Đằng sau chuyện con hổ “quỷ dữ” giết hại hơn 400 người

Kẻ giết người hàng loạt gây kinh hoàng nhất thế giới không phải là Jack the Ripper hay một ai khác, mà là một con hổ dữ. Jack the Ripper được gọi là kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng nhất mọi thời đại. Số nạn nhân không được thống kê chính xác, nhưng có ít nhất 11 người bị Jack the Ripper sát hại. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với số nạn nhân của con hổ nọ.

Minh họa cảnh hổ cái sát hại một dân làng ở Ấn Độ.

Minh họa cảnh hổ cái sát hại một dân làng ở Ấn Độ.

Con hổ Bengal, sống ở đầu thế kỷ 20, là sinh vật nắm giữ kỷ lục sát hại nhiều người nhất. Nó gieo kinh hoàng ở Ấn Độ và Nepal, ước tính gây ra cái chết của 436 người, theo New York Daily News.

Cuốn sách “No Beast So Fierce” (tạm dịch: Không có con thú nào hung dữ đến vậy) xuất bản năm 2019 của tác giả Dane Huckelbridge là tài liệu kể lại chi tiết nhất câu chuyện hổ dữ ăn thịt người.

Cuốn sách kể về con hổ dữ, người hùng đã bắn chết nó và điều gì khiến kẻ săn mồi trong tự nhiên khiến nó giết người hàng loạt theo cách rất không bình thường.

Hổ Bengal là một trong những kẻ săn mồi đáng sợ nhất. Chúng nặng hơn 2 tạ, chạy nước rút với tốc độ 64 km/giờ. Lực cắn của chúng còn mạnh hơn cả cá mập trắng. Một cú tát đủ để làm vỡ sọ người.

Hổ cũng rất thông minh và thù dai. Ở Siberia cách đây không lâu, có một thợ săn bắn bị thương một con hổ. Con vật sau đó lần theo dấu vết tới nơi người đàn ông dựng trại, chờ thợ săn này quay về để giết chết.

Trong nhiều thế kỷ, hổ và con người sống trong hòa bình ở vùng đất thấp tươi tốt gần dãy Himalaya. Loài vật này nổi tiếng trong thần thoại và tôn giáo và chuyên săn con mồi như hươu, nai, thậm chí là các loại thực vật. Những người dân địa phương học cách để né tránh chúng.

Bức ảnh hiếm hoi chụp phần đầu của hổ cái Champawat, với dấu tích răng bị gãy do đạn bắn trong một lần chạm trán với con người.

Bức ảnh hiếm hoi chụp phần đầu của hổ cái Champawat, với dấu tích răng bị gãy do đạn bắn trong một lần chạm trán với con người.

Mọi chuyện thay đổi khi người Anh tới. Giữa thế kỷ 19, Ấn Độ và Nepal là thuộc địa của Anh, là nơi người Anh tới tìm kiếm lợi nhuận.

Hàng loạt đất trồng được khai hoang, khiến môi trường sống của hổ bị đảo lộn, đẩy chúng tới gần hơn với con người.

Để đối phó, người Anh treo giải cho các thợ săn tàn sát hổ. Kết quả là từ năm 1875 – 1925, có 80.000 con hổ bị tàn sát.

Người Ấn Độ khi đó chỉ là công dân hạng hai, không được sở hữu vũ khí. Và cũng không phải người Anh nào cũng là tay thiện xạ. Có vô số trường hợp hổ bị thương, không săn được mồi nhanh nhạy, quay sang nhắm tới các sinh vật chạy chậm hơn.

Một khi chúng nếm thử “hương vị thịt người”, chúng sẽ cứ như vậy quay sang săn người.

Đó là nguyên nhân mà con hổ ăn thịt người Champawat xuất hiện. Câu chuyện bắt đầu ở Nepal, khi một thợ săn bắn bị thương con hổ cái, làm gãy hai cái răng của nó. Thay vì lùng bắt con hổ bằng được, người này quay về nhà nghỉ ngơi

Năm 1903, con hổ cái dưỡng thương, quay sang săn tìm con người. Đó là giai đoạn mà số lượng người bản địa đột nhiên sụt giảm bất thường.

Khi số người chết tăng lên tới 200, người Nepal báo cáo với chính quyền. Lực lượng hùng hậu lên tới cả ngàn người săn tìm con hổ, gây tiếng động lớn nhằm khiến nó lộ diện.

Thay vì đối đầu, con hổ cái nhảy xuống con sông, bơi về hướng khác. Đó là lúc nó sang lãnh thổ Ấn Độ, chạm trán thợ săn James Corbett.

Thợ săn Corbett đứng bên cạnh một xác con hổ khác bị bắn chết năm 1930.

Thợ săn Corbett đứng bên cạnh một xác con hổ khác bị bắn chết năm 1930.

Corbett thuộc gia đình những người Anh đầu tiên sang Ấn Độ khai hoang, là một thợ săn kỳ cựu.

Vào năm 1907, hổ cái Champawat vẫn không ngừng săn lùng con người. Trung bình cứ mỗi tuần, có một dân làng ở Ấn Độ biến mất.

Nhận được lời mời từ quan chức Anh, Corbett đồng ý. Nhưng với điều kiện, là các thợ săn khác không được tham gia, vì Corbett muốn hành động một mình.

Đó không phải là cuộc đi săn dễ dàng. Một lần nọ, Corbett đi sâu vào một ngôi làng, giống như bị bỏ hoang, nhưng hóa ra là dân làng khóa cửa trốn kỹ vì sợ hổ dữ. Tiếp cận hiện trường, Corbett chỉ thấy phần thi thể còn lại của một phụ nữ.

Lần theo các dấu vết, Corbett đi bộ suốt 3 ngày tới ngôi làng Champawat. Dân làng xác nhận rằng hổ đang lởn vởn quanh khu vực.

Dù không muốn đi săn cùng người khác, Corbett đồng ý để dân làng tham gia, cho phép họ cầm súng. Cùng với hàng trăm dân làng, Corbett tới một thung lũng, là nơi cuối cùng có dấu vết của hổ cái.

Họ áp dụng chiến thuật cũ, gây âm thanh lớn để đánh động con hổ. Đột nhiên, con hổ cái xuất hiện chỉ cách 300 mét, lao về phía họ. Corbett bắn hai phát đạn shotgun, nhưng trượt.

Không có thời gian nạp đạn, Corbett quay sang dùng súng trường, nhưng bắn trượt lần thứ ba. Con hổ khi đó chỉ còn cách vài chục mét, Corbett bắn trúng phát thứ 4 và thứ 5. Nhưng con vật chưa dừng lại.

Corbett lấy khẩu súng do một người địa phương đang cầm, bắn phát đạn quyết định. Mọi thứ sau đó diễn ra trong im lặng, đến khi người dân làng bắt đầu reo hò, khi thấy con hổ cái đã chết.

Nhà chức trách địa phương khi đó kiểm đếm số lượng nạn nhân bị hổ cái Champawat sát hại. Tổng cộng có 436 người ở Nepal và Ấn Độ.

Chưa một sinh vật nào giết người nhiều đến như vậy. Tác giả Huckelbridge chỉ ra rằng, đây là kết quả của những hành động tàn phá môi trường tự nhiên mà con người gây ra. Chính con người đã khiến con hổ cái trở nên như vậy.

Kỳ tích trên giúp thợ săn Corbett trở nên nổi danh khắp nước Anh. Thợ săn này còn tham gia vào 30 chuyến đi săn báo và hổ khác. Đây là những sinh vật đã sát hại tổng cộng khoảng 1.000 người.

Sau này, Corbett phản đối sát hại động vật bừa bãi vì lo rằng hổ, sư tử có thể tuyệt chủng. 10 năm cuối đời là giai đoạn Corbett tham gia thúc đẩy bảo vệ động vật và bảo tồn môi trường hoang dã, tạo cơ sở để hình thành các khu bảo tồn như ngày nay.

Ngày nay ở Ấn Độ, có một công viên quốc gia được đặt tên Corbett, là nơi những con hổ vẫn cất tiếng gầm mỗi đêm.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Hãi hùng cảnh hổ dữ hơn 200 kg vào làng vồ người, xé toạc kính ô tô

Người phụ nữ đang làm việc ở đồng "rụng rời chân tay" khi thấy con hổ dữ to lớn lao vùn vụt về phía mình.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NY Daily News ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN