Đằng sau việc Thủ tướng Bangladesh vội vã chạy ra nước ngoài
Trong đêm trước khi nhà lãnh đạo kỳ cựu Sheikh Hasina đột ngột chạy khỏi Bangladesh giữa làn sóng biểu tình đẫm máu, người đứng đầu quân đội nước này đã họp với các tướng lĩnh và quyết định sẽ không nổ súng vào dân thường để thực thi lệnh giới nghiêm, hai sĩ quan quân đội tiết lộ với Reuters.
Bức tranh tường vẽ chân dung Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina bị người biểu tình phá hoại. (Ảnh: Reuters)
Sau đó, tướng Waker-Uz-Zaman đã liên lạc với văn phòng của Thủ tướng Hasina để truyền đạt thông điệp rằng quân đội sẽ không thể thực hiện lệnh giới nghiêm như bà mong muốn, một quan chức Ấn Độ được thông báo về vấn đề này cho biết.
Quan chức này cho biết, thông điệp được gửi đi rất rõ ràng: Thủ tướng Hasina không còn nhận được sự ủng hộ của quân đội nữa.
Điều này giải thích tại sao 15 năm cầm quyền của bà Hasina kết thúc đột ngột, với việc bà vội vã rời khỏi Bangladesh để sang Ấn Độ.
Lệnh giới nghiêm toàn quốc được áp dụng sau khi ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ trên toàn quốc hôm 4/8, tạo nên ngày đẫm máu nhất Bangladesh kể từ khi phong trào biểu tình của sinh viên nổ ra vào tháng 7.
Trung tá Sami Ud Dowla Chowdhury, người phát ngôn quân đội Bangladesh, xác nhận cuộc họp diễn ra ngày 4/8, nhưng ông không trả lời cụ thể về quyết định được đưa ra tại cuộc họp đó.
Bà Hasina và Sajeeb Wazed - con trai kiêm cố vấn của bà, không phản hồi đề nghị bình luận.
Bà Hasina lãnh đạo Bangladesh trong 20 năm. Tháng 1 năm nay, bà tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo thứ tư của quốc gia 170 triệu dân.
Quyền lực vững chắc của bà bị thách thức từ mùa hè năm nay, khi phong trào biểu tình nổ ra để phản đối phán quyết của tòa án về việc dành các vị trí công việc trong chính phủ cho một bộ phận dân số nhất định, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức rất cao.
Quyết định đã bị đảo ngược, nhưng phong trào biểu tình nhanh chóng biến cuộc đấu tranh đòi Thủ tướng Hasina từ chức.
Tướng Zaman không công khai giải thích quyết định thôi ủng hộ bà Hasina, nhưng quy mô biểu tình và ít nhất 241 chết trong phong trào xuống đường đã khiến quân đội nhận thấy việc ủng hộ Thủ tướng Hasina bằng mọi giá là điều không thể chấp nhận được, ba cựu sĩ quan quân đội cấp cao của Bangladesh nói với Reuters.
"Có rất nhiều bất an trong quân đội. Đó có lẽ là điều gây áp lực lên tổng tham mưu trưởng, vì quân đội đã chứng kiến những gì xảy ra", Chuẩn tướng đã nghỉ hưu M. Sakhawat Hossain cho biết.
Người phát ngôn của quân đội Chowdhury cho biết, ông M. Sakhawat Hossain đã tuyên bố tính mạng con người cần phải được bảo vệ và ông kêu gọi các sĩ quan kiên nhẫn.
Đó được coi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy quân đội Bangladesh sẽ không đàn áp mạnh mẽ các cuộc biểu tình phản đối bà Hasina.
Ngày 5/8, tức ngày đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc, bà Hasina ẩn náu bên trong "Cung điện nhân dân" Ganabhaban. Đó là khu phức hợp được canh gác nghiêm ngặt tại thủ đô Dhaka, nơi ở của bà.
Bên ngoài, đám đông tụ tập trên khắp các tuyến phố. Hàng chục nghìn người hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường để lật đổ thủ tướng.
Theo quan chức Ấn Độ và hai nguồn tin Bangladesh nắm được nội tình, khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, nhà lãnh đạo 76 tuổi quyết định rời khỏi đất nước trong sáng 5/8.
Bà Hasina và chị gái, người sống ở London nhưng đang ở Dhaka vào thời điểm đó, đã bàn với nhau và cùng bay đi. Họ rời đi vào khoảng giờ ăn trưa (giờ địa phương).
Nhiều người Bangladesh ăn mừng sau khi Thủ tướng Hasina từ chức. (Ảnh: Reuters)
Thế khó của Ấn Độ
Sáng 6/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu trước quốc hội nước này rằng New Delhi thúc giục “các lực lượng chính trị mà chúng tôi đã liên lạc" giải quyết tình hình thông qua đối thoại.
Nhưng khi đám đông tụ tập tại Dhaka vào 5/8 bất chấp lệnh giới nghiêm, bà Hasina quyết định từ chức "sau cuộc họp với các lãnh đạo của cơ quan an ninh", ông cho biết. "Trong thời gian rất ngắn, bà đề nghị được chấp thuận đến Ấn Độ trong thời điểm này", Ngoại trưởng Jaishankar cho biết.
Một quan chức Ấn Độ tiết lộ, New Delhi đã "truyền đạt" thông điệp một cách ngoại giao tới bà Hasina rằng thời gian lưu trú của bà ở Ấn Độ chỉ là tạm thời, vì Ấn Độ lo ngại điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của Delhi với chính phủ kế nhiệm ở Dhaka. Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa trả lời đề nghị bình luận về thông tin này.
Ông Muhammad Yunus, người mà phong trào sinh viên muốn trở thành lãnh đạo chính phủ lâm thời sau khi bà Hasina bị lật đổ, nói với báo The New Indian Express rằng New Delhi có "mối quan hệ tốt với những người không tốt... Hãy xem xét lại chính sách đối ngoại của các bạn".
Cuối ngày 5/8, chiếc máy bay vận tải C130 của Không quân Bangladesh đưa bà Hasina hạ cánh xuống căn cứ không quân Hindon bên ngoài thủ đô New Delhi.
Bà được Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đón tiếp, nguồn tin an ninh Ấn Độ cho biết.
Sau khi cha của bà Hasina bị ám sát năm 1975, bà đã tị nạn ở Ấn Độ trong nhiều năm và xây dựng mối quan hệ sâu sắc với nước láng giềng. Trở về Bangladesh, bà Hasina giành được quyền lực vào năm 1996.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina “bỏ trốn” khỏi thủ đô Dhaka khi các cuộc biểu tình đẫm máu vẫn đang tiếp diễn.