cộng như các sòng mạt chược tại TP Dương Châu cũng bị lơ là, biến những nơi này thành “mắt bão” trong đợt dịch mới.

“Kiểm soát nguồn lây nhiễm và cắt đứt chuỗi lây nhiễm là hai cách chính để ngăn chặn và khống chế bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào ở đại lục. Nếu những người liên quan không thực hiện tốt công việc giám sát và bảo vệ sức khỏe hằng ngày, họ sẽ khiến các ổ dịch xuất hiện bất kỳ lúc nào” - ông Wang nhận định.

Cùng với việc xác định rõ trách nhiệm như trên, ít nhất 70 quan chức địa phương sau đó đã bị kỷ luật. Vài người trong số họ bị cách chức hoặc sa thải, trong khi số khác bị cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm trong công tác đối phó với sự bùng phát dịch tại địa phương. Các bệnh viện và chính quyền địa phương có dịch được yêu cầu nỗ lực hơn nữa nhằm tối ưu hóa việc sắp xếp nhân sự phòng chống dịch tại các bệnh viện, không giảm lương của họ để củng cố thành tích đã đạt được.

Trung Quốc sẵn sàng hy sinh kinh tế để chống dịch

Trả lời tờ South China Morning Post, chuyên gia Fang Zihao thuộc ĐH Koc (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định thành công chống dịch của TQ cho thấy chiến lược phong tỏa, cách ly và truy quét triệt để F0 trong cộng đồng vẫn đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là TQ có thể phải chấp nhận trả giá về kinh tế nếu cứ tiếp tục duy trì các biện pháp này trong tương lai. Ông Fang dự báo các biện pháp mạnh tay có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế TQ trong những tháng tới.

“Dù các ca nhiễm mới đã giảm mạnh và ngày càng có thêm nhiều người được tiêm chủng, tôi nghĩ rằng các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 vẫn sẽ tồn tại lâu dài, tác động tiêu dùng và tâm lý người dân, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ” - ông Fang nhấn mạnh.

Ngoài ra, lúc đợt bùng phát lần này lan rộng đã dẫn tới một cuộc tranh luận về việc liệu TQ có nên bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 như một số nước trên thế giới đang làm hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia giờ đây có đủ cơ sở để cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chiến lược không khoan nhượng, ít nhất là trong tương lai gần.

“Dù chính sách ứng phó với COVID-19 hiện nay của TQ gây ra nhiều gián đoạn và tốn kém, họ đã thiết lập được một loạt biện pháp hiệu quả mà tôi không nghĩ sẽ dễ dàng bị loại bỏ. Người dân TQ về cơ bản cũng đã quen với những biện pháp này và không phàn nàn nhiều. Hiệu quả của những biện pháp đó đã được thấy rõ, thể hiện ở số ca nhiễm gần đây giảm đáng kể” - chuyên gia Zhengming Chen thuộc ĐH Oxford (Anh) đánh giá.

Đồng quan điểm, Hoàn Cầu thời báo còn dẫn ý kiến của một vài chuyên gia dịch tễ học ở Bắc Kinh tỏ ra lạc quan khi cho rằng trong tương lai, cách ứng phó của TQ có thể nhanh và chính xác hơn vì nước này sẵn sàng điều chỉnh mô hình chống virus không khoan nhượng bất cứ lúc nào, khi đối mặt với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới hơn.

Những điều TQ làm được thật sự rất đáng ghi nhận bởi việc quản lý và kiểm soát dịch ở nước này về bản chất rất khó khăn, do TQ có dân số khổng lồ với nhiều cảng biển và sân bay thông thương ra nước ngoài. Lãnh thổ TQ cũng rộng lớn với nhiều phân cấp quản lý khác nhau ở các khu vực, đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phối hợp chống dịch.

Chuyên gia WANG GUANGFA,ĐH Bắc Kinh

Ngoài các biện pháp xét nghiệm, cách ly và phong tỏa thì một phần không nhỏ thành công chống dịch của TQ cũng đến từ chiến dịch tiêm vaccine đại trà tương đối suôn sẻ của nước này. Theo thống kê của tờ The New York Times, TQ đến nay đã tiêm được hơn 1,96 tỉ liều vaccine ngừa dịch COVID-19, trong đó 56% dân số được tiêm đủ liều. Bắc Kinh và Thượng Hải là hai TP đang dẫn đầu cả nước về tiêm chủng với hơn 80% người trưởng thành đã hoàn thành cả hai mũi tiêm - tức chạm ngưỡng thiết lập miễn dịch cộng đồng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra. 

Nguồn: [Link nguồn]

35 ngày dập dịch COVID-19 thần tốc của Trung Quốc

Ngày 23/8, Trung Quốc đã kiểm soát được đợt bùng phát diện rộng mới nhất trong vòng 35 ngày vì không có ca mắc COVID-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN