Điểm mặt những vũ khí "làm mưa, làm gió" trên chiến trường năm 2023
Máy bay không người lái (UAV)
Sự xuất hiện và màn trình diễn của các máy bay không nười lái (UAV) trên các chiến trường, đặc biệt là trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đã cho thấy đây thực sự là tương lai của tác chiến hiện đại. Giá thành rẻ hơn nhiều tên lửa, khả năng phá hủy vũ khí uy lực trên chiến trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại về nhân lực là những ưu điểm khiến các bên tin dùng UAV.
Một trong những UAV nổi bật nhất trên chiến trường năm qua là Lancet do Nga sản xuất. Mẫu UAV này thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.
UAV Lancet của Nga. Ảnh: Sputnik
Xung đột Nga - Ukraine cũng ghi nhận 2 bên sử dụng ngày càng gia tăng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Đây là những UAV chỉ có giá vài trăm tới vài nghìn USD, có cấu tạo tương đối thô sơ. Điểm nổi bật là chúng được trang bị camera giúp người điều khiển quan sát chính xác mục tiêu để thả thuốc nổ hoặc cho UAV lao thẳng xuống để phá hủy.
Giới phân tích nhận định, Ukraine thống trị hoạt động sản xuất FPV vào đầu năm 2023, nhưng Nga kể từ đó đã đẩy mạnh các chương trình sản xuất của riêng mình. Chuyên gia Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sợ tại Mỹ trước đó nhận định rằng Nga có lẽ đang sản xuất các mẫu FPV với số lượng "tăng theo cấp số nhân".
Trong cuộc xung đột Israel - Hamas, các mẫu UAV cũng được xem đã giúp cho lực lượng vũ trang của người Palestine đạt lợi thế ban đầu khi tấn công bất ngờ vào lãnh thổ do Tel Aviv sản xuất. Tháng 10/2023, Hamas đã sử dụng một phi đội UAV thô sơ để kích hoạt vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu Israel.
Ngoài ra, các UAV của Hamas còn chủ động tấn công vũ khí hạng nặng của Israel, như xe tăng Merkava-4, làm giảm bớt năng lực quân sự của đối phương để tấn công hiệu quả hơn. UAV cũng có thể hỗ trợ cho lực lượng yếu thế hơn trong một cuộc chiến bất đối xứng. Sự nguy hiểm của vũ khí này có thể giúp các bên có được lợi thế trong hoạt động tác chiến tương lai.
Vũ khí tác chiến điện tử
Tác chiến điện tử là hình thức triển khai vũ khí hoặc chiến thuật có sử dụng quang phổ điện tử và đang được quân đội của cả Nga và Ukraine nhắm đến. Hình thức tác chiến này hoạt động chủ yếu thông qua các thiết bị gây nhiễu điện tử có khả năng làm tê liệt hệ thống nhắm bắn bằng định vị GPS, khiến tên lửa trượt mục tiêu.
Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của quân đội Nga. Ảnh: Getty Images
Sau khi xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Nga không chỉ xây dựng các chiến tuyến kiên cố mà còn cả hệ thống phòng thủ điện tử đáng gờm. Điều này buộc quân đội Ukraine ở tiền tuyến đang phải thích nghi nhanh chóng. Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi hồi đầu tháng 11/2023 nói rằng "chìa khóa chiến thắng" của Ukraine trong một cuộc chiến mà UAV đóng vai trò chủ chốt chính là có thêm các tổ hợp tác chiến điện tử.
Trong khi đó, tại Dải Gaza, cả Israel và Hamas đều đã triển khai các hệ thống tác chiến điện tử (EW) tối tân nhằm vô hiệu vũ khí của đối phương. Hamas đang ngày càng làm chủ năng lực tác chiến điện tử, nhờ sự ủng hộ từ những lực lượng đồng minh trong khu vực và mức độ phổ biến của công nghệ hiện đại. Với những vũ khí này, Hamas có thể cản trở năng lực do thám, trinh sát tình báo (ISR) và mạng lưới UAV của Israel ở tầm thấp hoặc trên mặt đất ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Israel đã phát triển nhiều module tấn công điện tử vác vai của riêng mình và đã bán các hệ thống phản ứng gây nhiễu MCTECH MC-4/8-RA từ năm 2018. Việc phát triển các mô-đun nhỏ như vậy đã được thúc đẩy nhanh chóng kể từ đó và các lực lượng Israel sẽ tìm cách tận dụng lợi thế của nó trong phạm vi giới hạn của thành phố Gaza.
Xuồng không người lái cảm tử
Một trong những vũ khí nổi bật trong năm 2023 không thể không nhắc tới là xuồng không người lái tấn công tự sát. Xuồng không người lái được chế tạo dựa trên sự kết hợp giữa mô tô nước và ca nô.
Vũ khí này được nhận định là nhanh, nhỏ gọn và chính xác hơn nhiều so với tàu có thủy thủ đoàn. Ukraine lần đầu sử dụng xuồng cảm tử không người lái trong một cuộc tấn công vào cảng Sevastopol hồi tháng 10/2022 và đến nay đã làm hư hại nhiều chiến hạm Nga.
Xuồng không người lái Sea Baby của Ukraine. Ảnh: Pravda
Theo chuyên gia hải quân Nicholas Johnson của Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc có trụ sở tại Mỹ), việc sử dụng xuồng không người lái "đã cung cấp cho lực lượng Ukraine khả năng bất đối xứng, thách thức Hạm đội Biển Đen lớn hơn và có năng lực hơn của Nga".
Ông Vasyl Malyuk – lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cũng từng chia sẻ với Ukrainska Pravda rằng xuồng không người lái của hải quân đã phát huy hiệu quả trong việc giáng những đòn đáng kể vào Nga ở khu vực Biển Đen, chẳng hạn như việc nhắm mục tiêu thành công vào Cầu Crimea vào tháng 7/2023 cũng như gây thiệt hại cho tàu đổ bộ Olenegorskiy Gornyak và tàu chở dầu SIG của Nga.
Tháng trước, SBU cũng từng tiết lộ rằng bên cạnh việc sử xuồng không người lái được biến đển phổ biến là “Sea Baby” ở Biển Đen, cơ quan này hiện còn sở hữu một thiết bị tương tự có khả năng vượt trội khác mang tên “Mamai” với tốc độ tối đa có thể lên tới 110 km/h.
Trong khi đó, Nga cũng đang nỗ lực phát triển xuồng không người lái của riêng mình. Ông Mikhail Danilenko - Giám đốc Điều hành Công ty Công nghiệp Quân sự KMZ của Nga trước đó cho biết, đến cuối năm 2023, lô đầu tiên gồm 10 chiếc xuồng không người lái của Hải quân Nga sẽ được chế tạo và đưa đi thử nghiệm.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2-2 hoan nghênh lô hàng gồm hai hệ thống phòng không mới được chuyển đến mà ông cho rằng có thể “bắn hạ bất cứ thứ gì”.